Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Đâu là sự thật trong việc đổ thải sai quy định?
Chi cục phó Chi cục BVMT tỉnh Hòa Bình cho rằng UBND tỉnh Hòa Bình đã bàn giao một phần diện tích bãi đổ thải cho BQLDA từ cuối năm 2020 để sử dụng. Nhưng BQLDA lại "phản pháo", đến 24/3, họ vẫn chưa nhận được mặt bằng.
Vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin về vấn đề đổ thải không đúng quy định khi triển khai Dự án xây dựng NMTĐ Hòa Bình mở rộng (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Dự án này do BQL Dự án Điện 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm đại diện Chủ đầu tư. Đơn vị nhà thầu thi công là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty Cổ phần xây dựng 47 - Công ty Cổ phần Lilama 10 (Nhà thầu – PV).
Trước đó, khi Phóng viên làm việc với bà Nguyễn Thị Hoa – Chi cục phó Chi cục BVMT – Sở TNMT tỉnh Hòa Bình, bà Hoa khẳng định UBND tỉnh Hòa Bình đã bàn giao một phần diện tích bãi đổ thải Dốc Cun (TP.Hòa Bình) cho BQL Dự án từ cuối năm 2020.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Hòa – Trưởng phòng Bồi thường GPMB của dự án xây dựng NMTĐ Hòa Bình mở rộng cho biết đây là thông tin không chính xác. Bởi vấn đề người dân không đồng thuận và không bàn giao mặt bằng vì chưa đồng ý với các chính sách. Sau khi UBND TP.Hòa Bình tổ chức vận động thuyết phục các hộ gia đình, cá nhân chấp hành Quyết định thu hồi đất ngày 12/3/2021. Đến ngày 24/3/2021, mới có 1 hộ gia đình đồng ý bàn giao mặt bằng qua điện thoại, chưa làm biên bản ký nhận bàn giao. Diện tích bàn giao là 4,1 ha. Hiện tại đơn vị thi công đang bóc phủ và chuẩn bị mặt bằng. Đến thời điểm hiện tại, chưa có biên bản bàn giao mặt bằng sạch để có công đổ thải.
Đối với đơn vị nhà thầu đổ thải sai quy định, ông Nguyễn Khắc Hoan – Tư vấn giám sát trưởng của Dự án cho biết, sau khi phát hiện nhà thầu đổ thải sai quy định, phía tư vấn giám sát đã yêu cầu dừng thi công đổ thải vào vị trí chưa được chấp thuận của chính quyền địa phương.
Đối với nhu cầu đổ thải tại các vị trí khác trong khi chưa được bàn giao mặt bằng các bãi thải như quy hoạch. BQL Dự án đã có văn bản đề xuất với tỉnh Hòa Bình để xem xét phương án tận dụng đất thải từ dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời đảm bảo tiến độ thi công của dự án. Nhưng đề xuất này chưa được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận.
Liên quan đến nghi vấn rằng BQL Dự án có cố tình làm trái các quy định để trục lợi hay không, phía BQL Dự án khẳng định không có vấn đề trên. Vấn đề đổ thải sai vị trí là do nhà thầu thực hiện, khi phát hiện đã yêu cầu dừng thi công để kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên từ những hình ảnh mà bạn đọc cung cấp và PV ghi nhận thực tế, vấn đề môi trường khi vận chuyển đất đá thải của dự án còn nhiều bất cập. Theo đó, các xe tải tham gia vận chuyển đất đá thải phục vụ dự án mang logo Việt Hưng, công ty Toàn Cầu...Hầu hết các xe này đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng, quá khổ quá tải, tiềm ẩn nguy cơ gây hư hỏng mặt đường, mất an toàn giao thông. Việc vận chuyển khiến đất đá rơi vãi trên đường, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và người tham gia giao thông.
Tại vị trí bãi thải Dốc Cun, đơn vị thi công đang tiến hành san lấp làm đường tạm và mặt bằng để mở đường đấu nối với QL6. Vị trí đổ thải thuộc khu vực đèo dốc, nhiều khúc cua, tầm nhìn bị hạn chế, mật độ các phương tiện tham gia giao thông cao. Việc xe chở đất liên tục ra vào, khiến đất đá bị cuốn ra mặt đường, ảnh hưởng đến môi trường và người dân tham gia giao thông.
Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.
Hà Điệp - Nguyễn Cường