Chủ nhật, 24/11/2024 23:18 (GMT+7)
Thứ ba, 25/06/2024 07:00 (GMT+7)

Nhìn lại chặng đường sau 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình và 20 năm thành lập TP.Thái Bình

Theo dõi KTMT trên

Sau 70 năm giải phóng thị xã (30/6/1954) và 20 năm xây dựng, phát triển thành phố, đến nay TP.Thái Bình đang vững bước trên con đường phát triển kinh tế - xã hội; kiên định thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại I vào năm 2025.

TP.Thái Bình (tiền thân là thị xã Thái Bình) xưa kia được biết với tên gọi Kỳ Bố Hải khẩu. Đây là vùng quê gắn liền với nhiều nét đẹp văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước, cách mạng với những tên đất, tên người đã được lưu danh trong sử sách. Mặc dù thành lập muộn hơn so với thị xã và các tỉnh khác của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nhưng thị xã Thái Bình nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung lại có lịch sử hình thành, phát triển gắn liền với hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

Thị xã Thái Bình - Những dấu ấn lịch sử

Ngày 21/3/1890, thị xã Thái Bình mới chính thức được hình thành cùng với việc thành lập tỉnh Thái Bình theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Đây là kết quả trực tiếp của âm mưu thực hiện chính sách “chia để trị” nhằm nhanh chóng kết thúc công cuộc bình định ở Bắc Kỳ của thực dân Pháp.

Đến 5 năm sau, ngày 4/2/1895 kế hoạch thành lập thị xã Thái Bình được hoạch định ranh giới bằng một quyết định nữa của viên Kinh lược Bắc Kỳ (Hoàng cao khải). Quyết định ghi rõ: “Những làng Bồ Xuyên và Kỳ Bố, tổng Lạc Đạo, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình sáp nhập vào thành phố Kiến Xương (tức phủ lỵ Kiến Xương đang đóng ở Kỳ Bá). Ngoài 2 làng trên, tất cả các khu phố ở xung quanh thành sẽ cùng được nhập lại để gọi là TP.Thái Bình”.

Dân ở các làng Kỳ Bá và Bồ Xuyên phải gánh vác tất cả tạp dịch của dân cư thành thị như: Làm đường trong thành phố mới, xây cống rãnh, ánh sáng, xây dựng đồn cảnh sát và tất cả các công việc khác. Trải qua bao năm kháng chiến và xây dựng, những con người Thái Bình đã trung kiên bám trụ để có một thành phố trẻ hội tụ nhiều tiềm năng và hy vọng của ngày nay.

Nhìn lại chặng đường sau 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình và 20 năm thành lập TP.Thái Bình - Ảnh 1
Phố Lê Lợi – Thị xã Thái Bình những năm cuối thế kỷ XX. (Ảnh tư liệu)

Những năm đầu mới ra đời, thị xã Thái Bình chỉ vỏn vẹn bao gồm đất đai, cư dân 2 làng nông nghiệp Bồ Xuyên và Kỳ Bá với 2 con đường làng ngoằn ngoèo dài chừng 1km. Thêm vào đó là khu vực của phủ thành Kiến Xương gồm “một thành xây hình 4 góc, có hào phòng thủ bao quanh. Dọc theo các hào chỉ có một con đường phố, hai bên có nhà lụp xụp bằng đất hoặc phên trát vôi, lợp tranh với khoảng chừng 300 dân. Để phục vụ cho bộ máy cai trị, các công sở được xây dựng ngay sau đó bên bờ sông Trà Lý”.

Do hình thành trong hoàn cảnh đặc biệt, diện mạo của thị xã từng bước có thay đổi nhất định, gắn liền với yêu cầu củng cố bộ máy cai trị và đẩy mạnh chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Từ sau năm 1945, thị xã lại có thêm nhiều lần thay đổi khi tách khi nhập với một số làng ven thị.

Năm 1951, để tăng cường cho lực lượng kháng chiến ở khu trung tâm đầu não tỉnh, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã quyết định sáp nhập vào thị xã 3 xã: Tiền Phong (huyện Thư Trì), Trần Lãm (huyện Vũ Tiên), Hoàng Diệu (huyện Đông Quan). Tháng 5/1952, khi thị xã trở thành vùng tạm chiếm của địch, thực dân Pháp lại có quyết định “Cải biến thị trấn Thái Bình gồm có 3 khu thành thị xã Thái Bình” với ranh giới: “Bắc giáp sông Đoan Túc, Nam giáp sông Lạc Đạo và Kỳ Bá, Đông giáp sông Trà Lý, Tây giáp xã Kỳ Bá”.

Nhìn lại chặng đường sau 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình và 20 năm thành lập TP.Thái Bình - Ảnh 2
Cầu Bo Thái Bình. (Ảnh tư liệu)

Sau hòa bình lập lại (30/6/1954), thị xã tập trung khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng. Mảnh đất tự hào là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn và tiếp sức chiến trường, với tinh thần tất cả hướng về miền Nam ruột thịt. Gần 50 năm giải phóng thị xã, nỗ lực phấn đấu từng tiêu chí, năm 2003 thị xã Thái Bình được công nhận là đô thị loại III.

Một năm sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2004/NĐ-CP thành lập TP.Thái Bình. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận TP.Thái Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thái Bình. Qua bao giai đoạn phát triển, hiện nay TP.Thái Bình có 19 phường, xã.

TP.Thái Bình - Đô thị xanh, hiện đại và văn minh

70 năm sau khi giải phóng thị xã và 20 năm sau khi thành lập thành phố, ngày nay TP.Thái Bình đã chuyển biến mạnh mẽ và gặt hái nhiều thành tựu to lớn trong quá trình phát triển. Năm 2023 vừa qua, TP.Thái Bình đã hoàn thành một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Trong đó có những công trình mang đậm nét văn minh, hiện đại mang dấu ấn như: Công viên Kỳ Bá, công viên Hồ Ty Diệu, đường Ngô Quyền, đường Trần Thánh Tông, đường Lý Thái Tổ, một số cầu trên địa bàn.

Thành phố này cũng đẩy nhanh tiến độ các dự án tạo nguồn như: Ao Chiến Thắng, Khu đất trường Nguyễn Thái Bình, khu 5,2ha xã Đông Mỹ. Hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán công trình hạ tầng Quảng Trường, hạ tầng khu tái định cư TBS Sông Trà. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị, công viên hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Nhìn lại chặng đường sau 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình và 20 năm thành lập TP.Thái Bình - Ảnh 3
Công viên Kỳ Bá sau khi đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, nền kinh tế TP.Thái Bình đang trên đà phát triển toàn diện. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 51.066,5 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người đạt 78 triệu đồng/năm. Trên địa bàn thành phố hiện đang có trên 2.500 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động.

TP.Thái Bình đã có sự phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh với diện tích gần 7.000 ha, 19 đơn vị hành chính gồm 10 phường, 9 xã; dân số trên 280.000 người. Đảng bộ thành phố hiện có 39 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: 19 Đảng bộ phường, xã; 6 Đảng bộ cơ quan; 14 Chi bộ cơ sở với hơn 12.726 đảng viên. Cùng với đó, thành phố này đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Nhìn lại chặng đường sau 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình và 20 năm thành lập TP.Thái Bình - Ảnh 4
Tòa nhà Thaibinh Seed nằm trên đường Quang Trung - TP.Thái Bình.

Đây chính là thời cơ, tiền đề quan trọng, là vinh dự và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, nhân dân TP.Thái Bình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố; tạo điều kiện phát huy nội lực, tranh thủ nguồn ngoại lực để xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh và hiện đại trong tương lai, xứng đáng với tầm vóc và vị thế thành phố. TP.Thái Bình có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng và có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

TP.Thái Bình hướng tới đô thị loại I trong năm 2025

Theo quy hoạch, TP.Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh; đến năm 2030 nằm trong nhóm các đô thị phát triển khá; năm 2045 đứng trong nhóm các đô thị dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Hồng và là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội trọng điểm của khu vực.

Để đạt được mục tiêu trên, TP.Thái Bình hướng tới việc phát triển nhanh và bền vững, trở thành đô thị xanh, đô thị cảnh quan, văn minh, hiện đại, có nhiều bản sắc riêng biệt; có kết cấu hạ tầng đô thị hiện đại, kết nối thuận lợi. Nhanh chóng xây dựng thành phố phát triển đứng đầu về kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ của tỉnh, có sức thu hút và lan tỏa cao; phát triển toàn diện về kế tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; phát huy các giá trị cốt lõi, có nếp sống văn minh, hiện đại, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao; có tổ chức Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh.

Nhìn lại chặng đường sau 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình và 20 năm thành lập TP.Thái Bình - Ảnh 5
Một góc thành phố Thái Bình nhìn từ trên cao.

Nhờ những thành tích đã đạt được, trong tương lai TP.Thái Bình sẽ ngày càng phát triển, kinh tế thịnh vượng, xã hội tiến bộ, môi trường bền vững, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, trở thành một trong những đô thị phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, mang đậm nét văn hóa riêng biệt của vùng đất và con người Thái Bình.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại chặng đường sau 70 năm giải phóng thị xã Thái Bình và 20 năm thành lập TP.Thái Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới