Thứ bảy, 20/04/2024 09:33 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/03/2021 06:30 (GMT+7)

Giờ Trái Đất 2021: ‘Lên tiếng vì thiên nhiên’

Theo dõi KTMT trên

Giờ Trái Đất năm 2021 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Speak up for nature” - “Lên tiếng vì thiên nhiên”, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn cầu

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), những tác động ngày càng tăng và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng đến các sông băng, đại dương, thiên nhiên, nền kinh tế, điều kiện sống và thường biểu hiện thông qua các hiểm họa thiên tai như hạn hán hoặc lũ lụt.

Một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2020, đặc biệt là khí thải carbon dioxide (CO2), khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên trầm trọng, trong đó phải kể đến các vụ cháy rừng, bão lớn, khô hạn và lũ lụt chưa từng có.

“Nồng độ khí nhà kính, chưa bao giờ cao như vậy trong vòng 3 triệu năm qua, đã lại tiếp tục tăng. Những vùng đất rộng lớn ở Siberia đã trải qua một đợt nắng nóng kéo dài và đặc biệt trong nửa đầu năm 2020, điều này rất khó xảy ra nếu không có BĐKH do con người gây ra. Và giai đoạn 2016–2020 được thiết lập để trở thành khoảng thời gian 5 năm nóng nhất được ghi nhận”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết.

Các số liệu mà nghiên cứu khoa học ghi nhận là băng ở Bắc cực sụt giảm 12% trong vòng 1 thập kỷ và tan chảy ở mức đó liên tục trong 40 năm qua, với 4 năm gần đây nhất luôn có tỉ lệ tan cao nhất. Ở Nam cực, giai đoạn 1979-2017 cũng có lượng băng tan đều đặn mỗi năm và chu kỳ 5 năm qua là nghiêm trọng nhất.

Hậu quả của băng tan chảy là vô kể: Nước biển dâng đang khiến 1,6 tỉ người chịu nguy hiểm vì lũ lụt, lở đất và sóng thần. Trong khi đó, đến năm 2050 xâm nhập mặn sẽ khiến 27% dân số thế giới sống trong cảnh thiếu nước. Giới nhà khoa học còn đang lo sợ trước khả năng những loại virus, vi khuẩn có từ thời cổ đại đang "ngủ đông" trong tảng băng sẽ được giải phóng và gây ra các đại dịch còn đáng sợ hơn cả Covid-19.

Khu vực Trung du và toàn bộ châu Á được dự báo sẽ là "điểm nóng" chịu tác động của hiện tượng băng tan chảy. Tuyết trên các đỉnh núi vùng Cáp-ca và Nam Á đang tan với tốc độ nghiêm trọng. Các trận lũ lụt lịch sử gần như chắc chắn sẽ xảy ra với Ấn Độ và các nước hạ nguồn sông Mê Kông từ nay đến cuối năm sau, theo sau bởi một đợt hạn hán kéo dài. 

Giờ Trái Đất 2021: ‘Lên tiếng vì thiên nhiên’ - Ảnh 1
Tác động nghiêm trọng của BĐKH. (Ảnh: TTXVN)

Con theo đánh giá mới nhất về mối đe dọa trực tiếp của BĐKH với con người của đại diện tổ chức môi trường Germanwatch (Đức) cho biết, trong 2 thập kỷ qua gần 480.000 người đã thiệt mạng trong các thảm họa thiên tai liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các nước đang phát triển chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ lụt, lở đất, động đất, nắng nóng...

Thiệt hại của BĐKH sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Theo một báo cáo của Uỷ ban Giao dịch chứng khoán phái sinh của Hạ viện Mỹ đã cảnh báo về áp lực hiện tượng nóng lên toàn cầu đặt lên các doanh nghiệp nước này. Dòng vốn đầu tư trong nước Mỹ đang thay đổi hướng chảy theo xu thế chuyển từ những địa phương duyên hải tiềm tàng nhiều nguy hiểm vào sâu trong nội địa. Người dân nhiều nơi vì thế đã mất việc, còn triển vọng làm ăn của các doanh nghiệp địa phương tụt xuống sâu. Nếu Chính phủ Mỹ không có biện pháp kịp thời để trấn an các bên có liên quan, thì một loạt hậu quả còn tai hại hơn nữa sẽ còn xảy ra theo "cơn sốt" thoái vốn này.

