Thứ bảy, 20/04/2024 12:16 (GMT+7)
Thứ bảy, 05/03/2022 06:00 (GMT+7)

Giải pháp nào cho bài toán ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu?

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông sản ở các cửa khẩu dường như đã trở thành thông lệ "đến hẹn lại lên". Mặc dù đã được dự báo, song “điệp khúc” vẫn tái diễn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

Trước tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu xảy ra trong nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã từng mở ra không ít cuộc họp, cuộc làm việc để tìm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 121/VPCP-QHQT ngày 13/01/2022 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất thành lập nhóm công tác về thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp để xử lý các vấn đề liên quan đến xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quyết liệt chỉ đạo: Xuất khẩu nông sản là những vấn đề rất cơ bản, cần lộ trình để giải quyết với sự chia sẻ, chung tay của các bên và sự hợp tác quốc tế.

Xuất khẩu nông sản không thể "đường mòn lối mở" mãi, phải làm đến cùng, làm hết mình vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích chính đáng của chúng ta", Thủ tướng Chính Phủ nhấn mạnh.

Vì vậy việc giải quyết tận gốc vấn đề đầu vào – đầu ra cho nông sản sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế.

Giải pháp nào cho bài toán ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu? - Ảnh 1
Tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn tiếp tục tái diễn.

Còn nhiều vướng mắc trong quá trình thông quan

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 4/3, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: Trước đây đã có tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu, tuy nhiên tình hình lần này có điểm khác so với trước đây, đó là Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID". Việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến thông quan bị hạn chế rất nhiều.

Giải pháp nào cho bài toán ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu? - Ảnh 2
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.

Từ khi xảy ra vấn đề này, liên Bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ, những giải pháp này đều xuất phát từ thực tiễn. Từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này, như chúng ta thấy Thủ tướng đã có điện đàm với phía bạn, Bộ Công Thương, NN&PTNT cũng liên tục có điện đàm, các địa phương sát biên giới cũng tăng cường giao thiệp.

Có thể thấy việc thông quan chưa triệt để nhưng những nỗ lực này cũng đã có hiệu quả, cụ thể, từ ngày 25/1 đến nay, với những nỗ lực ngoại giao và việc điều tiết trong nước đã có 15 ngàn xe thông quan. Trước đây chỉ 7/13 cửa khẩu mở và thông quan hạn chế nhưng đến nay đã mở 13/13 cửa khẩu.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: Trước tình hình ùn tắc nông sản ở cửa khẩu biên giới đường bộ ở thời điểm cuối năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, NN&NPTNT, Tổng cục Hải quan, các cơ quan Trung ương và địa phương đã vào cuộc hết sức tích cực.

Với sự tích cực vào cuộc của các cơ quan Trung ương, địa phương và sự trao đổi tích cực với phía Trung Quốc, cơ bản hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, đến nay, việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía bắc.

Đến sáng nay (4/3), tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Vì vậy, Lạng Sơn đã tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3. Dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ.

Để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt là hàng nông sản, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn phải thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ. Trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ.

Đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.

Với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn. Thứ hai, về việc thiết lập "vùng xanh" để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hiện đã thiết lập và triển khai ở khu biên giới. Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của Việt Nam và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan.

Bên cạnh đó, triển khai tích cực, trong đó cả việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi lên cửa khẩu, tuy nhiên hàng ngày xe chở hàng vẫn lên Lạng Sơn bằng nhiều hình thức khác nhau.

"Chúng tôi đã thực hiện phương thức hạn chế tiếp xúc, tuy nhiên năng lực thông quan chưa được cải thiện trong khi hàng hóa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, tình trạng ùn tắc tôi nghĩ sẽ tiếp diễn trong thời gian tới", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Cần thay đổi tư duy sản xuất

Chia sẻ về vấn đề tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Bộ NNPTNT cùng Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức, hướng dẫn doanh nghiệp về thông tin thị trường nông sản các nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thờ ơ.

Giải pháp nào cho bài toán ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu? - Ảnh 3
Bộ trưởng Lê Minh Hoan. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Theo Bộ trưởng, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải năng động, tìm kiếm những thông tin thị trường, trong đó có quy định cụ thể đối với từng loại thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Trung Quốc đã chuyển từ thị trường dễ tính sang khó tính từ lâu rồi. Họ đã thông báo cho mình, chứ không phải đột ngột. Doanh nghiệp là người dẫn dắt nông dân sản xuất, bởi doanh nghiệp mua như thế nào thì người dân sản xuất như thế đó.

Doanh nghiệp thấy thị trường Trung Quốc đã trở thành thị trường khó tính. Tầng lớp trung lưu nhiều, nhu cầu nông sản không như ngày xưa nữa thì chính doanh nghiệp sẽ dẫn dắt người nông dân sản xuất. Ở đây có câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đang "dễ dãi với chính mình".

Đối với doanh nghiệp, có thể chấp nhận ùn ứ một chuyến hàng này ở cửa khẩu, nhưng đến chuyến sau lại có lãi và lấy lại được, dù điều này cũng khó khăn chứ không dễ dàng gì. Nhưng đối với bà con nông dân, không bán được hàng là gần như mất trắng. Bởi bà con chỉ có bấy nhiêu đó thôi.

"Nếu tư duy cách sản xuất như vậy thì không thể thay đổi ngày một ngày hai. Và nếu cơ quan Nhà nước đi kiểm tra chất lượng thì việc cũng đã rồi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ và nhấn mạnh: Vai trò của hiệp hội ngành hàng là vô cũng quan trọng trong nền kinh tế thị trường.

Theo ông, Nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì. Đây là vai trò của hiệp hội, ngành hàng. Các hiệp hội, ngành hàng thông qua các thành viên của mình để dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường.

Chuyển đổi xuất khẩu chính ngạch

Về vấn đề chuyển đổi sang phương thức chính ngạch, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ băn khoăn và cho rằng đây là vấn đề lớn và cần thời gian dài mới có thể làm được.

Theo ông, mỗi phương thức hoạt động, mỗi phương thức kinh doanh tiểu ngạch, chính ngạch có đối tượng riêng.

Nếu chúng ta bỏ tiểu ngạch, chuyển hết tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ là một vấn đề. Chính ngạch có khách hàng của chính ngạch, có vị trí, địa điểm nhận hàng, phương thức thanh toán rồi các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường chính ngạch rất khó khăn.

Giải pháp nào cho bài toán ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu? - Ảnh 4
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Không phủ nhận trao đổi mậu dịch tiểu ngạch góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua.

Đến giờ lợi ích đó còn nên doanh nghiệp sẽ vẫn theo đuổi trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, thời gian qua người xuất khẩu cũng gặp nhiều rủi ro khi mang hàng sang bên kia bên giới.

Nếu bán hàng theo hợp đồng sẽ hạn chế rủi ro, nhưng đôi khi bán tiểu ngạch thì dễ hơn.

Về lâu dài, doanh nghiệp cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn. Cần thúc đẩy xu hướng này.

Hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương giáp biên, muốn duy trì kim ngạch lớn hơn, cần đẩy mạnh đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch, để hàng nông sản vào sâu hơn nội địa Trung Quốc.

Ông Mai Xuân Thành cho rằng, tiềm năng nông sản Việt Nam còn nhiều, các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp cần có thêm các giải pháp để hỗ trợ các thành viên của mình.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào cho bài toán ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới