Ùn ứ cửa khẩu tiếp diễn, Lạng Sơn quyết định dừng tiếp xe hoa quả tươi đến 5/3
Trước tình trạng ùn ứ cửa khẩu vẫn tiếp tục tiếp diễn, Lạng Sơn thông báo sẽ kéo dài thời hạn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đến hết ngày 5/3.
Ngày 22/2, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành văn bản về việc tiếp tục tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến các cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Cụ thể, Sở Công Thương Lạng Sơn cho rằng, dù ngày 12/2, đơn vị này đã ban hành văn bản về việc tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu, thời gian thực hiện từ ngày 16 đến hết ngày 25/2.
Quá trình triển khai thực hiện nội dung trên, dù lực lượng tại các chốt được bố trí đầy đủ, duy trì trực và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, tuy nhiên hàng ngày vẫn phát sinh khoảng 50 xe chở hoa quả vào tỉnh Lạng Sơn với lý do để tiêu thụ nội địa hoặc đưa lên cửa khẩu tỉnh Cao Bằng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trên thực tế, những phương tiện này lại đỗ quanh khu vực thành phố Lạng Sơn để chờ lên cửa khẩu xuất khẩu, gây khó khăn cho công tác quản lý, đảm bảo ATGT cũng như việc thực hiện chủ trương của tỉnh để tập trung giải quyết ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.
Theo quy định, hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc phải thực hiện kiểm hóa 100% nên hiệu suất thông quan vẫn rất thấp, trung bình chỉ giải phóng được khoảng 90-100 xe xuất/ngày.
Đến sáng 21/2, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại các khu vực cửa khẩu là 1.966 xe, trong đó 1.509 xe chở hoa quả tươi (chiếm gần 80% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu); khoảng 400 phương tiện chở hoa quả tươi đang dừng đỗ tại các bến, bãi nhỏ quanh thành phố Lạng Sơn, các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc.
Với hiệu suất thông quan chưa tăng thêm và duy trì như hiện tại, trong điều kiện không có xe hoa quả mới từ nội địa lên, để xuất khẩu lượng hoa quả còn đang tồn sẽ cần khoảng 15-17 ngày.
Do vậy, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn thông báo: Kéo dài thời hạn tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc đến hết ngày 5/3.
Đối với các phương tiện chở hoa quả tươi vào tỉnh Lạng Sơn đã cam kết tiêu thụ nội địa (tại tỉnh Lạng Sơn) hoặc đi các tỉnh khác sẽ không được tiếp nhận vào cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu trong thời gian tạm dừng tiếp nhận theo thông báo của tỉnh.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, hiện nay, 4 cửa khẩu trên địa bàn vẫn đang tích cực hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu.
Tuy nhiên, do phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như tăng cường xét nghiệm, phun khử khuẩn hàng hóa và phương tiện, phương thức giao nhận hạn chế tiếp xúc giữa hai bên; đồng thời hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc phải thực hiện kiểm hóa 100%... nên hiệu suất thông quan vẫn rất thấp. Trung bình chỉ giải phóng được khoảng 90-100 xe xuất/ngày.
Cụ thể, trung bình tại cửa khẩu Hữu Nghị xuất 60-70 xe/ngày, cửa khẩu Tân Thanh 30-40 xe/ngày. Đến ngày 21/2, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại các khu vực cửa khẩu là 1.966 xe; trong đó có 1.509 xe chở hoa quả tươi, chiếm gần 80% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu; khoảng 400 phương tiện chở hoa quả tươi đang dừng đỗ tại tại các bến, bãi nhỏ quanh thành phố Lạng Sơn, các huyện Văn Lãng, Cao Lộc.
Với hiệu suất thông quan chưa tăng thêm và duy trì như hiện tại, trong điều kiện không có xe hoa quả mới từ nội địa
Cần nhìn lại chất lượng sản phẩm hàng hóa
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, hiện nay thị trường Trung Quốc đang thay đổi với các yêu cầu ngày càng cao đối với các loại hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thực phẩm, đòi hỏi cơ quan quản lý và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời.
“Bộ Công Thương thời gian qua đã liên tục tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin thị trường và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp”, bà Oanh cho hay.
Đồng quan điểm này khi nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, hàng hóa, nhất là nông sản dù đi đường bộ, đường biển, đường sắt hay hàng không đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc... “Chính những quy định như vậy sẽ buộc doanh nghiệp của Việt Nam phải làm ăn quy củ hơn, ngay từ khâu sản xuất, thương mại cho đến logistics”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các Bộ, ngành đưa ra thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương, thương lái, doanh nghiệp làm sao có thể chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xóa bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.
“Về lâu dài cũng cần tăng cường chế biến sau thu hoạch nhằm đem lại những sản phẩm nông sản có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy, vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua”, ông Hải khuyến cáo.
Hà Lan (T/h)