Hãy hành động vì thiên nhiên

Lần đầu tiên, sự kiện Giờ Trái Đất được khai mạc tại thành phố Sydney (Australia) vào ngày 31/3/2007, với sự tham gia của 2,2 triệu người dân và 2.100 doanh nghiệp tại đây, sự kiện kéo dài 1 tiếng đồng hồ từ 19h30 đến 20h30.

"Giờ Trái Đất không phải chỉ dừng lại ở hành động tắt đèn, mà đây là chiến dịch trong đó tất cả mọi người trên thế giới cùng nhau đoàn kết và thể hiện họ có thể làm gì trong suốt cả năm để bảo vệ hành tinh", ông Andy Ridley, Giám đốc và là người sáng lập chiến dịch Giờ Trái Đất toàn cầu cho biết.

Theo đó, Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra báo cáo nhấn mạnh các rủi ro khi nhiệt độ tăng, và những giải pháp cấp bách môi trường. IPCC đánh giá và đưa ra kết luận rằng hơn 90% tác nhân gây ra biến đổi khí hậu ngày nay là do hoạt động của con người trong đó bao gồm các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại thành phố Sydney, đến nay Giờ Trái Đất đã trở thành một phong trào môi trường có quy mô lớn nhất thế giới, đạt được nhiều thành công hơn mong đợi. Đồng thời, sự kiện đã tạo nguồn cảm hứng và thúc đẩy các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và tổ chức trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ hành động vì biến đổi khí hậu và mất môi trường tự nhiên.

Cũng bắt đầu từ năm 2009, Việt Nam đã chính thức tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất. Trong 12 năm tham gia sự kiện, Việt Nam đã tiết kiệm được tổng cộng 5.273.000 kWh sản lượng điện.

Chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2021 được phát động với thông điệp “Speak up for Nature” – “Lên tiếng vì thiên nhiên” nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh, đặc biệt đối với đại dịch Covid-19.

Với thông điệp đó, chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 tập trung chủ yếu vào hai chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.

Thông điệp kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài. Từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đảm bảo mục tiêu mà Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã đặt ra. Đồng thời, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đạt mục tiêu không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên.

Giờ Trái Đất 2021: ‘Lên tiếng vì thiên nhiên’ - Ảnh 2
Poster Giờ Trái Đất 2021.

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 sẽ được tiến hành đồng loạt trên quy mô toàn cầu vào 20h30 ngày 27/3 và được phát động theo hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, một Tọa đàm với chủ đề về Giờ Trái Đất, dự kiến sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 lúc 20h ngày 27/3. Chương trình là diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các cá nhân sẽ chia sẻ những thách thức về môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt, kế hoạch hành động quốc gia và những kinh nghiệm quốc tế để giải quyết các vấn đề đó. Những mô hình thành công, những câu chuyện đổi thay được chia sẻ trong tọa đàm cũng hy vọng có thể truyền cảm hứng hành động tới công chúng.

Giờ Trái Đất năm 2021 không chỉ là một sự kiện mang tính biểu tượng, mà là thời điểm để hành động! Đã đến lúc chúng ta Lên tiếng vì Thiên nhiên - Thiên nhiên là Lá chắn, cho Chúng ta và cho Hành tinh của chính chúng ta.

Khẩu hiệu tuyên truyền Chiến dịch Giờ Trái Đất 2021:

- Lên tiếng vì thiên nhiên.

- Giảm phát thải, giảm rủi ro cho thiên nhiên.

- Chống biến đổi khí hậu và rác thải nhựa: trách nhiệm của tôi và bạn.

- Mỗi hành động giảm phát thải là thêm một bảo đảm cho thịnh vượng dài lâu.

- Tắt một bóng đèn là thêm một đốm sáng cho tương lai.

- Trồng một cây là thêm một lá phổi cho Trái Đất.

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Giờ Trái Đất 2021: ‘Lên tiếng vì thiên nhiên’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới