Thứ sáu, 19/04/2024 15:34 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/12/2022 09:23 (GMT+7)

Kết quả triển khai chương trình Net Zero năm 2022 trên thế giới và Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Đến nay, con đường tiến đến đích Net Zero (trung hòa carbon) của nhân loại đã được triển khai nhiều năm.

Kết quả thực thi Net Zero theo đánh giá Climate Action 100+:

Climate Action 100+ (Sáng kiến hành động Khí hậu 100+), gọi ngắn CA100+ là sáng kiến có sự tham gia của các nhà đầu tư vào chống biến đổi khí hậu, với hơn 700 doanh nghiệp, tổng tài sản 68.000 tỷ USD, có trụ sở tại Mỹ. Hàng năm CA100+ công bố báo cáo giữa kỳ vào tháng 3 và 10, có tên Net Zero Company Benchmark (tạm dịch: Điểm chuẩn công ty đánh giá Net Zero) bằng tiêu chí Benchmark (điểm chuẩn) khi triển khai chương trình Net Zero của các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Trong đánh giá (tháng 10/2022) ở 159 công ty, dựa trên ba mục tiêu và một bộ chỉ số chính liên quan đến sự liên kết kinh doanh với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Phân tích chi tiết dựa trên Khung công bố thông tin và Đánh giá điều chỉnh (Disclosure Framework and Alignment Assessments) cho thấy phương pháp tiếp cận kép trong đánh giá của CA100+ là tương đối sát thực tế, với một số kết quả đáng chú ý sau:

1/ Có 75% các công ty hiện đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hoặc sớm hơn trên tất cả, hoặc một số khâu phát thải của họ (tăng từ 69% số công ty so với tháng 3/2022). Ngoài ra, hơn một phần ba các công ty lớn đặt mục tiêu dài hạn phù hợp với lộ trình tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 độ C (tăng 9% so với báo cáo tháng 3 năm 2022).

2/ Có 92% các công ty có mức độ giám sát về biến đổi khí hậu (tăng nhẹ từ 90% so với tháng 3/2022).

3/ Có 91% công ty đã tuân thủ các khuyến nghị của TCFD (Task Force on Climate - related Financial Disclosures - Lực lượng đặc nhiệm cung cấp các thông tin tài chính liên quan đến khí hậu), bằng cách hỗ trợ các nguyên tắc của TCFD, hoặc bằng cách sử dụng kế hoạch theo kịch bản khí hậu (mức tăng thấp hơn so với 89% so vào tháng 3/2022).

4/ Khi CA100+ ra mắt vào cuối năm 2017, chỉ có 5 công ty đưa ra cam kết Net Zero. Sự tham gia của nhà đầu tư thông qua sáng kiến này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh hành trình đạt Net Zero của các công ty trọng tâm, đặc biệt là xung quanh ba mục tiêu cam kết là cắt giảm khí thải nhà kính, cải thiện quản trị khí hậu và tăng cường công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu. Điều này củng cố giá trị của CA100+ trong việc tạo điều kiện cho sự tham gia có mục tiêu dẫn đến tác động hữu hình tại một số công ty phát thải lớn nhất thế giới.

Những tồn tại qua đánh giá của CA 100+ như sau:

Thứ nhất: Không có các mục tiêu giảm phát thải ngắn hạn và trung hạn phù hợp với mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C. Trong khi 82% công ty trọng tâm đã đặt mục tiêu trung hạn, chỉ có 20% công ty đặt mục tiêu trung hạn đầy tham vọng bao gồm tất cả các phạm vi vật chất và phù hợp với lộ trình 1,5 độ C. Chỉ có 10% công ty trọng tâm đặt mục tiêu ngắn hạn (đến năm 2025) phù hợp với kịch bản 1,5 độ C (bao gồm tất cả các phát thải vật chất).

Thứ hai: Các mục tiêu Net Zero thường không được hỗ trợ bởi các chiến lược phân phối. Mặc dù 53% công ty có sẵn chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, nhưng chỉ 19% công ty tập trung định lượng các yếu tố chính trong chiến lược khử cacbon đối với các nguồn phát thải chính.

Chỉ hơn một nửa (51%) các công ty có các cam kết toàn diện về mức Net Zero vào năm 2050 hoặc sớm hơn bao gồm tất cả các phát thải khí nhà kính (KNK) vật chất.

Thứ ba: Sự liên kết của các chiến lược đầu tư vốn với các mục tiêu Net Zero phần lớn vẫn còn thiếu. Chỉ 10% công ty cam kết điều chỉnh đầy đủ các kế hoạch đầu tư vốn của họ với các mục tiêu KNK, hoặc Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, đây vẫn là một cải tiến tích cực kể từ vòng Điểm chuẩn trước và xét đến việc rất ít công ty trọng điểm đạt được Chỉ số cân chỉnh vốn.

Thứ tư: Theo dữ liệu của Sáng kiến Theo dõi Carbon (CTI), chưa đến một phần ba (8 trong số 32) công ty điện lực có kế hoạch loại bỏ điện than phù hợp với việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C (chứ không phải 1,5 độ C). Điều này không thay đổi so với báo cáo hồi tháng 3/2022.

Thứ năm: Theo CTI (Sáng kiến Công nghệ Khí hậu) gần hai phần ba (61%) các dự án trong lĩnh vực dầu khí bị xử phạt không phù hợp với cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C (chứ không phải 1,5 độ C) vào năm 2021.

Thứ sáu: Phân tích của Viện Rocky Mountain sử dụng phương pháp PACTA cho thấy 94% các công ty điện lực không có kế hoạch xây dựng đủ công suất năng lượng tái tạo để đối phó với độ nóng lên toàn cầu >2,7 độ C trong 5 năm tới. Chỉ 17% các công ty ô tô có kế hoạch sản xuất đủ ô tô điện trong 5 năm tới để phù hợp với kịch bản Net Zero của IEA vào năm 2050. Đặc biệt, không có các công ty trong lĩnh vực thép, xi măng, hoặc hàng không có kế hoạch phù hợp với việc hạn chế toàn cầu nóng lên 1,5 độ C, hoặc thấp hơn 2 độ C.

Thứ bảy: Các hoạt động tham gia chính sách khí hậu của các công ty lớn và các hiệp hội ngành vẫn là một rào cản đối với chính sách khí hậu đầy tham vọng. Theo dữ liệu của InfluenceMap, chỉ 10% công ty có mối liên kết rộng trong các hoạt động liên quan trực tiếp đến chính sách khí hậu và Thỏa thuận Paris. Chỉ 4% điều chỉnh việc tham gia chính sách khí hậu gián tiếp thông qua các hiệp hội ngành với Thỏa thuận Paris (tăng từ mức chỉ 2% trong đánh giá tháng 3/2022).

Thứ tám: Sự thất bại phổ biến trong việc tích hợp rủi ro khí hậu vào thực tiễn kế toán và kiểm toán vẫn tiếp diễn. Không có công ty lớn nào đáp ứng tất cả các tiêu chí đánh giá tạm thời của sáng kiến về hạch toán và kiểm toán khí hậu do CTI và Dự án Kiểm toán và Kế toán Khí hậu (CAAP) đánh giá.

Net Zero theo đánh giá của Net Zero Tracker:

Net Zero Tracker thuộc Tổ chức Khí hậu châu Âu (ECF), Báo cáo Net Zero Tracker (NZT) cập nhật và phân tích của ECIU và Oxford, phân tích có hệ thống về các cam kết Net Zero toàn cầu giữa các quốc gia, chính quyền địa phương và các công ty lớn.

Phân tích dữ liệu NZT mang tên PwC's Net Zero Economy Index 2022 thu được từ hơn 4.000 thực thể, 1.180 trong số đó có mục tiêu Net Zero, điều này cho thấy hầu hết các quốc gia hiện đã xác định con đường tiến đến mức phát thải ròng bằng 0.

91% GDP toàn cầu hiện được dùng cho mục tiêu Net Zero của chính phủ quốc gia, tăng từ 68% hồi tháng 12/2020.

Các mục tiêu của chính phủ quốc gia chiếm ít nhất 83% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu (tăng từ 61% vào tháng 12/2020). 80% dân số toàn cầu (tăng từ 52%) tham gia các mục tiêu Net Zero của quốc gia.

Tại châu Âu, các công ty lớn cam kết mục tiêu Net Zero với số lượng lớn, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa các mục tiêu quốc gia, khu vực, thành phố và công ty trên toàn cầu.

Các mục tiêu Net Zero quốc gia được đặt ra trong các văn bản pháp luật hoặc chính sách quốc gia tăng đột biến, từ 10% tổng mức bao phủ khí nhà kính vào tháng 12/2020 lên 65% vào tháng 6/2022.

