Thứ sáu, 19/04/2024 09:26 (GMT+7)
Thứ hai, 29/03/2021 15:51 (GMT+7)

Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Có bãi đổ thải nhưng vẫn chuyển đất đi nơi khác

Theo dõi KTMT trên

Dù được UBND tỉnh Hòa Bình bàn giao bãi đổ thải từ cuối năm 2020 nhưng BQL Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng lại không sử dụng mà đổ đất vào các dự án khác.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đăng tải bài viết về Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (NMTĐ Hòa Bình mở rộng) trong quá trình thi công đã đổ thải không đúng điểm cho phép. Hành vi này do chính đơn vị thi công là liên danh của 3 đơn vị Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty cổ phần xây dựng 47 - Công ty cổ phần Lilama 10 thực hiện.

Thông tin này được ông Trần Hải Bắc – Phó Giám đốc liên danh nhà thầu thi công thừa nhận. Sau khi đổ thải trái phép, sự việc được thông tin đến UBND tỉnh Hòa Bình và các đơn vị chức năng. Hiện tại dự án đã tạm dừng hoạt động.

Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Có bãi đổ thải nhưng vẫn chuyển đất đi nơi khác - Ảnh 1
Đã được UBND tỉnh Hòa Bình bàn giao một phần bãi đổ thải Dốc Cun từ cuối năm 2020 nhưng trong quá trình làm việc với phóng viên đại diện BQL dự án vẫn khẳng định chưa được bàn giao bãi đổ thải.

Liên quan đến sự việc trên, PV Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hoa – Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên Môi trưởng tỉnh Hòa Bình).

Bà Hoa cho biết, dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đã được UBND tỉnh bố trí 2 vị trí đổ thải. Vị trí bãi đổ thải thứ nhất nằm tại khu vực Dốc Cun (TP.Hòa Bình), vị trí bãi đổ thải thứ 2 thuộc phường Quỳnh Lâm. Bãi đổ thải tại Dốc Cun đã được UBND tỉnh Hòa Bình bàn giao một phần cho BQL Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng từ cuối năm 2020. Cách đây vài hôm, tỉnh tiếp tục bàn giao cho BQL Dự án thêm một phần diện tích. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích bãi thải Dốc Cun đã bàn giao được khoảng 2/3.

“Bãi Dốc Cun có diện tích hơn 30 ha. Cuối năm 2020 UBND tỉnh Hòa Bình đã bàn giao một phần cho BQL Dự án, hiện tại mới bàn giao thêm một phần nữa. Tổng diện tích khoảng hơn 20 ha”, bà Hoa cho biết.

Cũng theo bà Hoa, việc chưa thể bàn giao được hết bãi thải Dốc Cun và bãi Quỳnh Lâm cho BQL Dự án là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Có bãi đổ thải nhưng vẫn chuyển đất đi nơi khác - Ảnh 2
Đất đá thải của dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đang phải mất phí để san lấp mặt bằng dự án KĐT Thống Nhất.

Ngoài ra, bà Hoa còn cho biết, trong lúc chờ giải phóng xong mặt bằng hai bãi đổ thải đã được phê duyệt trong phương án ĐTM của dự án, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tìm các vị trí phù hợp để giới thiệu. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã giới thiệu khu vực rộng 1,3 ha, tuy nhiên UBND tỉnh chưa phê duyệt.

Như thông tin bà Hoa trao đổi, nhiều người cho rằng việc đổ thải của BQL dự án NMTĐ Hòa Bình và nhà thầu trong quá trình thi công có vi phạm. Bất chấp việc đã được UBND tỉnh Hòa Bình bàn giao một phần đất (20 ha) bãi đổ thải Dốc Cun, nhưng BQL dự án và phía nhà thầu lại cố tình không sử dụng. Thay vào đó, đơn vị thi công lại sử dụng đất thải để phục vụ san lấp dự án KĐT Thống Nhất (phường Thống Nhất, TP.Hòa Bình).

Chỉ đến khi sự việc được báo chí phản ánh thì đơn vị thi công mới dừng việc này lại. Phải chăng, BQL dự án và nhà thầu thi công dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đang có tính toán việc tận dụng nguồn đất đá thải này để “bán” cho các dự án đang cần đất đá để làm mặt bằng, bất chấp phương án đã được phê duyệt trong ĐTM của Bộ TN&MT?

Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Có bãi đổ thải nhưng vẫn chuyển đất đi nơi khác - Ảnh 3
Sau khi bị báo chí phát hiện và phản ánh, BQL Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng mới tạm dừng đổ đất đá thải vào dự án KĐT Thống Nhất.

Như vậy, có thể đặt ra nghi vấn BQL dự án và đơn vị thi công cố tình làm trái phương án đã được phê duyệt trong ĐTM nhằm trục lợi bất chính? Khi Tập đoàn EVN, trực tiếp là BQL dự án phải chi trả tiền cho việc vận chuyển đất đá để đổ thải. Thay vì đổ thải tại bãi tập kết theo phương án đã được phê duyệt trước đó, số đất đá này lại được sử dụng để san lấp mặt bằng cho các dự án khác? Liên quan đến vấn đề trên bà Hoa cũng cho rằng cần phải sớm làm sáng tỏ sự việc trên?

Trao đổi với PV, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, theo thông tin Chi cục nắm được thì Cảnh sát môi trường đã tiến hành làm việc và xử phạt đối với hành vi của đơn vị thi công. Đến thời điểm hiện tại chưa xác định rõ khối lượng bên phía Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đổ thải trái phép tại dự án KĐT Thống Nhất. Ngoài ra, bà Hoa chia sẻ thêm, theo quy định thì khi thay đổi địa điểm đổ thải, không cần phải làm lại ĐTM.

Trách nhiệm của BQL dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình ở đâu? Vai trò quản lý giám sát và trách nhiệm của người đứng đầu EVN ra sao trong sự việc này?

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Hà Điệp - Nguyễn Cường

Bạn đang đọc bài viết Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Có bãi đổ thải nhưng vẫn chuyển đất đi nơi khác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới