Khảo sát bão - Thêm dữ liệu cho dự báo
Khảo sát bão là hoạt động thu thập thêm dữ liệu được thực hiện vào thời điểm có bão. Cùng với số liệu từ các trạm khí tượng, thủy văn trên toàn hệ thống, dữ liệu khảo sát bão góp phần giúp cơ quan khí tượng xác định chính xác vị trí tâm bão, cường độ bão, hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của bão, cũng như hiệu chỉnh các dự báo bão tiếp theo.
Trước mùa mưa bão năm 2020 đang đến với diễn biến phức tạp, ông Phạm Hồng Phong - Phó Liên đoàn trưởng, Liên đoàn Khảo sát KTTV (Tổng cục KTTV) đã chia sẻ với Báo TN&MT về hoạt động khảo sát bão này.
PV: Xin ông cho biết, công tác khảo sát bão và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão gây ra có tầm quan trọng như thế nào đối với công tác dự báo, cảnh báo bão?
Ông Phạm Hồng Phong:
Hoạt động khảo sát bão không phải là hoạt động liên tục, thường kỳ như quan trắc khí tượng. Nó được thực hiện khi bão đến. Ở nước ta, hoạt động này rất cần thiết bởi mật độ mạng lưới trạm khí tượng còn thưa thớt.
Ông Phạm Hồng Phong - Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Khảo sát KTTV. |
Dọc bờ biển hơn 3.260km, chúng ta chỉ có 30 trạm khí tượng bề mặt. Trung bình khoảng cách giữa 2 trạm khoảng 110km, có nơi khoảng cách này là 150km. Ngoài khơi, mật độ trạm còn thưa hơn bởi khu vực biển Đông chỉ có khoảng 10 trạm khí tượng trên các đảo ven bờ. Trong khi đó, các cơn bão luôn hình thành và di chuyển ngoài biển khơi trước khi đổ bộ vào đất liền. Hiện số liệu quan trắc khí tượng phục vụ dự báo bão và áp thấp nhiệt đới ở những khu vực này thiếu nghiêm trọng.
Chính vì thế, mỗi khi bão tới, việc khảo sát bão rất cần thiết và tiết kiệm. Các trạm khảo sát bão này được đặt xen giữa 2 trạm khí tượng cố định, sao cho khoảng cách giữa các trạm quan trắc dưới 20km, thời gian quan trắc ngắn, thường chỉ từ 2-5 ngày, từ khi có bản tin bão khẩn cấp đến khi có tin cuối cùng về cơn bão.
Các trạm khảo sát bão sẽ cung cấp bổ sung cho các chuyên gia dự báo các số liệu khí tượng cơ bản bao gồm: hướng gió, tốc độ gió nhiệt độ, độ ẩm, áp xuất không khí và lượng mưa tại vị trí quan trắc. Các số liệu được chuyển về các trung tâm dự báo giống như các số liệu khí tượng khác.
PV: Ông có thể lấy ví dụ mới nhất về công tác khảo sát bão và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão trong cơn bão số 2 (Sinlaku) cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Phong:
Trong cơn bão số 2 (Sinlaku) vừa qua, hoạt động khảo sát bão được tiến hành liên tục, khi bão số 2 đang là vùng áp thấp đi vào biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới đến khi bão đi sâu vào đất liền.
Trong khoảng thời gian này, Liên đoàn Khảo sát KTTV chúng tôi đã ban hành lịch trực bão số 2, phân công các thành viên làm nhiệm vụ trực bão. Gần trưa ngày 1/8, nhận thấy ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 2, Liên đoàn đã yêu cầu Trung tâm Đo đạc thủy văn và môi trường cử một tổ đi đo khảo sát bão tại Kim Sơn, Ninh Bình.
Trạm Khảo sát bão số 2 (Sinlaku) tại Kim Sơn, Ninh Bình. |
Tổ khảo sát bão triển khai lắp đặt trạm đo và phát báo số liệu từ 18h00 ngày 1/8. Tổ đã thực hiện đo đạc và phát số liệu đến 16h00 ngày 2/8. Khi bão số 2 đã đi sâu vào đất liền phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, bộ phận thường trực tại Liên đoàn đã nhận đầy đủ số liệu và biên tập chuyển đến Lãnh đạo Tổng cục, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Đài KTTV tỉnh Ninh Bình để phục vụ kịp thời công tác dự báo bão số 2.
PV: Khảo sát bão dù không thường xuyên song lại thực hiện vào thời điểm bão lũ nguy hiểm. Vậy theo ông, đâu là thách thức lớn nhất của công tác này?
Ông Phạm Hồng Phong:
Khảo sát bão là công việc hết sức nguy hiểm. Khi có bão, mọi người đều chằng chống nhà cửa, tìm nơi trú, tránh an toàn, còn anh em khảo sát lại lên xe đi vào vùng tâm bão. Mà phải vào càng gần tâm bão càng tốt vì như vậy mới có các số liệu sát thực tế, phục vụ dự báo bão chính xác hơn.
Khó khăn tiếp theo là áp lực công việc, bởi cường độ làm việc trong những ngày khảo sát bão rất cao. Lúc đầu, chúng tôi thực hiện quan trắc 1 giờ một lần, sau đó tăng lên 30 phút 1 lần, liên tục ngày đêm. Ngoài quan trắc, còn cần truyền tin chính xác, kịp thời trong điều kiện khó khăn không có điện (do điện lực cắt điện tránh bão).
“Chất lượng dự báo bão nói riêng và dự báo khí tượng thủy văn nói chung phụ thuộc khá nhiều vào số liệu thực đo được cung cấp. Việc dự báo cũng giống như bác sỹ khám bệnh cần có đầy đủ số liệu nhiệt độ, huyết áp và các xét nghiệm cận lâm sàng khác của bệnh nhân”. - Ông Phạm Hồng Phong - |
Ngoài ra là khó khăn trong công tác hậu cần, nếu không có sự chuẩn bị hoặc bão kéo dài thì quan trắc viên chịu “đói” dài vì không có hàng quán, khó thuê địa điểm, kinh phí hạn hẹp…
PV: Trước những khó khăn, thách thức như vậy, Liên đoàn có hướng khắc phục như thế nào và cần sự phối hợp ra sao từ phía các địa phương?
Ông Phạm Hồng Phong:
Khó khăn là vậy nhưng vào thời điểm cần kíp, anh em luôn sẵn sang lên đường. Bởi thế, Liên đoàn luôn chú trọng giáo dục tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, viên chức nói chung và anh em làm công tác khảo sát nói riêng.
Để công tác khảo sát bão thuận lợi và ngày càng phát huy hiệu quả phục vụ công tác dự báo bão, tôi kiến nghị cấp trên tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật về công tác khảo sát KTTV để thực hiện.
Khảo sát bão là một phần của công tác khảo sát KTTV và tuân theo Luật Khí tượng thủy văn. Kế hoạch điều tra, khảo sát thiên tai, trong đó có khảo sát bão được xây dựng từ đầu năm để sớm tìm kiếm các địa điểm thích hợp tiến hành khảo sát bão khi cần. Các trạm khảo sát bão phải được đặt tại các nhà 2-3 tầng kiên cố, chịu được gió bão mạnh, không bị che khuất hướng gió và gần biển để có thể phản ánh chính xác được cấp gió bão. Vào thời điểm có bão, bão khẩn cấp và bão kết thúc, các tổ khảo sát bão tiến hành thu thập số liệu và kịp thời gửi về các trung tâm dự báo. |
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để Liên đoàn thay thế các máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu phục vụ công tác khảo sát KTTV.
Đặc biệt, Liên đoàn mong muốn được cấp chính quyền xã, thôn tạo điều kiện để các tổ đo khảo sát bão hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là đảm bảo về an ninh, trật tự.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Tuyết Chinh