Thứ tư, 24/04/2024 11:14 (GMT+7)
Thứ năm, 26/03/2020 16:12 (GMT+7)

Nhìn trước những khó khăn

Theo dõi KTMT trên

Dịch bệnh với những tác động tiêu cực trên toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia. Và, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Biểu hiện rõ nhất cho những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt về tác động của dịch Covid-19 là số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế đang giảm mạnh, người thất nghiệp trong cả nước đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 63,26%.

Khái quát các tác động chung, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đưa ra đánh giá, trong ngắn hạn doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, giao thông và xuất nhập khẩu… sẽ bị tác động mạnh. Bằng chứng là chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm, có đến 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019); 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và khi dịch có diễn biến phức tạp trên 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh (tập trung vào các lĩnh vực dệt may; dịch vụ vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ và dịch vụ hỗ trợ vận tải; dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; xuất khẩu hàng nông, thủy sản).

Nhìn lại diễn biến của hơn 3 tháng qua, sống trong mối đe dọa bởi dịch bệnh, dễ nhận thấy những mặt trái của toàn cầu hóa đang hiển hiện. Các nhà nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra rằng, trong khi toàn cầu hóa có thể đem đến nhiều lợi ích nhờ vào hiệu quả kinh tế thông qua cạnh tranh, khả năng tiếp cận rộng lớn tới thông tin, công nghệ và học tập những kinh nghiệm tốt từ bên ngoài, chính quá trình này cũng gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt khi các loại dịch bệnh với nguy cơ lây nhiễm cao và nhanh như dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp Thế giới.

Nhìn trước những khó khăn - Ảnh 1
Nhiều ngành sản xuất đang khó khăn về nguyên, phụ liệu.

Dịch bệnh đang diễn ra là một cuộc khủng hoảng thực sự đánh vào khả năng phản ứng của các quốc gia. Nó cũng cho thấy, sự chuẩn bị chưa thật tốt cho việc xử lý các khủng hoảng kiểu như dịch bệnh Covid-19. Có những quốc gia lâu nay khả năng phòng vệ về mặt an ninh rất tốt, nhưng gặp dịch bệnh đã thể hiện rõ sự lúng túng, thậm chí, còn rơi vào trầm trọng, đứng trước thảm họa.

Dịch bệnh cũng chỉ cho chúng ta thấy mình đang sống trong một thế giới mà ở đó sự bất bình đẳng ngày một lan rộng ở cả cấp độ toàn cầu cũng như địa phương.

Ở Việt Nam, diễn tiến phức tạp của dịch bệnh cũng chỉ ra rằng, nếu kéo dài, sẽ gây ra áp lực lớn, khó khăn trong việc bảo đảm tính liên tục các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, thiếu nhân lực điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, việc tổ chức cách ly và xử lý môi trường với số lượng lớn, thời gian ngắn. Nghiêm trọng hơn là xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo virus SARS-Cov-2.

Trong trung hạn và dài hạn, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đưa ra đánh giá rằng, các tác động đến tăng trưởng GDP là khó tránh khỏi và đây là dự báo của hầu hết các quốc gia có dịch bệnh Covid-19. Nhà nước sẽ phải huy động và triển khai các gói hỗ trợ kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong bối cảnh việc làm khó khăn. Đời sống của người dân sẽ chịu tác động khi có những biến động về thị trường lao động, giá cả, tiền lương nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Nhìn trước các khó khăn như thế để chúng ta cùng đồng lòng, chung sức vượt qua giai đoạn đầy cam go này. Mà việc tất thảy các cấp chính quyền đều vào cuộc khẩn trương, quyết liệt thời gian qua đã cho thấy tinh thần đó.

Thế kỷ 21 đang chứng kiến sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự bùng nổ của các loại dịch bệnh mới rất khó kiểm soát. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu để có thể tạo dựng những nơi ở có điều kiện sống tốt hơn khi mà những xung đột lợi ích luôn thường trực? Câu trả lời còn ở phía trước!

Ngọc Lý

Bạn đang đọc bài viết Nhìn trước những khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới