Thứ hai, 07/10/2024 06:37 (GMT+7)
Thứ tư, 03/08/2022 10:55 (GMT+7)

8 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện để đạt cam kết mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

Nhằm chủ động tham gia xu thế toàn cầu, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp và nỗ lực biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện để đạt cam kết mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Trong đó, những nhiệm vụ chính bao gồm giải pháp chính bao gồm hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, tài chính xanh.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên. Phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái biển; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng.

Thực hiện chôn lấp chất thải rắn có thu hồi khí cho phát điện và chôn lấp bán hiếu khí, phát điện sinh khối; nhân rộng mô hình sản xuất phân compost từ chất thải sinh hoạt; xử lý đốt chất thải rắn phát điện. Áp dụng mô hình tuần hoàn xử lý chất thải, đẩy mạnh triển khai phân loại rác tại nguồn.

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là khu vực ven biển, sông, hồ.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông. Tổ chức đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải các-bon thấp trong các ngành, lĩnh vực để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển các-bon thấp trong các ngành, lĩnh vực.

Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới, cũng như ập trung phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nghiên cứu phát triển và sử dụng nhiên liệu xanh, khoáng sản phục vụ sản xuất pin, lưu trữ năng lượng, ứng dụng trong lắp ráp các thiết bị, phương tiện không phát thải và điện hóa trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải; phát triển lưới điện thông minh, vận hành các nguồn năng lượng mới, nguồn điện linh hoạt.

Đặc biệt, Đề án tập trung vào giải pháp nhằm giảm tác động môi trường có nguyên nhân từ phương tiện giao thông. Cụ thể, ban hành các quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, quy định về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với phương tiện giao thông vận tải, các cơ chế khuyến khích, ưu đãi sử dụng nhiên liệu sinh học, điện, nhiên liệu xanh.

Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông bằng hình thức chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải ven biển, tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao.

Chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới.

Chuyển đổi hoạt động theo tiêu chí xanh, phát thải các-bon thấp đối với các cảng, bến, nhà ga. Phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện GTVT; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải các-bon thấp.

Triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị xanh, thông minh, sinh thái và các công trình xây dựng xanh, phát thải các-bon thấp.

Đề án đã đề ra 31 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện từ nay đến năm 2030 và 42 nhiệm vụ thực hiện xuyên suốt từ nay đến năm 2050. Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 chỉ đạo, điều phối triển khai thực hiện Đề án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thực hiện nhiệm vụ thường trực, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án; Huy động các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng DN tham gia thực hiện cam kết đạt mức phải thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

8 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu - Ảnh 1

08 giải pháp thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26

Căn cứ tiểu mục 1 Mục II Điều 1 Quyết định 888/QĐ-TTg năm 2022 quy định giải pháp thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của liên hợp quốc về biến đổi khí hậu như sau:

1. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

- Rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi để thu hút các dòng vốn đầu tư, tài chính xanh của các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam hợp tác và triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, sản xuất nhiên liệu xanh, sạch.

- Ban hành các quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; quy định về hiệu quả sử dụng năng lượng đối với phương tiện giao thông vận tải.

- Ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi sử dụng nhiên liệu sinh học, điện, nhiên liệu amonia xanh, hydro xanh trong giao thông vận tải; triển khai áp dụng các công cụ định giá các-bon; khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các lĩnh vực; thúc đẩy phát triển thương mại và sản xuất, tiêu dùng hàng hóa xanh, bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

- Ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam phù hợp với mục tiêu cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, Kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, Kế hoạch chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh trong giao thông vận tải; Kế hoạch hành động của các ngành, lĩnh vực thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Lồng ghép những nhiệm vụ này vào các chiến lược, quy hoạch quốc gia, ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

2. Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon

- Phát triển các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, thủy điện, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối...); nghiên cứu phát triển và sử dụng nhiên liệu amonia xanh, hydro xanh; lưu trữ năng lượng và phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng các-bon. Đánh giá tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản phục vụ sản xuất pin, lưu trữ năng lượng, ứng dụng trong lắp ráp các thiết bị, phương tiện không phát thải.

- Tăng cường điện khí hóa và sử dụng hiệu quả năng lượng trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải; phát triển lưới điện thông minh, vận hành các nguồn năng lượng mới, nguồn điện linh hoạt; thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; phát triển ô tô điện tại Việt Nam.

- Nghiên cứu thành lập Trung tâm Năng lượng tái tạo quốc gia nhằm phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm và quản trị quốc gia trong lĩnh vực này. Xem xét tham gia Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA) và Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế (ISA) để thúc đẩy các hoạt động chuyển dịch năng lượng, huy động các nguồn vốn cho ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.

