Góc nhìn đa dạng về tuyên truyền biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với chính trị - kinh tế - xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Làn sóng ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) đang lên cao trên toàn cầu, kéo theo nhu cầu thông tin ngày một lớn. Đây chính là mảng đề tài còn nhiều tiềm năng khai thác.
Thông tin đưa Việt Nam sóng bước cùng thế giới
Lấy năm 2021 là thời điểm các quốc gia phải thực thi các yêu cầu bắt buộc của Thỏa thuận Paris về BĐKH, việc thúc đẩy các hành động nhằm thích ứng với các tác động của BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính đang và sẽ trở thành xu thế toàn cầu.
Dễ dàng nhận thấy điều này bởi đây đã trở thành trọng tâm thảo luận của nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao các nhóm nước, các tổ chức chính trị - xã hội tại hàng loạt sự kiện diễn ra gần đây như: Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với BĐKH; Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc với chủ đề “Giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu”; Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH; Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030… Việt Nam rất tích cực tham gia các sự kiện này, với tư cách là một trong số những quốc gia chịu tổn thương nhất do BĐKH, nhưng cũng đồng thời triển khai rất nhiều nỗ lực ứng phó và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Theo xu thế này, việc thông tin, tuyên truyền về BĐKH hiện nay và trong tương lai sẽ không chỉ gói gọn ở việc ghi nhận các tác động tiêu cực để cảnh báo cộng đồng, mà xa hơn là đưa ra các giải pháp ứng phó, thúc đẩy các thành phần trong xã hội cùng chung tay giải quyết các thách thức.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) nhận định, các đề tài về BĐKH trên báo chí thời gian qua phần nhiều nói về chủ đề thích ứng với các loại hình thiên tai cực đoan. Đây là các hiện tượng nhất thời, tác động trực tiếp và ngay lập tức đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, bản chất của BĐKH là gây ra những ảnh hưởng từ từ như nước biển dâng, mất đất, khan hiếm nước, suy thoái đa dạng sinh học, gia tăng các loại dịch bệnh khó kiểm soát…, diễn tiến lâu dài có khi đến hàng chục đến cả trăm năm. Những vấn đề này rất cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy việc xây dựng, triển khai các giải pháp ngay từ bây giờ.
“Trước mắt, báo chí có thể chú trọng tuyên truyền về sự kiện lớn nhất trong năm là Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Trọng tâm của Hội nghị lần này là việc thông qua Bộ Quy tắc thực hiện Thỏa thuận Paris (mới được thông qua một phần tại COP24 năm 2018 tại Ba Lan), là cơ sở để các quốc gia, trong đó, có Việt Nam thực thi Thỏa thuận. Bên cạnh đó, đánh giá nỗ lực các quốc gia thực hiện cam kết ứng phó BĐKH đến năm 2020; những cam kết cho giai đoạn đến năm 2030 và sau 2030 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng BĐKH, đóng góp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực…” - ông Tấn cho biết.
Từ nay đến khi diễn ra Hội nghị COP26, các quốc gia đơn lẻ cũng như nhóm nước, các tổ chức quốc tế, giới khoa học… sẽ đẩy mạnh nhiều hoạt động thể hiện quyết tâm bảo vệ khí hậu, duy trì mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Là một kênh thông tin nhanh nhạy, báo chí hoàn toàn có thể trở thành cầu nối để nâng cao nhận thức cho độc giả tại Việt Nam về các vấn đề BĐKH, xu hướng hành động bảo vệ khí hậu hiện nay và kinh nghiệm cho Việt Nam. Đồng thời, chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam luôn chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó BĐKH.
Là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, chiến lược ứng phó của Việt Nam ưu tiên nội dung thích ứng. Tuy vậy, trong thời gian tới, nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ đụng chạm đến rất nhiều đối tượng nên cũng cần phải được thông tin nhiều hơn. Theo ông Tấn, nghĩa vụ bắt buộc cắt giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam đã được phản ánh trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tới đây, nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định quy định về phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, cùng với các văn bản liên quan.
Qua các buổi tham vấn, Dự thảo Nghị định nhận được sự quan tâm của nhiều Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp bởi phạm vi tác động khá lớn, đặc biệt là khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thải lớn. Đây sẽ là mảng đề tài mới để các phóng viên tìm hiểu, thông tin trên báo chí một cách đầy đủ, chính xác. Cơ quan quản lý cũng có thể thông qua đây để nắm bắt tình hình thực tiễn, những bất cập khi Luật, Nghị định chính thức có hiệu lực.
Những bài báo dễ hiểu với độc giả
Thực tế, đây chính là một thách thức khi viết bài về BĐKH. Không phải ngẫu nhiên khi số lượng các bài viết về vấn đề thích ứng áp đảo trên mặt báo. Việc phản ánh tác động của thiên tai hay những giải pháp thích ứng xuất phát từ chính đời sống thường nhật của người dân nên nhận được nhiều sự quan tâm. Câu chuyện cụ thể, từ ngữ thông dụng nên hầu như người ta quên mất một điều, biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính khoa học rất phức tạp. Việc chỉ ra mối liên hệ giữa các hiện tượng lũ lụt, mưa bão, triều cường, hạn hán… liên quan đến BĐKH như thế nào mới có thể tạo động lực chuyển đổi, giải quyết triệt để nguyên nhân gây ra BĐKH - chính là sự phát thải khí nhà kính.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế với thế giới, mỗi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi muốn thâm nhập vào thị trường có giá trị cao cần có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hạn mức “dấu chân carbon” - tức tổng lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, thuế carbon… Tín chỉ carbon, hạn ngạch carbon đang dần trở thành hàng hóa phổ biến và giá trị không ngừng tăng lên. Hiện nay, Việt Nam cũng đang nỗ lực xây dựng thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon quốc tế. Mặc dù vậy, điểm qua nhiều trang báo, các bài viết về chủ đề này không nhiều, phần lớn là dịch hoặc tổng hợp từ báo chí nước ngoài.
Một khảo sát nhỏ về mối quan tâm của nhà báo với chính sách định giá carbon cho thấy, với sự nhạy bén nghề nghiệp, các phóng viên, nhà báo tỏ ra quan tâm đến chủ đề này nói riêng và giảm phát thải nói chung. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là có nhiều từ ngữ mang tính kỹ thuật, khó diễn giải với công chúng. Đây là vấn đề mới nên các nhà báo không biết hoặc biết rất ít những chuyên gia, học giả liên quan đến chủ đề này để tiếp cận, phỏng vấn, thu thập thông tin, giải đắp thắc mắc. Họ cũng gặp khó khăn khi liên hệ các khía cạnh của chính sách BĐKH với lĩnh vực mình phụ trách viết bài.
Trong khi chờ đợi một mạng lưới chia sẻ thông tin chuyên sâu về BĐKH cho giới báo chí, chính các nhà báo, phóng viên cần chủ động tham gia các khóa tập huấn, hội thảo và tiếp cận các nguồn thông tin để khai phá các đề tài mới. Gợi ý cho phóng viên trong “Sổ tay báo chí khoa học viết về môi trường, biến đổi khí hậu, sức khỏe”, Viện Nghiên cứu truyền thông (RED) cho rằng, việc tìm kiếm, phỏng vấn và trích dẫn ý kiến các nhà khoa học/chuyên gia sẽ giúp phân tích và đánh giá vấn đề một cách khách quan, vừa sâu rộng, vừa cụ thể để cung cấp cho độc giả những thông tin mới mẻ và xác thực nhất.
Bên cạnh đó, có thể lồng ghép các thông điệp chính của Chính phủ, Ủy ban liên Chính phủ về BĐKH; phỏng vấn cơ quan hữu quan, cá nhân, tổ chức để có kiến thức tổng quát và cái nhìn đa chiều. Việc cung cấp một đánh giá cân bằng cũng rất quan trọng, bởi BĐKH bao hàm nhiều vấn đề mang tính nguy cơ, rủi ro và không chắc chắn. Các bài viết đi theo hướng tiếp cận từ dưới lên trên (từ phía người dân, công chúng) sẽ giúp bài viết dễ tiếp cận với độc giả hơn, nhưng cần tránh rập khuôn, máy móc đưa tin bài đơn điệu.
Khánh Ly