Hơi thở Môi trường 24h ngày 3/11: Xảy ra động đất 3 độ richter tại Quảng Nam
Phạt 4 chủ đầu tư nhà máy thủy điện do vi phạm xây dựng, vận hành; Lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật; Trung Quốc thiết lập hệ thống 'thay nhựa bằng tre' vào năm 2025.
Động đất 3 độ richter tại Quảng Nam; Phạt 4 chủ đầu tư nhà máy thủy điện do vi phạm xây dựng, vận hành; Lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật; Trung Quốc thiết lập hệ thống 'thay nhựa bằng tre' vào năm 2025; Ấn Độ đóng cửa một số trường học vì ô nhiễm không khí;... đó là tin tức môi trường mới nhất trong ngày 3/11 Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tổng hợp lại trong ngày.
Tin tức môi trường mới nhất: Động đất 3 độ richter tại Quảng Nam
Theo Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết ngày 3/11, xảy ra trận động đất 3 độ richter tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, trận động đất xảy ra vào lúc 4 giờ 41 phút 19 giây, ngày 3/11, tại tọa độ: 15,220 độ Vĩ Bắc – 108,182 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu 8,1km. Cấp độ của trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu dự báo động đất ở Quảng Nam còn tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Tuy nhiên, cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.
Phạt 4 chủ đầu tư nhà máy thủy điện do vi phạm xây dựng, vận hành
Tổng hợp từ báo Tiền Phong, ngày 3/11, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cho biết, đã xử phạt 4 chủ đầu tư do mắc hàng loạt vi phạm khi xây dựng, vận hành các nhà máy thủy điện.
Xử phạt Công ty Cổ phần Thủy điện Đức Bảo (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đăk Trưa 1, 2) hơn 217 triệu đồng về các hành vi đổ thải sai vị trí, lấn chiếm đất 10.500m2. Công ty Cổ phần thủy điện Thiên Tân (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Đăk Re) bị phạt 224 triệu đồng do đổ thải sai vị trí, lấn chiếm 14.097m2 đất.
Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum) bị phạt hơn 210 triệu đồng về các hành vi đổ thải sai vị trí. Ngoài ra, phạt Công ty TNHH GKC (chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Đăk Lô 1, 2, 3) 70 triệu đồng vì hành vi nâng công suất nhà máy từ 5,5MW lên 7,7MW khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật.
Việc xác định danh mục các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cung cấp căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp để rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm kê khí nhà kính theo lĩnh vực, nguồn phát thải.
Cơ sở thuộc danh mục cơ sơ phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và một số doanh nghiệp lớn trong nước (Vinamilk, Vinfast,…), doanh nghiệp nước ngoài (HSBC, Coca-Cola, Intel,…) đã tăng cường nhận thức, tích cực triển khai các hoạt động kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính.
Ấn Độ đóng cửa một số trường học vì ô nhiễm không khí
Bản tin môi trường mới nhất trên báo Tin tức, sáng 3/11, trường học tại một số khu vực ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ được yêu cầu đóng cửa trong 2 ngày do chỉ số chất lượng không khí (AQI) rơi xuống mức “nghiêm trọng”. Hầu hết các công trình xây dựng trong các khu vực này cũng bị đình chỉ.
Tại một số trạm giám sát trong thành phố, chỉ số AQI dao động quanh mức 480. Người dân đã thông báo các triệu chứng khó chịu ở mắt và ngứa họng, khi không khí chuyển sang màu xám đậm.
Ngày 3/11, New Delhi đã đứng đầu danh sách về các thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo thời gian thực do tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ phân tích. Số liệu mới này đã đưa AQI của New Delhi vào mức “nguy hiểm”.
Trung Quốc thiết lập hệ thống 'thay nhựa bằng tre' vào năm 2025
Báo VOV cho hay, mới đây, các bộ ngành của Trung Quốc đã xây dựng một kế hoạch hành động đẩy nhanh việc phát triển 'thay nhựa bằng tre' trong vòng 3 năm. Theo đó, nước này sẽ phấn đấu bước đầu thiết lập hệ thống công nghiệp 'thay nhựa bằng tre' vào năm 2025.
Qua đó nhằm đi sâu thúc đẩy việc xử lý toàn diện ô nhiễm nhựa và đẩy nhanh quá trình phát triển “thay nhựa bằng tre”.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, chất lượng sản phẩm, chủng loại sản phẩm, quy mô công nghiệp và hiệu quả tổng hợp của việc “thay nhựa bằng tre” sẽ được nâng cao hơn, thị phần của các sản phẩm chủ lực sẽ tăng đáng kể.
Nhật Hạ