Thứ tư, 24/04/2024 07:31 (GMT+7)
Chủ nhật, 06/10/2019 16:23 (GMT+7)

Làm gì với Mã Pì Lèng Panorama khi “gạo đã nấu thành cơm”?

Theo dõi KTMT trên

Khi "cơm" đã nấu xong, lãnh đạo huyện Mèo Vạc, Hà Giang mới yêu cầu chủ đầu tư Mã Pì Lèng Panorama khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để các cấp thẩm định.

Đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) được mệnh danh "Đệ nhất hùng quan", một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, cùng với Khau Phạ, Pha Đin và Ô Quy Hồ. Đèo là đoạn quốc lộ 4C dài khoảng 20 km nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.

Đỉnh đèo cao 2.000 mét, là con đường hiểm trở nhất trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, một bên là vách núi đá vôi hiểm trở, bên kia là vực sông Nho Quế.

Làm gì với Mã Pì Lèng Panorama khi “gạo đã nấu thành cơm”? - Ảnh 1
Sông Nho Quế nhìn từ trên cao.

Hà Giang với những địa danh như cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, hẻm Tu Sản, dinh Nhà Vương… từ lâu đã trở thành điểm đến được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Nhiều người nghiện và yêu Hà Giang đến mức, năm nào cũng phải đến đây vài lần vào những thời điểm đẹp trong năm như mùa lúa chin, mùa xuân hoa đào, hoa mận nở rực rỡ… Thời điểm nào Hà Giang cũng đẹp đến hút hồn.

Khối nhà trên đèo Mã Pì Lèng như vết mực giây vào bức tranh thiên nhiên

Chính vì tình yêu dành cho Hà Giang quá lớn nên mọi sự thay đổi của mành đất chỉ có đá và đá này đều được cộng đồng quan tâm và ra sức bảo vệ. Những ngày qua, cộng đồng nổi sóng, thể hiện quan điểm phản đối, sự bức xúc về tòa nhà 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama.

Mã Pì Lèng Panorama là tổ hợp nhà hàng - nhà nghỉ - cà phê ngắm cảnh nằm đơn độc, trên đèo Mã Pí Lèng, Mèo Vạc, Hà Giang. Tòa nhà này nằm giữa lưng đèo, gần với khu vực bảo vệ 2 của di tích Danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng.

Ngày 3/10, nhà báo Trần Đăng Tuấn đăng lời kêu gọi cộng đồng du lịch tẩy chay tòa nhà này vì đã phá hỏng cảnh quan tự nhiên, vẻ hoang sơ hùng vĩ của con đèo nổi tiếng. Chỉ vừa đăng tải,

status này có hơn 15.000 like, 6.500 lượt share và 2.500 bình luận. Đa số ủng hộ ý kiến của ông Trần Đăng Tuấn.

Làm gì với Mã Pì Lèng Panorama khi “gạo đã nấu thành cơm”? - Ảnh 2

Độc giả Bắc Trung bình luận: “Tạo hoá đã ban tặng cho nước Việt Nam một cảnh quan đẹp và hùng vĩ như Hà Giang mà mình không biết giữ thì uổng phí lắm. Đến một lúc nào đó con người phải trả giá cho những lợi ích trước mắt”.

Độc giả Hoàng Hồ bình luận đầy vẻ tiếc nuối: “Trước đó (2013) ở đây chỉ là một cái sàn có lan can thấp để có thể đứng nhìn toàn cảnh xung quanh, có một cái bia ghi công của những người đã mở đường Mã Pí Lèng. Thật đủ và thật đẹp”.

Cùng quan điểm với ông Tuấn, Trịnh Đình Long cho rằng: “Khối nhà như vết mực giây vào bức tranh thiên nhiên. Tôi cùng quan điểm như ý kiến anh Tuấn nêu về giá trị nguyên sơ và các phân tích về lợi ích khác. Rất hy vọng các lãnh đạo ở Hà Giang và cấp cao hơn hiểu và vì lợi ích chung lâu dài mà hành động”.

Độc giả Huỳnh Đức Thọ thì lên án một cách mạnh mẽ: “Tôi không chỉ đồng ý với nhà báo: tẩy chay, mà tôi còn đề nghị nhà báo hãy kêu gọi lấy chữ ký yêu cầu đập bỏ. Và khi đó tôi sẽ ký. Đập, trả lại nguyên trạng”.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh mạnh mẽ nói rằng: “Tôi không ủng hộ lời kêu gọi đó của anh Trần Đăng Tuấn. Vì đây là một công trình vi phạm trắng trợn về luật pháp. Vì thế không thể phạt cho tồn tại. Không thể như cách các cơ quan hữu quan Hà Giang đang gấp rút hợp pháp hoá thủ tục cho nó sống . Mà phải yêu cầu khởi tố vụ án xâm phạm Di sản. Yêu cầu chủ đầu tư chi tiền đập bỏ hoàn toàn công trình này, đập bỏ và mở ngoặc (dọn sạch đến từng hạt vữa xi măng khỏi khu vực và phục hồi nguyên trạng mặt đất). Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần có ngay công văn gửi Thủ tướng Chính phủ để xử lý nghiêm và dứt khoát”.

