Thứ sáu, 22/11/2024 11:00 (GMT+7)
Thứ tư, 10/03/2021 08:49 (GMT+7)

Khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: Có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm (Kỳ 5)

Theo dõi KTMT trên

Theo các luật sư, khai thác trái phép đá bạc (còn gọi là đá thạch anh) là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Sau nhiều tháng tìm hiểu thông tin, khảo sát thực địa, nhóm Phóng viên Kinh tế Môi trường phát hiện một đường dây khai thác, vận chuyển trái phép đá bạc (còn gọi là đá thạch anh) với cách thức tinh vi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều ngọn đồi bị "xẻ thịt", hồ đập bị xâm lấn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường. 

Hiện tại, có 3 điểm khai thác đá trái phép nằm sâu trong núi thuộc xã Lâm Hợp, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh và phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm khối đá bạc được hàng chục công nhân, sử dụng máy móc khai thác cả ngày lẫn đêm, bất chấp pháp luật.

Khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: Có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm (Kỳ 5) - Ảnh 1
Luật sư Lương Thành Đạt, Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis.

Sự việc này đã gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi sinh và môi trường. Vậy, các đối tượng khai thác đá bạc không phép sẽ bị xử lý như thế nào?

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Lương Thành Đạt, Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho hay, theo quy định tại Điều 59, Điều 64, Điều 82 luật Khoáng sản 2010, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải được đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trường hợp các cá nhân, tổ chức khai thác trái phép khoáng sản sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính  theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Hành vi khai thác đá bạc nếu tùy vào số lượng và giá trị của khoáng sản làm căn cứ để các cơ quan chức năng xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Căn cứ Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh nếu có đủ căn cứ, có thể khởi tố vụ án hình sự theo Điều 227 Bộ luật Hình sự (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên) với khung hình phạt tiền tới 5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng tới 7 năm.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự quy định, người nào vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trong đất liền, nội thủy mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tại Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự cũng quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên.

"Cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh điều tra và đây sẽ là cơ sở để tiến hành giải quyết vụ việc theo các quy định pháp luật hiện hành", Luật sư Đạt bày tỏ.

Khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: Có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm (Kỳ 5) - Ảnh 2
Xe tải mang BKS 38C – 151.64 chở theo đá bạc về tại bãi tập kết ở phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Tiến Đạt)

Luật sư Đạt cho rằng, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian kéo dài, nhiều điểm mà không xử lý kịp thời, trước tiền cần xác định trách nhiệm quản lý của UBND cấp huyện, UBND cấp xã ra sao. Phải đặt dấu hỏi về nguyên nhân, do buông lỏng quản lý, bao che, thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hay có vấn đề gì khác.

"Cần xử lý nghiêm người đứng đầu, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý khi để xảy ra hoạt động khai thác trái phép. Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép", Luật sư Đạt nêu ý kiến.

Cũng theo Luật sư Đạt, việc khai thác khoáng sản trái phép, bừa bãi cùng với việc khai thác quá mức không những làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước mà còn ảnh hưởng rất xấu đến môi trường xung quanh.

Đất đá thải trong khai thác khoáng sản cũng là nguyên nhân dẫn đến tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm môi trường không khí, do nhiễm bụi ở các khu dân cư ở trong vùng khai thác. Việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên, tác động đến cảnh quan, tích tụ hoặc phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nghiêm trọng…

Chiều 4/11/2020, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP.Hà Nội) tham gia thảo luận với vấn đề phát triển bền vững và chia sẻ ý kiến cá nhân về một số hoạt động kinh tế có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng: “Thời gian qua tất cả chúng ta đều cảm thấy bàng hoàng, đau xót trước sự ra đi của nhiều đồng chí, nhiều người dân, vẫn biết rằng thiên tai là vô thường và thiên nhiên là bất khả kháng nhưng rõ ràng trong đó có yếu tố từ phía con người. Chúng ta đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người với thiên nhiên và cái giá phải trả là quá đắt. Trong thiên tai chúng ta thấy được tình người, thấy được sự quyết liệt của Chính phủ, sự hi sinh của quân đội, công an trong bảo vệ người dân nhưng chúng ta cũng thấy được lỗ hổng trong công tác quản lý, còn nhiều hành vi tàn phá thiên nhiên chưa được ngăn chặn và nếu như đứng trước bài toán kinh tế thì lựa chọn đúng đắn hơn cả vẫn phải là phát triển bền vững”.

Thùy An

Bạn đang đọc bài viết Khai thác đá bạc trái phép ở Hà Tĩnh: Có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm (Kỳ 5). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới