Thứ hai, 25/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ hai, 12/04/2021 08:56 (GMT+7)

Hòa Bình: San lấp mặt bằng KĐT Thống Nhất bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng xe tải quá khổ, quá tải chở đất thi công dự án KĐT Thống Nhất (TP.Hòa Bình) bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin về vấn đề đổ thải không đúng quy định khi triển khai Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Dự án này do BQL Dự án Điện 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm đại diện Chủ đầu tư. Đơn vị nhà thầu thi công là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Cổ phần xây dựng 47 - Công ty Cổ phần Lilama 10 (Nhà thầu – PV).

Vị trí đổ thải được phê duyệt của dự án này là khu vực thuộc Dốc Cun (TP.Hòa Bình), vị trí thứ 2 thuộc đầm Quỳnh Lâm (phường Quỳnh Lâm, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Tuy nhiên, PV ghi nhận việc vận chuyển tập kết đất thải từ dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đến dự án Khu đô thị (KĐT) Thống Nhất (phường Thống Nhất, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Vị trí dự án KĐT này không đúng với vị trí bãi thải được phê duyệt trong ĐTM của dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng.

Hòa Bình: San lấp mặt bằng KĐT Thống Nhất bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Xe ben 3 chân, 4 chân chạy rầm rầm cả ngày cả đêm trên tuyến đường Thống Nhất trong một thời gian dài nhưng không thấy bóng cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. (Ảnh cắt từ video clip)

Tìm hiểu rộng hơn, PV phát hiện nhiều vấn đề bấp cập liên quan trong quá trình vận chuyển đất đá thải. Các xe tải chở đất tại dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đều là các xe ben loại 3 chân, 4 chân, có dấu hiệu cơi nới thành thùng, quá khổ quá tải. Tuyến đường di chuyển qua đường An Dương Vương - Lý Thường Kiệt, rồi rẽ phải vào đường Thống Nhất để đổ đất san lấp dự án KĐT Thống Nhất. Nhiều cơ quan ban ngành của tỉnh Hòa Bình có trụ sở nằm trên tuyến đường này như Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình, Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình,…

Theo quan sát của PV, việc lưu thông của các xe tải trên khiến đất đá rơi vãi trên đường, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và người tham gia giao thông. Ghi nhận tuyến đường Thống Nhất nham nhở bùn đất, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng.

Tiếp xúc với PV, anh V.P (tổ 6, phường Thống Nhất) cho hay: "Toàn xe "hổ vồ", Hyundai ba chân, bốn chân, chạy cả ngày cả đêm từ trước Tết đến giờ. Nhiều hôm 9h đêm xe vẫn còn chạy rầm rầm vào đổ đất cho dự án, không cho dân nghỉ ngơi. Ngoài những xe mang logo Công ty Toàn Cầu thì đa số xe mang logo Sao Vàng". Cũng theo anh P. thì suốt thời gian qua chưa thấy các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý tình trạng trên.

Cũng theo anh V.P, từ khi đơn vị thi công cho xe chở đất chạy qua đây, đoạn đường này thường xuyên xảy ra tai nạn, may mắn là chưa có tai nạn nghiêm trọng. Còn chuyện ngã xe do đường xấu, trơn trượt thì xảy ra khá thường xuyên. Chưa kể những gia đình có con nhỏ thì cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trẻ con mất ngủ vì nhà cửa bị rung lắc, tiếng gầm rú của động cơ mỗi khi có xe ben chạy qua.

Hòa Bình: San lấp mặt bằng KĐT Thống Nhất bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
Người dân lo lắng cho tuổi thọ của cầu Thống Nhất khi phải oằn mình gánh hàng trăm lượt xe tải loại 36 tấn mỗi ngày trong suốt thời gian dài dù đã có biển báo hạn chế trọng tải dành cho xe dưới 13 tấn?

Anh P. và mọi người ở đây cũng tỏ ra lo lắng cho tuổi thọ của tuyến đường Thống Nhất đặc biệt là cầu Thống Nhất dù đã có biển cấm xe có trọng tải trên 13 tấn đi qua, nhưng ngày nào cây cầu cũng phải “oằn” mình gánh hàng trăm xe tải loại “36 tấn” chở đất phục vụ san lấp mặt bằng cho dự án KĐT Thống Nhất?

Còn theo anh Nguyễn L. (xóm Rậm, phường Thống Nhất): Người dân nhiều lần nhắc đơn vị tưới nước thêm một đoàn đường cho đỡ bụi mà doanh nghiệp không thực hiện thì lấy đâu ra đảm bảo được vệ sinh môi trường trong lúc thi công. Đơn vị thi công không rào chắn theo quy định, lối ra vào dự án thì đầy vết bánh xe, nhơ nhớp bùn đất. Trong khi đây là tuyến đường chính người dân thường xuyên qua lại.

Hòa Bình: San lấp mặt bằng KĐT Thống Nhất bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 3
UBND tỉnh Hòa Bình đang bị chủ đầu tư thực sự của dự án mạo danh?

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Đừng – Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết, đã nhiều lần nhắc nhở đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn vệ sinh khi thi công. “Khi nhận được phản ánh của người dân, UBND phường cũng đã nhắc nhở đơn vị thi công, chứ không lập biên bản xử lý”, ông Đừng cho biết.

Theo quan sát của PV, trên biển báo công trình phía ngoài dự án KĐT Thống Nhất, thể hiện thông tin do UBND tỉnh Hòa Bình làm Chủ đầu tư.

Ông Bùi Văn Đừng- Chủ tịch UBND phường Thống Nhất  cho biết, chủ đầu tư dự án KĐT Thống Nhất là UBND tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên khi phóng viên muốn liên hệ với người phụ trách dự án thì ông Đừng lại đưa cho phóng viên số điện thoại của ông Đỗ Duy Liên – Giám đốc Công ty Cổ phần Xây Dựng Sao Vàng. Đồng thời, ông Đừng cho biết ông Liên là “chủ” của dự án?

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hoa – Chi cục phó Chi cục BVMT – Sở TNMT tỉnh Hòa Bình cho biết chủ đầu tư dự án KĐT Thống Nhất là UBND tỉnh Hòa Bình là không đúng sự thật. Dự án này do liên danh giữa 3 đơn vị là: Công ty Cổ phần phát triển KĐT Thống Nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Newland, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tâm Phúc là nhà đầu tư.

Trong quá trình tìm hiểu Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, PV phát hiện trong hồ sơ có nhiều điểm bất thường, nghi có dấu hiệu chữ ký bị giả mạo. Sự việc này đã được PV thông báo trực tiếp cho bà Nguyễn Thị Hoa – Chi cục phó Chi cục BVMT – Sở TNMT tỉnh Hòa Bình, UBND TP Hòa Bình và Chủ tịch UBND phường Thống Nhất.

Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.

Hà Điệp - Nguyễn Cường

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: San lấp mặt bằng KĐT Thống Nhất bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới