Vụ khai thác đá bạc 'lậu' ở Hà Tĩnh: Giám đốc Công an tỉnh nói gì? (Kỳ 6)
Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết sau khi Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã có chỉ đạo cơ quan điều tra truy vết ngay để xử lý.
Liên quan đến loạt bài viết đề cập tình trạng hàng trăm hecta đồi núi bị "xẻ thịt", hồ đập bị xâm lấn vì nạn “khoáng tặc” khai thác đá bạc (hay còn gọi là đá thạch anh) trái phép tại tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) vừa có văn bản số 177 gửi Tạp chí Kinh tế Môi trường đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin.
Văn bản nêu rõ, vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường có đăng tải loạt phóng sự về "Đường dây khai thác đá bạc trái phép, hủy hoại môi trường tại Hà Tĩnh".
Cơ quan điều tra Công an huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh xét thấy, những nội dung đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Môi trường có liên quan đến vụ việc Công an huyện Cẩm Xuyên bắt giữ đoàn xe chở đá thạch anh vào đêm ngày 5/3/2021 tại thị trấn Cẩm Xuyên.
Để phục vụ công tác xác minh, điều tra, Công an huyện Cẩm Xuyên đề nghị Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp, cung cấp tài liệu liên quan đến vụ việc.
Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, Thượng tá Phan Ngọc Tố, Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh về việc giao cho công an huyện vào cuộc, điều tra làm rõ vụ việc khai thác đá bạc này, Công an huyện Cẩm Xuyên đang vào cuộc xác minh điều tra làm rõ.
Theo Thượng tá Tố, hiện một số đối tượng liên quan đến vụ việc vẫn chưa hợp tác, cơ quan công an phải sử dụng các biện pháp mạnh để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trả lời PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận và đánh giá cao việc Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh về hoạt động khai thác đá bạc trái phép trên địa bàn huyện Kỳ Anh vừa qua. Sau khi đăng tải, Ban Giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo cơ quan điều tra truy vết ngay để xử lý.
“Tôi sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm, kể cả cán bộ, doanh nghiệp liên quan đến hành vi vi phạm. Với tư cách là Thường vụ Tỉnh ủy, tôi sẽ ý kiến đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như xã, huyện liên quan đến địa bàn để xảy ra vi phạm”, Đại tá Lê Khắc Thuyết chia sẻ.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Lương Thành Đạt, Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho hay, theo quy định tại Điều 59, Điều 64, Điều 82 luật Khoáng sản 2010, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải được đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trường hợp các cá nhân, tổ chức khai thác trái phép khoáng sản sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Luật sư Đạt cho rằng, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian kéo dài, nhiều điểm mà không xử lý kịp thời, trước tiền cần xác định trách nhiệm quản lý của UBND cấp huyện, UBND cấp xã ra sao. Phải đặt dấu hỏi về nguyên nhân, do buông lỏng quản lý, bao che, thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hay có vấn đề gì khác.
"Cần xử lý nghiêm người đứng đầu, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý khi để xảy ra hoạt động khai thác trái phép. Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép", Luật sư Đạt nêu ý kiến.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Tiến Đạt