Thứ tư, 04/12/2024 00:40 (GMT+7)
Thứ năm, 12/10/2023 10:58 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp Việt đã khẳng định được giá trị thương hiệu toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Theo VCCI, không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng doanh nhân cũng đã được cải thiện. Việt Nam có một số doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" và khẳng định được giá trị thương hiệu toàn cầu.

Trình độ, năng lực hội nhập ngày càng cao

Sáng 11/10, tại Hà Nội, VCCI đã tổ chức Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam 2023 kỷ niệm 19 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Tham dự Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam 2023 có ông Phạm Tất Thắng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội; ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Về phía VCCI có ông Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường trực, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng đại biểu là các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, lãnh đạo của gần 100 hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố, hiệp hội ngành hàng trên toàn quốc.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã khẳng định được giá trị thương hiệu toàn cầu - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam năm 2023. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp, doanh nhân và hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, VCCI cho biết, trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh doanh nhân Việt Nam ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp được đưa ra và thực thi trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân cũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Theo luật Doanh nghiệp năm 2020, với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã lên đến hơn chục triệu người. Trong khi đó, nếu chỉ tính các doanh nhân đứng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp thì số lượng cũng lên đến hơn 1 triệu người. Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng doanh nhân cũng đã được cải thiện, Việt Nam đã có một số doanh nhân lọt vào top "tỷ phú USD" toàn cầu. Tới nay, Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp, với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, như Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH True Milk, Phở Thìn, gạo ST25,… Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng doanh nhân cũng đã được cải thiện.

VCCI cho biết, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động (chiếm 30,16% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước vào năm 2021); đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách nhà nước (năm 2021, đóng góp của DNNN và doanh nghiệp FDI chiếm gần 24,30% tổng thu trong nước, trong đó DNNN là 10,45% và doanh nghiệp FDI chiếm 13,85% tổng thu trong nước).

Bên cạnh đó, nhận thức của doanh nhân về vai trò của bản thân trong phát triển kinh tế - xã hội cũng đã có sự thay đổi. Theo kết quả khảo sát năm 2020, vai trò Tạo công ăn việc làm cho xã hội được các doanh nhân đánh giá cao nhất, tăng so với vị trí thứ 2 của năm 2010. Đứng thứ 2 là vai trò Thúc đấy hội nhập kinh tế quốc tế, tăng một bậc so với năm 2010. Đây hệ quả tất yếu của việc Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong suốt thời gian qua, cụ thể là việc đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,...

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xu hướng đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó, các doanh nhân là chủ thể của các sáng kiến đổi mới, các ý tưởng về các mô hình kinh doanh mới, vì vậy mà vai trò của doanh nhân trong lĩnh vực này cũng được đánh giá cao khi đứng thứ 3 (tăng 2 bậc so với năm 2010). Bên cạnh sự thăng hạng của một số vai trò, cũng có những vai trò bị giảm thứ hạng, trong đó có Động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng (từ vị trí số 1 xuống số 4). Sự giảm vị trí chủ yếu là vì vai trò này của doanh nhân đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và thừa nhận, cho nên các doanh nhân xem đây là vai trò hiển nhiên, giống như với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một điểm đáng lưu ý là, mức ảnh hưởng của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta ngày càng toàn diện hơn trong những năm gần đây (thể hiện thông qua điểm số bình quân giữa các vai trò của doanh nhân đã đồng đều hơn so với kết quả khảo sát của năm 2010).

Nhiều doanh nhân Việt thành công khi "vươn ra biển lớn"

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường bên lề hội nghị, TS.Trần Khắc Tâm, Phó chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, VCCI đã chỉ ra rất rõ về việc năng lực hội nhập quốc tế của doanh nhân Việt Nam cũng đã được cải thiện rõ rệt. Theo kết quả khảo sát năm 2020, tất cả các chỉ số phản ánh năng lực hội nhập quốc tế đều tăng điểm, trong đó có 5 chỉ số có trên mức điểm trung bình và các chỉ số còn lại cũng có trên 2,7 điểm (theo thang điểm 5).

Nhiều doanh nghiệp Việt đã khẳng định được giá trị thương hiệu toàn cầu - Ảnh 2
TS.Trần Khắc Tâm tại Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023.

“Một điểm lưu ý khác là sau 10 năm, thứ hạng của các chỉ số hầu như không thay đổi, ngoại trừ “Khả năng dẫn dắt doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” tăng từ vị trí số 10 lên vị trí số 8. Điều này cho thấy những năng lực cần thiết của doanh nhân trong hội nhập quốc tế vẫn không đổi và các doanh nhân/doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong việc hội nhập, nhất là việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nhân đã được đánh giá cao hơn trước đây ở khả năng nắm bắt thông tin thị trường quốc tế; tính năng động trong tiếp cận, mở rộng thị trưởng quốc tế; khả năng liên kết với các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài; khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước để cùng vươn ra thị trường quốc tế; khả năng tạo ra những mặt hàng chất lượng cao để chiếm lĩnh thị trường quốc tế...”, TS.Trần Khắc Tâm nêu quan điểm.

TS.Trần Khắc Tâm dẫn chứng, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 11 ngành ở 15 quốc gia. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến ngày 20/5/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỷ USD.

“Các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, Vingroup, TH, Vinamilk, Hòa Phát, Tập đoàn Dầu khí, Vietinbank, BIDV…đã rất thành công khi “ra biển lớn”, đầu tư ở nước ngoài. Rất nhiều thương hiệu Việt đã vào được thị trường khó tính ở nước ngoài và khẳng định được thương hiệu tại đó. Thậm chí, có những doanh nghiệp Việt đã làm thay đổi diện mạo nơi mà họ đến đầu tư. Điều này cho thấy tầm vóc, bản lĩnh, trí tuệ của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Đại dịch Covid-19 và cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua được xem là một bài “test” rất lớn đối với sự nhanh nhạy của những doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.

Theo VCCI, trình độ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Về trình độ học vấn, theo tổng điều tra doanh nghiệp năm 2017, có đến 62,4% doanh nhân có trình độ đại học, 3,43% doanh nhân có trình độ thạc sỹ hoặc tiến sỹ. Doanh nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp hoặc sơ cấp chiếm hơn 20%. Tuy nhiên, vẫn còn gần 10% doanh nhân chưa qua đào tạo, hoặc chỉ đào tạo dưới 3 tháng. Về trình độ tiếng Anh đã có cải thiện khi chỉ còn 10% doanh nhân không biết tiếng Anh. Trong khi đó, có đến 63,2% doanh nhân có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, thậm chí có đến 9,6% doanh nhân có thể đàm phán hợp đồng bằng tiếng Anh và 17,3% doanh nhân có thể sử dụng thành thạo cả bốn kỹ năng là nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, việc chỉ có hơn ¼ doanh nhân có thể đàm pháp hợp đồng và thành thạo các kỹ năng vẫn còn thấp nếu so với yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Về lựa chọn các hình thức để trang bị kiến thức, đa số các doanh nhân (chiếm 60%) lựa chọn tự đọc sách, báo; gần 1/3 doanh nhân lựa chọn tham gia các hội nghị, hội thảo; ¼ doanh nhân lựa chọn tham dự các khóa ngắn ngày về kiến thức kinh doanh (16%) hay thuê chuyên gia tư vấn.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Nhiều doanh nghiệp Việt đã khẳng định được giá trị thương hiệu toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới