Nhóm dân cư nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu
Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH trên thế giới. Trong đó, nhiều đợt thiên tai cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và cường độ, thiệt hại trung bình hàng năm ước tính lên đến hơn 32.000 tỷ đồng.
BĐKH tác động không đồng đều tới đời sống - sức khỏe và giáo dục
Mới đây, Báo cáo nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đến bất bình đẳng đa chiều tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) và Oxfam tại Việt Nam được công bố.
Theo Viện trưởng MDRI Phùng Đức Tùng: "Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đến bất bình đẳng đa chiều. Bên cạnh các phát hiện về nhóm dân cư, nghiên cứu này cũng chỉ ra khoảng trống lớn về số liệu cần phải thu thập định kỳ và liên tục trong tương lai để có đầy đủ số liệu phục vụ cho các nghiên cứu sắp tới nhằm đưa ra được một bức tranh hoàn chỉnh. Điều đó giúp xây dựng các gợi ý chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tại đến các khía cạnh khác nhau của bất bình đẳng đa chiều ở Việt Nam".
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhóm dân cư nghèo và dễ bị tổn thương, như hộ gia đình có thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp, hộ dân tộc thiểu số và người dân ở các vùng sâu vùng xa thuộc khu vực nông thôn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn dưới tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Khả năng phục hồi sau thiên thiệt hại của các nhóm này cũng thấp hơn nhiều so với các nhóm dân cư khác.
Ngay cả trong một hộ gia đình, tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai cũng không đồng đều giữa các thành viên. Trong đó, phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi thường dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, việc phân công lao động, các định kiến và chuẩn mực xã hội cùng với chênh lệch về giới đã cản trở phụ nữ có được các kỹ năng và nguồn lực cần thiết để ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, tác động của biến đổi khí hậu sẽ trầm trọng hơn nếu áp dụng các biện pháp không phù hợp với chuẩn mực, nguyên tắc về quyền con người. Ngược lại, bảo vệ hiệu quả quyền con người sẽ giúp nâng cao năng lực của người dân, các cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5.9.2017 ban hành Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
Trong nghiên cứu này, tác động không đồng đều của biến đổi khí hậu và thiên tai tới các lĩnh vực đời sống - sức khỏe và lĩnh vực giáo dục là hai khía cạnh được đề cập tương đối đầy đủ so với các nghiên cứu ở thời điểm hiện tại.
Báo cáo cũng đưa ra số liệu cụ thể, xét về đời sống và sức khỏe, tăng thêm một ngày thời tiết lạnh cực đoan trong năm ước tính làm tăng khả năng bị ốm của hơn 4.000 trẻ em ở các hộ gia đình nghèo và gần 25.000 trẻ em ở các hộ gia đình với chủ hộ có trình độ học vấn từ THCS trở xuống. Người dân có xu hướng hạn chế mức độ tiếp xúc với thời tiết cực đoan để tránh tác động tiêu cực đến sức khỏe. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng được với tất cả mọi người, vì một số người nghèo và người lao động ngoài trời vẫn phải làm việc kể cả trong điều kiện thời tiết xấu.
Trong các trường hợp đau ốm do thay đổi thời tiết, người dân địa phương thường tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế xã. Vì vậy, việc đầu tư vào các dịch vụ y tế cấp cơ sở sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho những người sống ở vùng sâu, vùng xa này.
Về khía cạnh giáo dục, ước tính cho thấy khi tăng thêm một ngày lạnh cực đoan trong năm có thể làm giảm khả năng đi học của 1.175 trẻ em thuộc các hộ nghèo và 14.620 trẻ em ở khu vực nông thôn. Trong khi đó, báo cáo cho thấy tác động không rõ rệt của thời tiết lạnh cực đoan tới khả năng đi học với nhóm không nghèo và sống ở thành thị.
Di cư là “chiếc phao cứu sinh cuối cùng” ở ĐBSCL
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam thường xuyên đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và cường độ, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và bền vững. Các tác động rất nặng nề khi mức thiệt hại là 3,2% GDP vào năm 2020. Ước tính biến đổi khí hậu có thể làm giảm thu nhập quốc dân tới 3,5% vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức, kiến thức về biến đổi khí hậu và thiên tai của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng. Vì vậy, cần đẩy mạnh, tăng cường giáo dục quyền con người nhằm nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa quyền con người và biến đổi khí hậu.
Theo Báo cáo nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đến bất bình đẳng đa chiều tại Việt Nam, nhóm dân cư nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Phao cứu sinh cuối cùng của họ để đối phó là di cư, dẫn tới nhiều tác động sâu rộng, nhất là khu vực ĐBSCL.
Theo thống kê, hiện nay có nhiều người dân đã di cư khỏi ĐBSCL sang khu vực Đông Nam Bộ. “Làn sóng di cư này tạo ra nguy cơ lớn với an ninh lương thực vì ĐBSCL không chỉ đảm bảo an ninh lương thực với Việt Nam mà cả thế giới. Đây là lý do khiến khu vực này nhận được sự quan tâm rất lớn của thế giới về các vấn đề sinh kế và tác động biến đổi khí hậu”, TS Phùng Đức Tùng nhấn mạnh.
Trong đó, tác động nhãn tiền và ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu tới người dân trong khu vực là hiện tượng nước biển dâng, từ đó dẫn đến xâm nhập mặn ngày càng lớn.
Ngoài ra, nguồn nước sông Mekong cũng đang gặp khó khăn do các nước trên thượng nguồn của dòng sông đã xây nhiều đập thủy điện. Điều này kết hợp với hiện tượng nước biển dâng càng khiến xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL ngày càng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp vốn là sinh kế chính của người dân trong khu vực.
Hiện nay ĐBSCL đã có quy hoạch tổng thể và được Chính phủ thông qua, nhưng các chính sách cần phải tập trung coi thích ứng là yếu tố quan trọng hơn cả. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách có thể chú ý đến chia vùng với các mức độ tác động khác nhau để từ đó đưa ra các chiến lược thích ứng phù hợp. Có những khu vực, không thể thay đổi điều kiện tự nhiên nên người dân sẽ phải tính đến phương án thay đổi sinh kế, từ trồng cây sang nuôi thủy sản, từ sống trên đất liền sang những ngôi nhà nổi. Những vùng cao hơn có thể xây dựng những đê bảo vệ và những mương nước ngọt, hạn chế xâm nhập mặn để giữ nguyên sinh kế cho người dân.
Lan Anh