- Điều tra các loại khoáng sản, nghiên cứu phát triển vật liệu, công nghệ mới để chuyển tải, lưu trữ năng lượng.

3. Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh

- Thúc đẩy chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải ven biển; tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ logistics chất lượng cao, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện. Chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới.

- Thúc đẩy chuyển đổi hoạt động theo tiêu chí xanh, phát thải các-bon thấp đối với các cảng, bến, nhà ga. Phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải các-bon thấp.

- Triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị xanh, thông minh, sinh thái và các công trình xây dựng xanh, phát thải các-bon thấp.

4. Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng

- Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, sử dụng công nghệ hiện đại, ít phát thải; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên hiện có để giảm phát thải, tăng lượng hấp thụ các-bon rừng; trồng rừng, phát triển rừng, phục hồi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng; nâng cao chất lượng và trữ lượng các-bon rừng.

5. Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên

- Bảo vệ, phục hồi và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái biển; bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng.

- Cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, đặc biệt đối với các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước, chịu tác động của xâm nhập mặn.

- Thực hiện chôn lấp chất thải rắn có thu hồi khí cho phát điện và chôn lấp bán hiếu khí, phát điện sinh khối; nhân rộng mô hình sản xuất phân compost từ chất thải sinh hoạt; xử lý đốt chất thải rắn phát điện. Áp dụng mô hình tuần hoàn xử lý chất thải, đẩy mạnh triển khai phân loại rác tại nguồn.

6. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

- Đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cho các khu vực dễ bị tổn thương, đặc biệt là khu vực ven biển, sông, hồ. Triển khai các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái và cộng đồng.

- Tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai và năng lực truyền tin; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng đô thị thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu; quy hoạch, bố trí, di dời, sắp xếp dân cư, xây dựng nhà an toàn cho người dân ở những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất.

- Phát triển và thực hiện thí điểm một số mô hình an sinh xã hội, chuyển đổi công bằng phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái, xã hội của các vùng, miền.

7. Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông

- Đánh giá nhu cầu công nghệ sạch, phát thải các-bon thấp trong các ngành, lĩnh vực để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển các-bon thấp trong các ngành, lĩnh vực.

- Nghiên cứu và triển khai thí điểm các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon từ các nguồn phát thải lớn cho một số lĩnh vực, vùng có tiềm năng, đảm bảo hiệu quả về chi phí và có thể mở rộng quy mô; nghiên cứu phát triển các vật liệu mới ít phát thải.

- Xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển các chương trình giáo dục và đào tạo tích hợp nội dung ứng phó biến đối khí hậu ở các cấp học.

8. Thúc đẩy ngoại giao khí hậu

- Vận động thu hút nguồn lực quốc tế (các nguồn tài chính công và tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm...) thông qua trao đổi, chuyến thăm cấp cao, chương trình làm việc của các Bộ, ngành, địa phương với đối tác nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và thúc đẩy thiết lập các quan hệ đối tác song và đa phương với các đối tác quốc tế.

- Tiếp thu kinh nghiệm, mô hình, thực tiễn tốt về thực hiện các cam kết tại COP26 ở các nước, các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi công nghiệp, giao thông và năng lượng phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn.

- Tích cực tham gia các tổ chức, cơ chế, diễn đàn quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu và có đóng góp thực chất, đề xuất ý tưởng và sáng kiến mới tại các cơ chế khu vực và toàn cầu.

Nguồn lực thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung?

Căn cứ Mục III Điều 1 Quyết định 888/QĐ-TTg năm 2022 quy định nguồn lực thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của liên hợp quốc về biến đổi khí hậu như sau:

- Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

- Huy động hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính trong nước, quốc tế; khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án phát triển các-bon thấp.

Thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước nhằm tăng thêm nguồn đầu tư cho phát triển các-bon thấp.

Xem Quyết định 888/QĐ-TTg năm 2022 TẠI ĐÂY

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết 8 nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tỉnh Hà Nam có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hà Nam 9 tháng năm 2024, tỉnh này đã có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và công nhận thêm 38 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Nghỉ lễ đi du lịch “chữa lành môi trường”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành những vấn đề cấp bách, thì xu hướng du lịch “chữa lành môi trường” đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.
Để điện gió ngoài khơi không còn “xa bờ"
Một trong những chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo trong đó điện gió ngoài khơi được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tin mới

Ảnh hưởng của bão đẩy chỉ số CPI lên cao
Giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão, cộng với việc một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình và giá thuê nhà leo thang là những nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,29%.
Phát hiện 17.342 vụ vi phạm môi trường
Trong 9 tháng năm 2024, , các cơ quan chức năng đã phát hiện 17.342 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 15.852 vụ với tổng số tiền phạt là 224,7 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.