GS.TS Trần Thọ Đạt: Đã đến lúc Việt Nam mở cửa đường bay quốc tế
GS.TS Trần Thọ Đạt, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng cho rằng, hiện đã là “thiên thời địa lợi”, các yếu tố khách quan và chủ quan đều phù hợp với việc mở cửa hàng không quốc tế.
Thời điểm thích hợp để mở cửa
Phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn”, GS.TS Trần Thọ Đạt, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng cho rằng, hiện đã là “thiên thời địa lợi”, các yếu tố khách quan và chủ quan đều phù hợp với việc này. Dù không thể chắc chắn bao giờ dịch kết thúc nhưng một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đang được củng cố.
Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4, tác động rất lớn về y tế và kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Hiện tỉ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Như vậy, về nền tảng y tế phòng và chống dịch đã đạt được mức độ tiêm chủng tương đương các nền kinh tế phát triển.
“Với đợt dịch thứ 4, tôi cho rằng hệ thống y tế của ta đã tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục”, ông Đạt nhấn mạnh.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ khi phát hiện dịch bệnh nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị rất quan trọng để duy trì các đường bay quốc tế trong bối cảnh hạn chế đi lại bằng đường hàng không.
Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, Việt Nam đã dừng các đường bay quốc tế. Trong quá trình đó, Bộ Ngoại giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao để tổ chức các chuyến bay đón công dân ở nước ngoài. Tuy nhiên từ tháng 9/2020, Chính phủ có chủ trương nghiên cứu cụ thể điều kiện để mở lại các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với nhiều kịch bản, kế hoạch khác nhau.
“Chúng ta đã rất nhiều lần định mở lại và chắc chắn sẽ mở lại trong thời gian tới”, ông Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng đón khách trở lại, từng bước mở cửa trở thị trường.
Ông Phúc thông tin, việc mở cửa thí điểm tại Thái Lan được triển khai từ 1/7/2021. Tính đến giữa tháng 10, khoảng 50.000 lượt khách quốc tế đến nước này. Bất chấp số ca bệnh tăng tại Phuket, Thái Lan vẫn đón du khách tiêm chủng đến từ hơn 45 quốc gia có nguy cơ thấp đến 17 khu vực, trong đó có Bangkok.
"Nước ta hiện nay đạt 2 triệu mũi vaccine/ngày, đây là tốc độ tiêm chủng rất nhanh. Với phương châm chống dịch thay đổi từ Zero COVID sang sống chung, cùng việc phủ vaccine nhanh như hiện nay, kế hoạch mở cửa bầu trời là hoàn toàn phù hợp", ông Phúc nói.
Cần rút ngắn thời gian cách ly đối với khách du lịch
Một trong những nội dung rất được quan tâm tại buổi tọa đàm là quy định hành khách đến Việt Nam phải cách ly 7 ngày để phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, theo hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, sau nhập cảnh hành khách phải cách ly y tế 7 ngày.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lê Phúc giải thích rằng, quy định này không phải là ở trong phòng 7 ngày mà trong thời gian này khách du lịch vẫn được tham gia các hoạt động tham quan, dịch vụ, đi lại theo diện khép kín, không tiếp xúc với người dân địa phương trong 7 ngày đầu. Sau đó có thể tham gia các hoạt động cộng đồng.
Trong khi đó, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung cho rằng, chính sách 7 ngày cách ly chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn hút khách du lịch thì phải thay đổi.
Do đó, đại diện Vietnam Airlines đề nghị bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát dịch tốt, tỉ lệ dân cư đã tiêm vaccine cao; khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính, sau chuyến bay thì có thể cách ly một ngày.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng đánh giá, quy định trên là quá thận trọng so với các nước và đưa ra ví dụ ở một số nước như Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó với khách nhập cảnh có hộ chiếu vaccine và xét nghiệm sau khi đến. Điều này đồng nghĩa với việc du khách đến Thái Lan sẽ chỉ nghỉ một đêm ở khách sạn, hôm sau có xét nghiệm âm tính là có thể đi khắp nơi.
Cho rằng quy định du khách phải cách ly 7 ngày sẽ gây cản trở, ảnh hưởng đến du lịch, khách hàng và cạnh tranh quốc tế, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đề xuất nên nghiên cứu cách làm của Thái Lan. “Tôi khẳng định, nếu đã tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính là an toàn và không cần cách ly 7 ngày. Tuy nhiên, để mở cửa hàng không, cần chuẩn bị thêm cho ngành y tế về pháp lý, hướng dẫn cũng như chuẩn bị về cơ sở vật chất, năng lực điều trị” – PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
“Hiện nay các đề xuất của Cục Hàng không với Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ cũng dựa trên nền tảng hướng dẫn hiện nay, chúng tôi hi vọng có thể rút ngắn hơn thời gian cách ly” - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường
“Mở cửa hàng không quốc tế là cần thiết, quan trọng là ngành y tế phải có sự chuẩn bị. Cần có sự thống nhất giữa Bộ GTVT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế… để có có quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh”, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn ký văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất mở lại bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn 1 dự kiến từ quý I/2022. Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Đối tượng là công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Giai đoạn 2, từ quý II/2022. Bộ Giao thông Vận tải đề xuất triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang "hộ chiếu vaccine" là công dân Việt Nam và người nước ngoài trên các thị trường theo nhu cầu của hãng hàng không.
Giai đoạn 3, từ quý III/2022. Bộ Giao thông Vận tải dự định khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu và thực hiện phòng chống dịch theo quy định về dịch tễ của cơ quan có thẩm quyền. Hành khách là công dân Việt Nam và người nước ngoài. Thị trường triển khai và tần suất khai thác theo nhu cầu của các hãng hàng không.
Giai đoạn này có thể xem xét không yêu cầu hành khách mang "hộ chiếu vaccine" thực hiện cách ly khi: tỉ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 và miễn dịch cộng đồng ở Việt Nam ở mức cao, tùy thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế và kết quả đàm phán công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vaccine".
Bộ GTVT cho biết, đề xuất nối lại bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không. Đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung.
Hà Lan (T/h)