Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản ở Hòa Bình
Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới được công bố đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại Hòa Bình.
Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, ngày 4/3 đã ký Kết luận Thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018.
Theo Kết luận Thanh tra, hầu hết các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt phương án/đề án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình vẫn còn 7/93 điểm mỏ chưa được phê duyệt, trong đó có 3 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt, 2 dự án chưa được phê duyệt (chưa khai thác), 2 dự án đã thực hiện hoạt động khai thác nhưng chưa được phê duyệt gồm: Dự án khai thác mỏ sét của Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh; Mỏ đá của Công ty TNHH MTV Thiên Hà - Hòa Bình.
Qua kiểm tra trực tiếp tại 17 dự án khai thác khoáng sản cho thấy vẫn còn một số chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; việc quan trắc, giám sát môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất chưa đầy đủ về tần suất, vị trí; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo…
Đáng chú ý, trong số 17 dự án được thanh tra có 7 dự án chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành, cá biệt có 2/7 dự án chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động khai thác: Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình; Dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trũng Đô (KV5), xã Cao Dương, huyện Lương Sơn của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Hiền Lương.
Kết luận thanh tra nêu rõ, những việc này đã "vi phạm Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường".
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định: Áp giá tính phí chưa đúng, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên (K), gây thất thu ngân sách nhà nước.
Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, vi phạm Nghị định 158/2016 của Chính phủ.
Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số phương tiện vận tải trong khu vực khai thác, chế biến khoáng sản của một số dự án đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn hoạt động, tiềm ẩn mất an toàn giao thông, an toàn lao động trong quá trình vận chuyển khoáng sản.
Xử lý nghiêm các đơn vị liên quan
Trên cơ sở kết luận Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hòa Bình xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại. Các sở, ngành và đơn vị liên quan phải kiểm tra, ra soát và chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được nêu tại kết luận thanh tra. Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, Cục Thuế tỉnh Hòa Bình; trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Hòa Bình.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra, xác định lại hệ số nở rời từ thể tự nhiên sang thể nguyên khai, tỉ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng nguyên khai của một số loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với thực tế, tránh gây thất thu ngân sách nhà nước; kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định về quy đổi khối lượng, nhân hệ số khai thác lộ thiên, kê khai khối lượng nộp phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên để truy thu đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản chưa thực hiện đúng quy định trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, vi phạm pháp luật về môi trường.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị xử lý theo quy định đối với chủ đầu tư 37 dự án còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền trên 6,8 tỉ đồng, các dự án khai thác khoáng sản còn nợ phí bảo vệ môi trường theo quy định.
Từng cho ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) cho rằng, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra “âm thầm” đang là thách thức đối với các cơ quan chức năng.
“Quan trọng nhất là phải phát hiện ra và xử lý như thế nào. Tôi cho rằng, cần phải có biện pháp quản lý tích cực hơn nữa để chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ngăn chặn tình tình trạng này sẽ ngăn chặn được tình trạng chảy máu, rút ruột tài nguyên quốc gia, đồng thời đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân cũng như bảo vệ tốt môi trường ở những khu vực có những khoáng sản”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.
Hoài Thu