Mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu tăng cao kỷ lục
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết: Nồng độ ba loại khí gây hiệu ứng nhà kính chính trong khí quyển (là metan, CO2, nitơ oxit) đều đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021.
Cụ thể, nồng độ CO2 mà WMO đo được trong khí quyển năm ngoái đạt ngưỡng 415,7 phần triệu, methane (CH4) là 1.908 phần tỷ và oxit nitơ 334,5 phần tỷ. Các giá trị này lần lượt cao hơn 149%, 262% và 124% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tổ chức này đưa ra cảnh báo về nồng độ khí mê-tan (CH4) đạt kỷ lục vào năm 2021, kể từ khi WMO triển khai phép đo có hệ thống 40 năm trước.
Sự gia tăng nồng độ carbon dioxide (CO2) từ năm 2020 đến năm 2021 cũng lớn hơn tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong thập kỷ qua, và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, theo WMO.
Dữ liệu từ báo cáo cho thấy từ năm 1990 đến năm 2021, hiệu ứng nóng lên toàn cầu đã tăng gần 50%, chủ yếu do CO2 gia tăng. Sau khi nhiều hoạt động ngưng trệ do Covid-19 vào năm 2020, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng trở lại, chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng.
Các nhà khoa học giải thích rằng metan là nguyên nhân đóng góp lớn thứ hai vào biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2007, nồng độ khí metan trên toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh. Mức tăng hàng năm vào năm 2020 và 2021 là mức tăng lớn nhất kể từ khi hệ thống đăng ký bắt đầu vào năm 1983.
Báo cáo nhấn mạnh thách thức lớn, hành động khẩn cấp và sống còn để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn trong tương lai. Người đứng đầu WMO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện ngay lập tức các chiến lược giải quyết phát thải khí metan, cũng như cắt giảm CO2 bằng cách chuyển đổi hệ thống công nghiệp, năng lượng và giao thông.
WMO hy vọng các dữ liệu trong báo cáo này sẽ được công bố trước thềm Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc COP27 tại Ai Cập, giúp thúc đẩy các bên tham gia hành động, đạt được mục tiêu của Thoả thuận Paris về hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
COP27 là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất, quan trọng nhất hành tinh, quy tụ đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới thảo luận về những mục tiêu khí hậu cũng như tiến trình giảm phát thải.
Sự kiện được tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập từ ngày 6 đến 18/11. Năm vấn đề chính của COP27 là là thiên nhiên, thực phẩm, nước, khử cacbon và thích ứng với biến đổi khí hậu.
COP27 là cuộc họp tiếp theo của nhóm 198 quốc gia đã ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Hội nghị gần đây nhất, COP26, được tổ chức tại thành phố Glasgow của Scotland vào tháng 11/2021, quy tụ 120 nhà lãnh đạo thế giới và đại diện từ gần 200 quốc gia. COP26 đã khẳng định lại mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, cứu thế giới khỏi thảm họa biến đổi khí hậu.
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam sẽ nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời kêu gọi công bằng, công lý về biến đổi khí hậu. COP27 sắp tới cũng là cơ hội để Việt Nam nêu đề xuất, bày tỏ quan điểm để góp phần vào giảm thiểu biến đổi khí hậu.
An Như