Thứ sáu, 19/04/2024 17:59 (GMT+7)
Thứ năm, 04/08/2022 10:55 (GMT+7)

Phát triển đô thị biển hướng tới mục tiêu bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và thực sự trở thành cường quốc biển, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các cực kinh tế biển với hệ thống các chuỗi đô thị biển làm bệ đỡ và là “bàn đạp” tiến ra biển.

Đô thị biển Việt Nam đứng trước nhiều thách thức

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Các chuyên gia nhận định, vùng ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất lớn do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển đã và đang mang lại nguồn thu cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững tại Rio De Janeiro, Brazil, dải ven bờ biển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam được đặt trong nguy cơ bị nhấn chìm trong vài chục năm tới. Tại báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển: Phát triển khu vực ven biển Việt Nam - Cơ hội và rủi ro thiên tai” công bố vào tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra, dù có tiến bộ đáng kể, nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, có tới 11,8 triệu cư dân ven biển đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và 35% khu dân cư đang nằm trong vùng hay bị sạt lở; mỗi năm, kinh tế bị thiệt hại 852 triệu USD (chiếm 0,5% GDP) và 316.000 việc làm do lũ sông và lũ ven biển... 

Mới đây nhất, Kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã dự báo, cuối thế kỷ 21, khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó, hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt ở các xã, phường ven biển. Trong số đó một số tỉnh, thành phố bị ngập nặng phải kể đến là thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, TP.HCM, Kiên Giang…

Phát triển đô thị biển hướng tới mục tiêu bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển.

Với xu hướng phát triển như hiện nay, các thành phố và thị trấn ven biển đang phải đối mặt với những thách thức phát triển cân bằng khi mà môi trường tự nhiên ven biển, rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ quan trọng bị hủy hoại dưới tác động của các hoạt động kinh tế và đô thị hóa…

Để tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển.

Hiện nay, có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và khoảng 50% các đô thị lớn của Việt Nam tập trung ở khu vực ven biển và trên đảo. Các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như TP.Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, .... Các đô thị biển này đang được nhìn nhận có hình thái như đô thị đồng bằng, chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.

Bên cạnh đó, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị hướng biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp…

Xây dựng đô thị thích ứng với ứng phó biến đổi khí hậu

Hiện nay, phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du lịch phát triển. Các đô thị biển có thể phát triển chức năng chủ đạo đem lại bản sắc khác biệt như: Sinh thái, nghỉ dưỡng, đô thị đại học, kinh tế tài chính, ngư nghiệp, cảng biển hay giao thương quốc tế... Từ đó tạo thành một mạng lưới đô thị biển quốc gia đa dạng, kết nối với nhau qua hệ thống đường thủy cũng như đường bộ ven biển.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và thực sự trở thành cường quốc biển, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các cực kinh tế biển với hệ thống các chuỗi đô thị biển làm “pháo đài” tiền tiêu trong phòng thủ và là “bàn đạp” hạt nhân tiến ra biển, đặt trong tư duy chiến lược liên kết vùng.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Dưới góc nhìn Quy hoạch phát triển đô thị ven biển, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2050, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước.

“Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản – thiên nhiên và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới”, ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.

Theo các chuyên gia, cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý các dự án, bảo vệ tài nguyên và môi trường đất đai ven biển; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Xây dựng kịch bản nước biển dâng để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng xây dựng nếu cần thiết.

Tại Hội thảo "Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới", PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất 3 giải pháp phát triển kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam.

Một là, phải có tầm nhìn và cách tiếp cận mới về đô thị biển, phải thể hiện trong quy hoạch quốc gia. Chức năng của đô thị biển phải được định hình rõ và đảm bảo không xảy ra xung đột.

Hai là, đô thị biển phải là toạ độ hội nhập quốc gia, mở cửa và trở thành trung tâm cạnh tranh quốc tế.

Ba là, tích hợp chức năng của đô thị trên tinh thần hiện đại hoá. Là đô thị cảng biển (hàng hoá hoặc du lịch); trung tâm công nghiệp thông minh; tổ hợp logistics kiểu mới. Đồng thời phải tạo tư duy, cơ chế trao quyền phải gắn với chức năng đặc thù cho các đô thị biển để tăng tính chủ động, sáng tạo. Cùng với đó động lực phát triển đô thị biển phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển đô thị biển hướng tới mục tiêu bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .