Để thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0, hơn 1.900 doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải
Để góp phần hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hơn 1.900 doanh nghiệp phát thải nhà kính trên cả nước sẽ phải tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ.
Hướng tới mục tiêu phát triển xanh
Phát biểu tại Diễn đàn “Trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là xu thế để hướng tới phát triển "xanh."
Vì thế, trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu trên là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là những hành động thiết thực nhằm thực hiện chính sách cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Nói thêm về vấn đề này, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (Cục Biến đổi khí hậu) cho biết theo Nghị định 06/2022-NĐ-CP và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có 3 điều về ứng phó với biến đổi khí hậu giao Chính phủ quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo đó, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Trong đó, lộ trình chia theo 2 giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030. Từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.
Để thực hiện các quy định trên, hơn 1.900 doanh nghiệp (thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường) sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3/2023.
Tiếp đó, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện kiểm kê, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi gửi Ủy Ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3/2025 để thẩm định; hoàn thiện báo cáo kết quả gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 1/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.
Ngành năng lượng chiếm lượng phát thải lớn
Theo thống kê, ngành năng lượng chiếm khoảng ba phần tư lượng phát thải khí nhà kính ngày nay. Do đó, chìa khóa để giải bài toán giảm khí thải carbon. Có thể đến từ thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, như gió, mặt trời. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tới năm 2030 sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những dự án đã được phê duyệt, hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy mới tới năm 2045 và từng bước loại bỏ những nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu.
Luật Bảo vệ môi trường trình quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nội dung về thị trường carbon, như tạo ra ra tín chỉ carbon, doanh nghiệp có thể tham gia thị trường carbon trong nước và quốc tế, bán tín chỉ cho các bên có nhu cầu...
Đầu năm nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, có 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm Năng lượng; Giao thông vận tải; Xây dựng; Các quá trình công nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Chất thải.
Nhiều nước đã bắt đầu xem xét đến việc tính toán lượng khí thải tạo ra khi sản xuất 1 đơn vị sản phẩm. Trong vòng 5 năm tới, đây sẽ là rào cản thương mại mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn hiểu biết hạn chế hay thậm chí không biết các cam kết của Chính Phủ về giảm phát thải.
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, net zero, hay phát thải ròng bằng 0, nghĩa là cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống càng gần không càng sớm càng tốt. Lượng khí thải còn lại cũng phải được hấp thụ lại vào bầu khí quyển, như bởi đại dương và rừng.
Hướng tới một thế giới không phát thải ròng là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, giống như một cuộc cách mạng trong sản xuất, tiêu dùng và giao thông vận tải. Để đạt được điều này, các quốc gia, công ty cần phương pháp thiên nhiên, như rừng, để loại bỏ cùng một lượng carbon thải ra, hoặc sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ, loại bỏ carbon tại nguồn phát thải.
Trên thế giới, hơn 70 quốc gia, bao gồm cả những quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất, đại diện cho khoảng 76% lượng khí thải toàn cầu, như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh Châu Âu, đã đặt mục tiêu phát thải bằng không. Hơn 1.200 công ty đã đưa ra các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học, và hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 tổ chức giáo dục và hơn 400 tổ chức tài chính cũng đã tham gia. Một liên minh ngày càng rộng lớn giữa các quốc gia, thành phố, doanh nghiệp và các tổ chức đang tập hợp, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không.
Thùy Dung - Thế Anh