Số thành phố lớn có mục tiêu Net Zero đã tăng gấp đôi, từ 115 lên 235, nhưng lại có hơn 900 thành phố lớn vẫn không có mục tiêu Net Zero rõ ràng, nhất là các quốc gia có thu nhập cao ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.

Net Zero của châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam:

Theo báo cáo mang tên PwC Net Zero Economy Index (Chỉ số kinh tế Net Zero năm 2022) của PwC (PricewaterhouseCoopers) - công ty kiểm toán hàng đầu thế giới của Anh: Châu Á - Thái Bình Dương vượt trội hơn so với các khu vực khác trên toàn cầu trong năm 2021 với tỷ lệ giảm phát thải carbon là 1,2% so với 0,5%, trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ tăng trưởng kinh tế, mặc dù đang đối mặt với nhiều trở ngại. Việt Nam và New Zealand là 2 nền kinh tế duy nhất vượt qua mục tiêu giảm phát thải khí carbon dựa trên mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Theo PwC: Tuy còn ở trong nhóm phụ thuộc vào than đá, nhưng Việt Nam và New Zealand là 2 nền kinh tế duy nhất vượt qua mục tiêu giảm phát thải khí carbon dựa trên mục tiêu NDC. Lượng khí thải CO2 liên quan đến năng lượng trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được tạo ra đang giảm. Trong khi đó, nỗ lực giảm phát thải carbon của thế giới là 0,5%, một khoảng cách lớn so với tỷ lệ giảm phát thải carbon 15,2% cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Nghiên cứu đo lường mức độ tiêu thụ năng lượng so với GDP và hàm lượng carbon của năng lượng đó thì 9 trong số 13 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã giảm phát thải carbon vào năm 2021, riêng New Zealand và Việt Nam vượt trội hơn cả. New Zealand giảm cường độ carbon nhiều nhất ở mức 6,7% vào năm 2021, tiếp theo là Malaysia (4,0%), Việt Nam (3,4%) và Australia (3,3%). PwC cho rằng châu Á - Thái Bình Dương vượt hơn phần còn lại của thế giới về tốc độ khử cacbon vào năm 2021, nhưng vẫn còn kém xa so với mức cần thiết để hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C.

Thành công trong tương lai của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào tốc độ tách phát thải khí nhà kính ra khỏi tăng trưởng kinh tế. Để đi đúng quỹ đạo, các nền kinh tế khu vực cần giải quyết cả cường độ năng lượng và yếu tố nhiên liệu. Mỗi giải pháp này phụ thuộc vào giai đoạn phát triển kinh tế và yêu cầu thay đổi hành vi ở cấp độ cộng đồng, doanh nghiệp và cá nhân. Châu Á - Thái Bình Dương phải bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng ngay bây giờ để tránh tiến độ bị đình trệ vào cuối thập kỷ. Gần 50% nhu cầu năng lượng của châu Á - Thái Bình Dương được đáp ứng bằng than đá vào năm 2021, gấp đôi mức trung bình của thế giới. Vì vậy, kế hoạch cần phải thực thi ngay lập tức.

Ví dụ, việc dừng hoạt động của các nhà máy điện than là một nỗ lực kéo dài nhiều năm với sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ chính phủ đến các nhà điều hành, các nhà tài chính và thông qua chuỗi cung ứng, lực lượng lao động, người tiêu dùng.

Theo PwC: Câu chuyện khử cacbon đang chuyển từ tham vọng sang hành động. Tuy nhiên, chỉ số năm nay cho thấy những khoảng cách đáng kể trong cả hai lĩnh vực cần được thừa nhận và giải quyết càng sớm càng tốt. Thu hẹp khoảng cách sẽ là một bước ngoặt để châu Á - Thái Bình Dương đạt được lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu về mức phát thải ròng bằng 0 hay Net Zero trong tương lai.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Link tham khảo:

1/ https://www.climateaction100.org/news/climate-action-100-net-zero-company-benchmark-shows-continued-progress-on-net-zero-commitments-is-not-matched-by-development-and-implementation-of-credible-decarbonisation-strategies

2/ https://www.pwc.com/gx/en/issues/esg/esg-asia-pacific/net-zero-economy-index-asia-pacifics-transition.html

3/ https://zerotracker.net/insights/pr-net-zero-stocktake-2022

Theo  Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Kết quả triển khai chương trình Net Zero năm 2022 trên thế giới và Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .