BR-VT: Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch Công viên văn hóa – đô thị mới Bàu Trũng
Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu Công viên văn hóa – đô thị mới Bàu Trũng , TP. Vũng Tàu với quy mô diện tích 190ha đã được phê duyệt từ năm 2000. Sau 22 năm bị “treo”, khu vực Bàu Trũng tiếp tục được điều chỉnh quy hoạch còn 173ha.
Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức thảo luận về Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu Công viên văn hóa – đô thị mới Bàu Trũng, TP. Vũng Tàu(sau khi đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vũng Tàu đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 17/5/2019).
Theo đó, tính chất mới của quy hoạch phân khu thay đổi theo định hướng quy hoạch chung được duyệt, cụ thể như: ưu tiên hình thành công viên văn hóa - hồ điều hòa; phần còn lại tái thiết đô thị trên cơ sở phát triển khu hỗn hợp với các chức năng chủ yếu gồm: khu đô thị mới, khu dịch vụ thương mại và văn phòng, khu nhà ở xã hội, tái định cư và cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu...
Khu vực nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch thuộc địa phận phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu, với diện tích khoảng 172,99ha (bao gồm cả một phần diện tích ven hồ thuộc dự án Khu Trung tâm Chí Linh). Quy mô dân số khoảng 40.000 người (bao gồm cả dân số quy đổi khoảng 6.970 người).
Theo quy hoạch mới điều chỉnh, khu vực Bàu Trũng được phân thành 3 tiểu khu, phân chia bởi hệ thống giao thông chính đô thị làm cơ sở quản lý và lập quy hoạch chi tiết. Tiểu khu 1 là khu đô thị cải tạo, chỉnh trang với diện tích 23ha; Tiểu khu 2 là khu công viên văn hóa - đô thị mới Bàu Trũng, diện tích hơn 110ha; Tiểu khu 3 là khu ổn định quy hoạch, diện tích gần 40ha...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cơ bản thông qua nội dung Đồ án nêu trên. Tuy nhiên, UBND TP. Vũng Tàu và đơn vị tư vấn cần phối hợp với Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến, bổ sung, hoàn thiện Đồ án, báo cáo xin ý kiến Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Được biết, Khu Bàu Trũng được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 tại Quyết định số 3749/QĐ.UB ngày 16/8/2000 với tính chất khu công viên văn hóa thể thao Bàu Trũng. Thời điểm trên, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định thu hồi 126,2 ha đất để giao cho Ban Quản lý hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau nhiều năm được giao dự án, Ban Quản lý hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gần như không triển khai thực hiện.
Năm 2007, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận cho Công ty TNHH Goodchoice (Mỹ) thực hiện dự án khu công viên vui chơi giải trí quốc tế Wonderful World. Tương tự như lần trước, sau nhiều năm, dự án này vẫn giậm chân tại chỗ. Bằng chứng là dự án chỉ mới có các hạng mục công trình nhà thi đấu đa năng, trụ sở UBND và Công an phường Nguyễn An Ninh, tường rào dọc theo đường 51C, kè và nạo vét lòng hồ khu đô thị trung tâm Chí Linh.
Trước tình trạng chậm trễ trên, tháng 12/2016, tại thông báo kết luận của UBND tỉnh sau khi nghe báo cáo về dự án, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhận định dự án khu Công viên Bàu Trũng đã 20 năm nhưng chưa triển khai thực hiện được. Thực trạng mất kiểm soát về quản lý đất đai, quản lý đô thị và đầu tư xây dựng tại đây là một trong những điểm "nóng" nhất, kéo dài nhất, không chỉ trên địa bàn TP. Vũng Tàu mà còn là điểm "nóng" của tỉnh, gây bức xúc cho người dân và dư luận suốt nhiều năm qua. Nếu khu vực Bàu Trũng không được xử lý sớm, dứt điểm sẽ ngày càng phức tạp. Vì vậy, UBND tỉnh quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của công ty trên đối với dự án.
Sau đó, dự án Bàu Trũng đã được UBND tỉnh Bà Riạ – Vũng Tàu đồng ý giao cho DIC Corp phối hợp với UBND TP. Vũng Tàu, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, khảo sát và đề xuất nhiệm vụ, phương án quy hoạch lại. Dự án này cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý cho phép nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đây được đánh giá là dự án trọng điểm, quy mô lớn nhất từ trước tới nay trong việc chỉnh trang đô thị, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Thế nhưng, do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên từ đó đến nay, dự án vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Việc dự án không thể thực hiện được trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và cuộc sống của người dân trong khu vực dự án, như: không thực hiện được các quyền sử dụng đất dẫn đến xây dựng không phép, đất công do nhà nước quản lý trong khu vực bị lấn chiếm; điều kiện hạ tầng thấp kém, dẫn đến ô nhiễm môi trường…
Thanh Tùng