Bà Rịa – Vũng Tàu: Phát triển đô thị biển trước tiên phải gìn giữ môi trường, nguồn nước
Theo nhiều chuyên gia, để phát triển kinh tế biển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tập trung ưu tiên phát triển các chuổi đô thị biển với những bản sắc riêng, bền vững, hài hòa với môi trường tự nhiên.
Phát triển kinh tế biển hiện chưa xứng tầm với tiềm năng
Tại hội thảo “Quy hoạch và kiến trúc cảnh quan các đô thị ven biển tỉnh” do Hội Kiến trúc sư (KTS) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư cho rằng, việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững ở Bà Rịa -Vũng Tàu cần gắn liền với môi trường, tạo ra những điểm nhấn mang tính bản sắc.
Báo cáo trong hội thảo, ông Nguyễn Đức Lập, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khái quát thực trạng quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tiềm năng phát triển không gian; thách thức, cơ hội trong quy hoạch phát triển đô thị ven biển cũng như mối quan hệ với các đô thị khác trong khu vực; những yếu tố đặc thù, riêng biệt về đô thị biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 300 km chiều dài bờ biển và hơn 100.000 km2 thềm lục địa. Hiện tỉnh có 10 đô thị biển; trong đó, có 3 đô thị biển đã được công nhận gồm: Thành phố Vũng Tàu, Long Hải (huyện Long Điền) và Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Tỉnh cũng đang thực hiện các bước quy hoạch để phát triển thêm các đô thị biển như: Hồ Tràm, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Lộc An (huyện Đất Đỏ) và toàn bộ huyện Côn Đảo thành đô thị biển đảo.
Đặc biệt, lợi thế cảng nước sâu của Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm nổi bật nhất trong vùng, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo vị thế vùng riêng biệt cho tỉnh. Nằm liền kề với vùng TP. Hồ Chí Minh phát triển năng động bậc nhất cả nước và khu vực ASEAN, Bà Rịa - Vũng Tàu là cấu thành quan trọng vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, điều kiện khí hậu, đất đai và nguồn tài nguyên tự nhiên thuận lợi là ưu thế về phát triển kinh tế biển với các ngành dầu khí, công nghiệp, hải sản và lợi thế du lịch biển, đảo.
Dù là vùng đất được đánh giá rất có tiềm năng trong việc phát triển kinh tế biến, thế nhưng theo các chuyên gia, hiện nay các khu du lịch ven biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu chưa sống động, thiếu tiện ích du lịch và thiếu gắn kết cộng đồng. Người dân địa phương ít được thụ hưởng từ phát triển du lịch và ít được tham gia vào dịch vụ du lịch. Tổ chức không gian đô thị dọc tuyến đường ven biển cũng còn nhiều bất cập như việc không cho xây dựng công trình phía biển, hạn chế chiều cao công trình phía đất liền… làm hạn chế du lịch chất lượng cao tiếp cận trực tiếp biển.
Đặc biệt, các nhà đầu tư lớn đã và đang tập trung đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, từng ngày làm thay đổi bộ mặt địa phương, trong đó có các đô thị biển. Tuy nhiên, một số dự án đang sao chép kiến trúc từ các dự án ở các địa phương khác, làm cho kiến trúc thiếu đặc trưng, không mang tính bản địa, tính đặc sắc, dễ bị nhàm chán…
Bảo vệ môi trường, nguồn nước để phát triển đô thị biển
Trước những tiềm năng có sẵn, tại hội thảo, các Kiến trúc sư cũng đã tập trung vào phân tích có nên xây dựng các đô thị nén, cao tầng cho các đô thị biển; quy hoạch và xây dựng kiến trúc cảnh quan 2 bên tuyến đường ven biển như thế nào cho phù hợp và phát triển bền vững; có nên lấy đất ven biển để làm tuyến đường và bờ kè từ Vũng Tàu đi Bình Châu, làm bờ kè như thế nào cho phù hợp?
Nhiều nội dung còn được các đại biểu trao đổi về phát triển đô thị song hành với du lịch tạo ra sự sinh động, gắn kết cộng đồng cũng như có sự tham gia của cư dân bản địa vào phát triển du lịch hay là tách rời các dự án du lịch ra xa cộng đồng; giải pháp khai thác hiệu quả cảnh quan núi tại các đô thị biển; khắc phục các bất cập chồng chéo của các luật có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất như: Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo; nên chọn loại hình kiến trúc nào...?
KTS Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc xây dựng chạy theo những nhu cầu ngắn hạn cho khách du lịch từ các vùng khác đã biến đổi môi trường đô thị ven biển thành một lâu đài cát có thể bị sụp đổ bất kỳ lúc nào. “Nếu không nhìn thấy những tác động và nhu cầu thực tế của môi trường địa phương, Bà Rịa - Vũng Tàu sớm muộn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp rất lớn, và đồng thời có thể bị chia cắt khỏi đất liền. Để phát triển các đô thị biển, Bà Rịa-Vũng Tàu cần giữ lại các vùng đầm lầy ngập nước như khu vực cầu Cỏ May, khu Cửa Lấp, khu cù lao Bến Đình… để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước”, bà Nga nói.
Trong khi đó, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội KTS Việt Nam nhận định, Bà Rịa - Vũng Tàu là đô thị trẻ vốn đã được quy hoạch tương đối bài bản. “Nếu muốn quy hoạch các khu đô thị biển, Bà Rịa - Vũng Tàu cần đạt được các yếu tố: có bản sắc riêng, bền vững, hài hòa và quan trọng là phải có “của để dành” cho thế hệ tương lai”, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị cũng chia sẻ, đô thị biển Bà Rịa-Vũng Tàu có nét chung đô thị biển nhưng phải có nét riêng về văn hóa xã hội, kinh tế, đặc điểm hình thái… Do vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu cần nghiên cứu để tạo điểm nhấn cho khu vực ven biển, tạo ra tuyến đô thị hướng biển.
KTS Nguyễn Hữu Mạnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, quy hoạch đô thị biển Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải có những màu sắc riêng, đặc trưng và đặc thù, không thể lẫn với Phú Quốc hay Đà Nẵng. Do đó, các kiến trúc ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu không thể sao chép máy móc từ các đô thị khác.
Phát biểu tại hội thảo, KTS Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi đúng định hướng phát triển hành lang kinh tế du lịch đối với các đô thị ven biển của tỉnh. Gần như các đô thị biển của Bà Rịa-Vũng Tàu đều đã có quy hoạch định hướng, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, chi tiết để quản lý đầu tư và phát triển; phân vùng rõ ràng khu đô thị, khu du lịch phục vụ cho phát triển đô thị và du lịch... Riêng Côn Đảo đã có đầy đủ các loại quy hoạch, quy định quản lý để phát triển Côn Đảo tương đối chặt chẽ.
Thanh Tùng