Làm gì với Mã Pì Lèng Panorama khi “gạo đã nấu thành cơm”? - Ảnh 3
Khối nhà như vết mực giây vào bức tranh thiên nhiên

Kiến trúc sư Nguyễn Cường, ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa đến Hà Giang chia sẻ: “Khi đến Mã Pì Lèng, nhìn thấy công trình này mọc lên ở vị trí đẹp thực sự thấy khó chịu vô cùng. Về cảnh quan thì nó đương nhiên góp phần phá vỡ vè đẹp. Về hình thức kiến trúc thì không phù hợp với địa hình. Về văn hóa thì không mang dáng dấp gì của địa phương. Về môi trường thì nó thực sự đang hủy hoại môi trường sống. Nều cần xây dựng phục vụ cho du lịch để tăng trưởng kinh tế thì phải nhờ đến kiến trúc sư có tâm, hiểu về môi trường văn hóa. Vì thiên nhiên ban tặng cho đá thì phải nương vào đá mà làm kiến trúc. Nếu ai cũng làm phục vụ cho mục đích cá nhân thì Hà Giang cũng giống như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt…chả mấy chốc mà hỏng”.

Làm gì với Mã Pì Lèng Panorama khi “gạo đã nấu thành cơm”?

Trước đó, ngày 3/10, chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc xác nhận công trình Mã Pì Lèng Panorama hiện chưa được cấp phép xây dựng bởi xây dựng trên đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương "chưa kịp" chuyển đổi mục đích sử dụng và dự án đầu tư này cũng chưa được phê duyệt.

Trong quá trình Mã Pì Lèng Panorama xây dựng, lãnh đạo huyện Mèo Vạc nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết.

Vậy khi chưa có bất kể một giấy tờ nào cần thiết cho phép công trình 7 tầng được xây dựng, lãnh đạo huyện Mèo Vạc cũng chỉ biết đi kiểm tra, yêu cầu dừng. Vậy những lời yêu cầu của cấp lãnh đạo không khiến cho chủ đầu tư thấy có sức nặng. Bởi kết quả là công trình vẫn xây dựng đúng theo tiến độ, vẫn hoàn thành và vẫn tiếp tục đi vào hoạt động, đón khách, khai thác du lịch.

Làm gì với Mã Pì Lèng Panorama khi “gạo đã nấu thành cơm”? - Ảnh 4
Một góc của tòa nhà nhìn xuống sông Nho Quế.

Vậy, khi mà gạo đã nấu thành cơm thì giờ lãnh đạo huyện Mèo Vạc lại kết luận rằng: Tòa nhà này nằm trên đất nông nghiệp, chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, xây dựng như thế là vi phạm pháp luật. Sai phạm của chủ đầu tư mà theo lãnh đạo huyện Mèo Vạc khẳng định là không làm hồ sơ thiết kế để các cơ quan thẩm định xem có phù hợp với cảnh quan, môi trường hay không.

Và giờ đây, khi nồi cơm đã nấu xong và đang đưa ra cho bàn dân thiên hạ thưởng thức đầy vẻ tự hào thì lãnh đạo huyện Mèo Vạc tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư Panorama khẩn trương hoàn thiện hồ sơ công trình để các cấp thẩm định. Nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy phép thì huyện sẽ có biện pháp xử lý. Tuy nhiên đến giờ chúng tôi vẫn chờ câu trả lời như huyện đã tuyên bố: “Sẽ xử lý”.

Vậy lãnh đạo huyện sẽ xử lý như nào trong trường hợp cơm đã được nấu lên rồi?.

Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sau khi kiểm tra hồ sơ di tích, thông tin trên báo chí và báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang (Cục Di sản văn hóa nhận được ngày 4/10/2019) cho biết tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (được xếp hạng tại Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Theo Luật Di sản văn hóa, tại Điều 32, khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích cũng như việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích được quy định cụ thể: Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I...

Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều 32 phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian.

Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường-sinh thái của di tích.

Như vậy, việc xây dựng công trình nói trên không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích, không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, do đó, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và các quy định liên quan.

Tuy nhiên, Điều 36, Luật Di sản văn hóa quy định: “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch."

Vì vậy, nhằm khuyến cáo cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương về trách nhiệm quản lý, chủ động ngăn ngừa việc triển khai các dự án xây dựng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến di sản, do công trình xây dựng gần khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, ngày 12/7/2019, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 495/DSVH-DT đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đối với công trình xây dựng nói trên, có biện pháp bảo vệ Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng theo Điều 36 nói trên của Luật Di sản văn hóa.

Bạn đang đọc bài viết Làm gì với Mã Pì Lèng Panorama khi “gạo đã nấu thành cơm”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.