Thứ sáu, 19/04/2024 20:49 (GMT+7)
Thứ hai, 15/03/2021 15:37 (GMT+7)

Vì sao tỉnh Hòa Bình trở thành điểm nhức nhối về vi phạm khai thác khoáng sản?

Theo dõi KTMT trên

Việc khai thác khoáng sản tại một số địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình tỏ ra tương đối nhức nhối. Thậm chí, có vụ việc các đối tượng khai thác khoáng sản còn ngang nhiên nhốt đoàn kiểm tra khi bị phát hiện vi phạm.

"Nhốt" cả đoàn kiểm tra

Còn nhớ, khoảng giữa tháng 6/2020, qua công tác nắm tình hình và tin báo của nhân dân, Công an huyện Kim Bôi cùng chính quyền xã phát hiện tại khu vực suối Đắp Đó (xóm Võ Khang, xã Kim Bôi) thuộc diện tích đất của Công ty Cổ phần ĐTTM và Du lịch Thác Mặt Trời đang diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép, sau đó tiến hành kiểm tra.

Vì sao tỉnh Hòa Bình trở thành điểm nhức nhối về vi phạm khai thác khoáng sản? - Ảnh 1
Khu vực suối Đắp Đó (xã Kim Bôi) nơi lực lượng chức năng cùng chính quyền phát hiện các đối tượng khai thác cát chui.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện tại khu vực suối Đắp Đó, thuộc xóm Võ Khang có 4 đối tượng đang sử dụng máy nổ gắn vòi bơm hút cát từ lòng suối trực tiếp lên thùng xe tải BKS 29C-66.094, trên thùng xe có khoảng 0,5 m3 cát.

Xác minh ban đầu các đối tượng bao gồm: Quách Công Thắng (SN 1976) và Bùi Văn Niêm (SN 1973) cùng trú tại xóm Gò Mu, xã Kim Bôi; Bùi Văn Giáp (SN 1987) trú tại xóm Vó Khang và Bùi Văn Hạnh (SN 1981) trú tại xóm Đồi 2 xã Kim Bôi huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Những người này cho biết, hoạt động khai thác cát bắt đầu diễn ra từ 15h chiều ngày 9/6, tổng số khối lượng cát đã khai thác và vận chuyển đi khoảng 25 m3.

Đặc biệt trong quá trình kiểm tra, ông Đinh Văn Thường trú tại Xuân Lai, Xuân Thu, Sóc Sơn, TP.Hà Nội là đại diện của Công ty Cổ phần ĐTTM và Du lịch Thác Mặt Trời không xuất trình được các thủ tục pháp lý có liên quan đến hoạt động khai thác cát nói trên. Do vậy, tổ công tác đã lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ đồ vật.

Vì sao tỉnh Hòa Bình trở thành điểm nhức nhối về vi phạm khai thác khoáng sản? - Ảnh 2
 Ô tô cùng tang vật được tạm giữ tại cơ quan công an.

Tuy nhiên, từ 19h30 đến 23h50 ngày 10/6, ông Đinh Văn Thường không hợp tác với cơ quan chức năng. Đại diện công ty này còn khóa cổng ngăn cản không cho di dời chiếc ô tô BKS 29C - 66.094 là phương tiện vi phạm hành chính, không cho cán bộ của tổ công tác ra khỏi khu vực công ty dù lực lượng chức năng đã nhiều lần vận động, thuyết phục yêu cầu chấp hành phối hợp làm việc.

Đến 0h ngày 11/6, tổ công tác đã thông qua biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm đồng thời tiến hành cắt khóa cổng để di dời tang vật dưới sự chứng kiến của UBND xã Kim Bôi, đại diện VKS nhân dân huyện Kim Bôi. Ngay sau đó, tổ công tác đã tiến hành di dời các phương tiện vi phạm về kho vật chứng Công an huyện Kim Bôi, đồng thời mời các đối tượng liên quan về trụ sở để làm rõ hành vi khai thác khoáng sản trái phép và chống người thi hành công vụ.

Xử lý hàng loạt sai phạm trong khai thác

Mới đây, ngày 4/3/2021, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã ký Kết luận Thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt những tồn tại, hạn chế của tỉnh này liên quan tới công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Cụ thể, Hòa Bình vẫn còn 7/93 điểm mỏ chưa được phê duyệt, trong đó có 3 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, 2 dự án chưa được phê duyệt (chưa khai thác), 2 dự án đã thực hiện hoạt động khai thác nhưng chưa được phê duyệt gồm: Dự án khai thác mỏ sét của Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh; Mỏ đá của Công ty TNHH MTV Thiên Hà - Hòa Bình.

Trong số 17 dự án được thanh tra có 7 dự án chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành, cá biệt có 2/7 dự án chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động khai thác: Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình; Dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trũng Đô (KV5), xã Cao Dương, huyện Lương Sơn của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Hiền Lương.

Những việc này đã vi phạm Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định: Áp giá tính phí chưa đúng, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên (K), gây thất thu ngân sách nhà nước. Một số dự án khai thác khoáng sản đã được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành hiện đã đi vào hoạt động khai thác. Tuy nhiên khi những dự án này được cấp Giấy xác nhận chủ trương đầu tư đã không tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường dẫn đến các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường không phát huy tối đa hiệu quả.

Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, Lương Sơn của Công ty cổ phần Vinh Quang Hòa Bình chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác. Từ đó dẫn đến việc không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, vi phạm Nghị định 158/2016 của Chính phủ.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng trao đổi, về đánh giá trực diện, các hành vi khai thác trái phép khoáng sản gây tổn hại về kinh tế. Đồng thời, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Đơn cử như hành vi khác cát trái phép sẽ làm thay đổi dòng chảy; Việc khai thác khoáng sản trong rừng làm mất diện tích rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, gia tăng thiên tai, bão lũ; Quá trình khai thác, vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân…

PGS.TS Bùi Thị An cũng cho biết, các hành vi khai thác trái phép đều vi luật (vi phạm pháp luật - PV) và không hề tuân thủ các quy định, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lộng hành của các đơn vị này làm người dân hoang mang, mất lòng tin, đồng thời có khả năng hình thành các tụ điểm nguy hiểm, sa đà vào các tệ nạn xã hội nhờ nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác trái phép.

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Vì sao tỉnh Hòa Bình trở thành điểm nhức nhối về vi phạm khai thác khoáng sản?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .