Lượng khí thải carbon từ ngành vận tải biển toàn cầu tăng mạnh trong 2 năm qua
Liên hợp quốc cảnh báo lượng khí thải carbon từ hoạt động vận tải đang gia tăng, đồng thời kêu gọi ngành vận tải loại bỏ các tàu cũ gây ô nhiễm và nâng cấp cơ sở hạ tầng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
Trong báo cáo công bố ngày 29/11, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của vận tải biển trong nền kinh tế toàn cầu, với hơn 80% tổng khối lượng hàng hóa giao dịch trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển.
Tuy nhiên, trong khi thế giới ngày càng nhận thức được sự cần thiết phải cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để ngăn chặn biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng, lượng khí thải của ngành vận tải biển trên toàn cầu đã tăng 4,7% trong các năm 2020 và 2021.
UNCTAD kêu gọi tăng cường đầu tư vào cải tiến kỹ thuật và vận hành nhằm giảm lượng khí thải carbon của ngành vận tải biển. Một trong những biện pháp được UNCTAD khuyến nghị là chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu sạch thay thế xăng dầu, ít hoặc không thải carbon.
Báo cáo của UNCTAD cũng cảnh báo rằng triển vọng kinh tế toàn cầu u ám, cùng với chi phí vay tăng cao cũng như những quy định không ngừng thay đổi có thể cản trở các khoản đầu tư xây dựng các con tàu mới được thiết kế để giảm phát thải khí nhà kính.
Do đó, cơ quan này kêu gọi đưa ra một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về đầu tư vào quá trình khử carbon, cũng như tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
UNCTAD cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao khả năng thích ứng của các cảng biển trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Trao đổi với báo giới, Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan đã bày tỏ quan ngại về mức tăng lượng khí thải từ hoạt động hàng hải, cũng như tình trạng xuống cấp của tàu biển khi mà độ tuổi trung bình của những con tàu hiện nay là gần 22 năm.
Bà cảnh báo tàu biển càng cũ càng tạo ra nhiều khí thải, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có một thế hệ tàu mới, có thể tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả nhất và tích hợp hệ thống kỹ thuật số thông minh.
Đối với các cảng biển, bà Grynspan cho rằng nếu muốn duy trì tính cạnh tranh, các cảng biển sẽ cần có khả năng phục vụ các tàu công nghệ xanh, bao gồm cả việc cung cấp nhiên liệu sạch và cơ chế bảo trì phù hợp.
Tổng Thư ký UNCTAD cũng lưu ý những thay đổi cần thiết này diễn ra vào thời điểm ngành vận tải biển toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, biến đổi khí hậu và cạnh tranh địa chính trị.
Ngành vận tải biển toàn cầu dự báo sẽ gặp khó trong năm 2023
Theo dự đoán của các ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới sau một năm bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, cũng như lạm phát tăng vọt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển, vốn chịu trách nhiệm cho hơn 80% thương mại toàn cầu, dù giá cước vận chuyển có thể vẫn ở mức cao.
Cụ thể, trong báo cáo Đánh giá về Vận tải Hàng hải năm 2022, UNCTAD dự báo tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hải toàn cầu sẽ giảm còn 1.4% trong năm nay và duy trì ở mức đó vào năm 2023. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng ước tính 3.2% của năm 2021.
Trong giai đoạn 2023 – 2027, ngành vận tải biển được dự báo có tốc độ tăng trưởng trung bình ở 2.1%, thấp hơn mức trung bình 3.3% của ba thập kỷ qua, theo UNCTAD. Cơ quan này cho biết dự báo có thể tiếp tục bị hạ xuống trong thời gian tới.
"Đà phục hồi của ngành vận tải biển và logistics đang gặp rủi ro lớn do chiến sự ở Ukraine, đại dịch Covid-19, hạn chế của chuỗi cung ứng, kinh tế hạ nhiệt, chính sách Zero Covid của Trung Quốc cùng với áp lực lạm phát gia tăng, chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng", UNCTAD viết trong báo cáo.
Cơ quan này cho hay sự tắc nghẽn trong ngành logistics sẽ được giải quyết khi lực lượng cung và cầu tái cân bằng. Tuy nhiên, rủi ro đối với hoạt động công nghiệp tại các cảng biển và vận tải nội địa lại tăng lên.
UNCTAD kêu gọi các quốc gia tăng cường đầu tư vào chuỗi cung ứng hàng hải để các cảng biển, đội tàu vận chuyển và các kết nối nội địa có sự chuẩn bị tốt hơn trước mỗi cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai cũng như biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
“Chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với các cú sốc sau này trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nói.
Hải Anh