Thứ năm, 18/04/2024 11:53 (GMT+7)
Thứ năm, 28/05/2020 13:00 (GMT+7)

Giảm ô nhiễm không khí: Đâu là giải pháp cấp bách?

Theo dõi KTMT trên

Các Bộ, ngành, địa phương phải cùng chung tay vào cuộc để giảm tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị của Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Phải xác định rõ: Nguyên nhân nào, giải pháp đó!

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, khi chỉ đạo cuộc họp với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị Việt Nam, vào sáng ngày 27/5, tại Hà Nội.

Giảm ô nhiễm không khí: Đâu là giải pháp cấp bách? - Ảnh 1
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp sáng 27/5.

Ô nhiễm không khí vẫn gia tăng

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường không khí đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các Bộ, ngành đã xây dựng, triển khai một số quy định, quy chuẩn, lộ trình thực hiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng. Các địa phương cũng đã triển khai một số biện pháp để cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, đặc biệt, tại TP. Hà Nội và TP.HCM, trong một số ngày đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Theo phân tích của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt.

Giảm ô nhiễm không khí: Đâu là giải pháp cấp bách? - Ảnh 2
Hà Nội có những ngày chất lượng không khí ở ngưỡng kém, xấu. (Ảnh minh họa)

Đưa ra các giải pháp cấp bách

Nhằm tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn, Bộ TN&MT dự kiến đề xuất trong Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng các các giải pháp cấp bách.

Theo đó, đối với Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao cần kiểm kê, đánh giá các nguồn thải; nghiên cứu, đề xuất phương án hạn chế phương tiện giao thông từ các tỉnh đi vào thành phố trong các ngày ô nhiễm ở mức rất xấu, nguy hại; thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường.

Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao cần đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ điều kiện lưu hành; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô; trồng nhiều cây xanh; phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán…

Giảm ô nhiễm không khí: Đâu là giải pháp cấp bách? - Ảnh 3
Ông Lê Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường báo cáo dự thảo Chỉ thị.

Về trách nhiệm của các Bộ, ngành, đối với Bộ TN&MT, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, hoàn thành trong năm 2020; Chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí.

Bộ cũng chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải và chất lượng môi trường không khí tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông. Chủ trì xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện giao thông vận tải thân thiện môi trường; xây dựng và ban hành kế hoạch thu hồi, tái chế, xử lý thiết bị, ắc quy từ xe điện.

Đối với Bộ Giao thông vận tải cần tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông vận tải sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển phương tiện giao thông, xe điện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công ​cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn. Việc xây dựng các công trình giao thông trong đô thị phải có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, các tác động ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khi thực hiện; tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng và ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng; tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình xây dựng;

Bộ Y tế đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe, đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm (người già, trẻ em, học sinh…) trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức rất xấu, nguy hại.

Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản…

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, để kiểm soát ô nhiễm không khí; phải tiếp tục đầu tư các trạm quan trắc không khí, xác định rõ nguyên nhân, từ đó, đưa ra giải pháp phù hợp. Giải quyết ô nhiễm không khí cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân. Theo dự kiến, dự thảo Chỉ thị về của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục được chỉnh sửa hoàn thiện, lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan và sẽ được ban hành vào tháng 8/2020.

Theo các chuyên gia của Bộ TN&MT, để giảm ô nhiễm không khí, các thành phố lớn đóng vai trò rất quan trọng. Tại Hà Nội, TP.HCM, phải kiểm kê đánh giá được nguồn thải để xác định được đâu là giải pháp ưu tiên. Ngay tại Hà Nội, vẫn chưa chắc chắn được đâu là nguồn thải chính. Theo kinh nghiệm giảm ô nhiễm không khí của TP. Bắc Kinh (Trung Quốc), thành phố này đã đưa ra tiêu chuẩn phát thải khắt khe hơn tiêu chuẩn quốc gia; thành phố cũng đã đầu tư cho chuyển đổi từ đốt than sang công nghệ khác thân thiện với môi trường…Việt Nam cũng cần xây dựng tiêu chuẩn nhiên liệu cho xăng, dầu diezen; có lộ trình chuyển đổi các nhà máy sử dụng than, công nghệ cũ sang các công nghệ mới hiện đại hơn.

Tống Minh

Bạn đang đọc bài viết Giảm ô nhiễm không khí: Đâu là giải pháp cấp bách?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới