Năng lượng tái tạo tăng gần 160% so với cùng kỳ năm 2020
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năng lượng tái tạo lại được huy động tăng tới 156,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Theo đó, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 4/2021 đạt 22,19 tỉ kWh, đạt 101,7% kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đạt 80,67 tỉ kWh, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỉ lệ huy động một số nguồn chính như sau:
Thủy điện đạt 18,39 tỉ kWh, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; nhiệt điện than đạt 41,48 tỉ kWh, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 51,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; tua bin khí đạt 10,55 tỉ kWh, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,1% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Ngoài ra, nhiệt điện dầu được huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh, điện nhập khẩu đạt 481 triệu kWh, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Đáng chú ý, sản lượng điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 9,5 tỉ kWh, tăng 156,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Riêng điện mặt trời đạt 8,73 tỉ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ.
Dự kiến trong tháng 5/2021, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 774,3 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 39.859 MW. Với tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài ở cả 3 miền, mức độ tiêu thụ điện toàn quốc có khả năng vượt đỉnh cũ để thiết lập mốc kỷ lục mới.
Trước đó, vào ngày 23/4, tại buổi triển lãm năng lượng tái tạo do Đại sứ quán Đức kết hợp cùng GIZ (Tổ chức hợp tác quốc tế Đức) tổ chức, ông Weert Börner, Phó Đại sứ, Trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Đức tại Việt Nam khẳng định, với mức đầu tư 7,4 tỉ USD vào điện gió, điện mặt trời, Việt Nam có tiềm năng trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn của thế giới.
Theo số liệu thống kê năm 2020, Trung Quốc là quốc gia đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, với mức 83,6 tỉ USD. Theo sau đó là Hoa Kỳ ở mức 49,3 tỉ USD. Con số này ở Pháp và Đức lần lượt là 7,3 tỉ USD và 7,1 tỉ USD. Như vậy, Việt Nam đã xếp trên thứ hạng hai quốc gia này, đứng thứ 8 về đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Ông Guido Hildner, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để trở thành cường quốc năng lượng tái tạo với điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối, trong bối cảnh thế giới đứng trước giai đoạn chuyển dịch năng lượng bởi những thách thức của biến đổi khí hậu.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhận định, Việt Nam có cơ hội để chuyển dịch sang năng lượng sạch do có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn và nổi trội ở khu vực. Tiềm năng lớn về điện mặt trời có thể phát triển ở các quy mô khác nhau và cơ hội kết hợp giữa các công nghệ năng lượng và giữa năng lượng tái tạo (NLTT) với nông nghiệp để tạo ra nhiều đồng lợi ích. Thủy điện là nguồn điều tần có chi phí thấp cho Việt Nam. Pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch…
Lan Anh