Thứ bảy, 04/05/2024 15:46 (GMT+7)
Thứ ba, 23/11/2021 14:00 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai?

Theo dõi KTMT trên

Năng lượng tái tạo đang “bùng nổ” trên toàn cầu, với các công nghệ mới liên tục ra đời giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, hứa hẹn về một tương lai năng lượng sạch.

Năng lượng tái tạo hay còn được gọi là năng lượng sạch, là loại năng lượng được tạo ra từ các nguồn thiên nhiên hoặc các quy trình tự nhiên được hình thành liên tục, như ánh sáng mặt trời, gió thổi, sóng biển, thủy triều…

Tuy còn khá mới mẻ nhưng đây lại là nguồn năng lượng mang đến những chuyển biến tích cực trong tương lai. Năng lượng sạch hoàn toàn đang nhanh chóng lan rộng ở cả quy mô lớn và nhỏ, dần thay thế cho các nguồn nhiên liệu truyền thống trong 4 lĩnh vực quan trọng: Nhiên liệu động cơ, làm mát, phát điện và hệ thống điện độc lập nông thôn.

Năng lượng tái tạo là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai? - Ảnh 1
Năng lượng tái tạo sẽ mang đến những chuyển biến tích cực trong tương lai. (Ảnh: Shutterstock)

Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái Đất và sự cạn kiệt của các nguồn hóa thạch như than đá, dầu mỏ… phát triển các nguồn năng lượng sạch trở thành xu thế chung của toàn cầu. Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu - chế tạo các công nghệ, thiết bị hiện đại để khai thác tiềm năng vô tận của các nguồn năng lượng này.

Năng lượng tái tạo hiện nay đang “bùng nổ” tại các nước phát triển và cả những nước đang phát triển, khi mà các công nghệ mới liên tục ra đời giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, hứa hẹn về một tương lai năng lượng sạch. Tại Hoa Kỳ, sản lượng điện mặt trời và điện gió đang phát triển mạnh mẽ và được tích hợp vào lưới điện quốc gia với độ ổn định và độ tin cậy cao.

Trong khi nhiên liệu hóa thạch là loại nhiên liệu phải mất hàng trăm triệu năm để hình thành ở các dạng khác nhau như than đá, dầu mỏ, khí đốt... tùy vào điều kiện môi trường, thì tốc độ tiêu thụ của con người quá nhanh. Điều này đã đặt ra sức ép lớn trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng của mỗi quốc gia. Bởi vậy, việc hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu, một trong những cách giúp giải quyết vấn đề tăng nhu cầu năng lượng hiện nay.

Những biến đổi mạnh mẽ này cho thấy, năng lượng tái tạo đang thay thế dần nhiên liệu hóa thạch mang lại những lợi ích thiết thực như giảm lượng khí thải carbon và các loại ô nhiễm khác.

Tuy nhiên, điểm trừ của năng lượng tái tạo là chi phí đầu tư ban đầu thường cao, hiệu suất hoạt động có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, thiên nhiên. 

Tại Việt Nam, một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc chuyển dịch khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như: Mặt trời, gió, thủy triểu, năng lượng sinh khối… tìm các nguồn nguyên liệu mới là hướng đi đúng đắn. Ưu việt của năng lượng tái tạo đó là các nguồn năng lượng sạch, không gây phát thải khí nhà kính và nước ta có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo rất lớn, có ở mọi nơi, mọi địa phương. Về thủy điện có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 26.000 MW, có thể cung cấp khoảng 100 tỉ kWh/năm.

Đối với điện gió, nước ta được thiên nhiên ưu đãi với đường biển dài hơn 3.200 km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hàng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65 m. Phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có triển vọng rất lớn, nhất là vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và các đảo. Điện gió trên đất liền, ở độ cao 65 m, tiềm năng khoảng 110 GW và ngoài khơi là 260 GW.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng sinh khối bao gồm gỗ, phế thải – phụ phẩm nông nghiệp, rác thải đô thị và các chất thải hữu cơ khác… Việc tận dụng những nguyên liệu này để phát triển năng lượng, cũng đang được nước ta quan tâm. Bởi lẽ, vừa tận dụng sẵn được nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa giải được bài toán xử lý rác thải hiện nay. Hiện tại, nước ta đang phát triển những nhà máy xử lý rác kết hợp phát điện ở các địa phương như Hà Nội, Cần Thơ, TP.HCM…

Việt Nam lọt Top 10 thế giới về đầu tư cho năng lượng tái tạo

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, tạo ra 16.500 MW vào cuối năm 2020. Thống kê của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), cho thấy, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.

Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW.

Các chuyên gia thị trường dự đoán nếu tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo nhanh như 2 năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn cao hơn nữa trong bảng xếp hạng, có khả năng vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới