Thứ năm, 28/03/2024 16:44 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/08/2022 07:00 (GMT+7)

Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 2]: Hiện trạng và nhu cầu

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam là nước đang phát triển, do vậy, nhu cầu năng lượng sơ cấp (trong đó có than) thời gian tới dự kiến tiếp tục tăng cao đạt đỉnh vào giai đoạn 2030 - 2035, sau đó sẽ giảm dần do nhiều nhà máy điện than sẽ dừng hoạt động vào giai đoạn sau năm 2035.

KỲ 2: HIỆN TRẠNG GIÁ THAN VÀ DỰ BÁO NHU CẦU THAN CỦA VIỆT NAM

Thực trạng giá than Việt Nam:

Giai đoạn từ năm 2011 - 2014:

Theo quy định của Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10: Than là hàng hóa, dịch vụ thuộc diện đăng ký giá. Theo đó, giá bán than được vận hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, giá bán than cho các hộ trọng điểm (điện, xi măng, phân bón, hóa chất, giấy) do Bộ Tài chính quy định.

Giai đoạn từ 2014 đến nay:

- Từ năm 2014 đến nay, theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 và Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CPL: Than là hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá. Theo đó, căn cứ tình hình thị trường và kế hoạch sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCTĐB) xây dựng phương án giá bán, kê khai với Bộ Tài chính và ban hành giá bán áp dụng cho các hộ tiêu thụ trong nước, đồng thời gửi các bộ, ngành liên quan để theo dõi, phối hợp thực hiện.

- Từ năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 455/VPCP-KTTH ngày 17/3/2016 của Văn phòng Chính phủ về giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước, giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước (bao gồm cả giá than bán cho sản xuất điện) thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Đánh giá tình hình thực hiện:

Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng giá than toàn ngành có thể lấy giá than của TKV làm đại diện (do than sản xuất và tiêu thụ của TKV chiếm trên 90% của toàn ngành). Chi tiết giá bán than và giá thành tiêu thụ than của TKV giai đoạn 2011 - 2020 nêu tại hình 1.

Trong giai đoạn này, giá bán than trong nước một số năm (2016, 2017, 2018) thấp hơn giá thành tiêu thụ than, tuy nhiên, giá bán bình quân (giá bán than trong nước, giá bán than xuất khẩu) cao hơn giá thành than tiêu thụ. Do vậy, đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế và có lợi nhuận hợp lý.

Hình 1: Giá thành tiêu thụ và giá bán than của TKV giai đoạn 2011 - 2020:

Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 2]: Hiện trạng và nhu cầu - Ảnh 1
(Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất của TKV)

Cùng với sự gia tăng của giá thành tiêu thụ, giá than trong nước cũng tăng theo với tốc độ tăng bình quân 3,7%/năm. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng giá bán nội địa bình quân trong giai đoạn này thấp hơn tỷ lệ lạm phát bình quân (5,49%), gây khó khăn trong việc tích luỹ vốn của doanh nghiệp.

Giá than xuất khẩu bình quân từ năm 2015 tăng cao so với các năm trước là do từ năm 2015 ngành than chỉ xuất khẩu các loại than chất lượng cao (trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần làm tăng giá bán than bình quân toàn bộ cao hơn giá thành.

Sản lượng than khai thác nội địa và nhập khẩu của Việt Nam.

Sản lượng than khai thác nội địa giai đoạn 2011 - 2021 được nêu ở bảng 3.

Bảng 3. Sản lượng than khai thác nội địa giai đoạn 2011 - 2021:

Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 2]: Hiện trạng và nhu cầu - Ảnh 2
Đơn vị tính: Triệu tấn. (Nguồn: Báo cáo tổng hợp của TKV và TCTDB)

Như vậy, sản lượng than nguyên khai sau thời gian suy giảm trong giai đoạn 2011 - 2016 từ năm 2017 lại tăng lên. Sản lượng than thành phẩm tuy có cùng xu hướng đó nhưng bất ổn hơn.

Sản lượng than nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 xem bảng 4.

Bảng 4: Sản lượng và giá trị than nhập khẩu về Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020:

Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 2]: Hiện trạng và nhu cầu - Ảnh 3
Nguồn: Cục CNTT và Thống kê Hải quan - Tổng cục Hải quan.

Qua bảng trên cho thấy: Sản lượng than nhập khẩu đã tăng cao, từ 6,93 triệu tấn năm 2015 lên 54,81 triệu tấn năm 2020, trong đó năm 2020 nhập khẩu chủ yếu từ các nước (triệu tấn): Úc 20,34; In-đô-nê-xi-a 16,85; Nga, Nam Phi và khác 17,36. Than nhập khẩu chủ yếu phục vụ sản xuất điện.

Dự báo nhu cầu than của Việt Nam:

Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, nhu cầu tiêu thụ năng lượng nói chung và tiêu thụ than nói riêng suy giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát và nền kinh tế thế giới dần phục hồi, nhu cầu tiêu thụ than toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng tăng cao so với năm 2021. Dự báo trong những năm tới nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện sẽ tăng cao.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức công bố cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do vậy, để đảm bảo cam kết nêu trên của Việt Nam tại COP26, lộ trình phát triển các ngành năng lượng (điện, than, dầu khí...) cần được điều chỉnh phù hợp để đảm bảo đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam là nước đang phát triển, do vậy, nhu cầu năng lượng sơ cấp (trong đó có than) trong thời gian tới dự kiến tiếp tục tăng cao đạt đỉnh vào giai đoạn năm 2030 - 2035, sau đó sẽ giảm dần do nhiều nhà máy điện than sẽ dừng hoạt động vào giai đoạn sau năm 2035. Phù hợp với lộ trình phát triển ngành năng lượng, dự báo nhu cầu sử dụng than của Việt Nam sẽ khoảng 94 - 97 triệu tấn vào năm 2025 và tăng lên đạt đỉnh khoảng 124 - 127 triệu tấn vào năm 2030; đến năm 2045 nhu cầu than giảm còn khoảng 73 - 76 triệu tấn, trong đó nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2025: Khoảng 63 triệu tấn, năm 2030 khoảng 92 triệu tấn, năm 2035 khoảng 84 triệu tấn, năm 2040 khoảng gần 73 triệu tấn và năm 2045 khoảng 43 triệu tấn [1].

Dự kiến sản lượng than khai thác nội địa giai đoạn đến năm 2045:

Trên cơ sở tài nguyên và trữ lượng than, điều kiện địa chất và công nghệ khai thác các mỏ than, dự kiến khả năng huy động than (nguyên khai) tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đạt từ 48-55 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 43-48 triệu tấn than thương phẩm/năm), sau đó giảm dần còn khoảng 51-52 triệu tấn (tương đương khoảng gần 45-47 triệu tấn than thương phẩm) vào giai đoạn năm 2035-2045.

Kế thừa kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, ngoài việc nỗ lực đáp ứng nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ trong nước, ngành than Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, sử dụng than theo hướng giảm phát thải, đảm bảo an toàn môi trường, góp phần phát triển ngành than bền vững.

Nhu cầu nhập khẩu than trong giai đoạn đến năm 2045:

Theo dự báo, nhu cầu than (bao gồm nhu cầu sử dụng than trong nước, xuất khẩu, dự phòng, dự trữ) ngày càng tăng cao như đã nêu trên, trong khi đó, than sản xuất trong nước (trừ than bùn được sản xuất và tiêu thụ trực tiếp tại địa phương) chỉ duy trì khoảng 45 - 46 triệu tấn/năm trong giai đoạn đến năm 2035 và giảm dần còn khoảng 42 - 44 triệu tấn vào năm 2045. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất của các ngành kinh tế trong nước, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 50 - 83 triệu tấn vào giai đoạn năm 2025 - 2035 và giảm dần còn khoảng 32 - 35 triệu tấn vào năm 2045 (trong đó chủ yếu phục vụ cho sản xuất điện).

(Đón đọc kỳ tới...)

PGS.TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

Tài liệu tham khảo

1. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo tháng 6/2022).

2. Phạm Minh: https://markettimes.vn/gia-than-the-gioi-xo-do-moi-ky-luc-than-trong-nuoc-van-on-dinh-2347.html (Giá than thế giới “xô đổ" mọi kỷ lục, than trong nước vẫn ổn định).

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Giá than đối với ngành than, nhiệt điện than Việt Nam [Kỳ 2]: Hiện trạng và nhu cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cùng VPBank khám phá lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France
Từ ngày 5 đến 7/4/2024, lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra tại công viên Thống Nhất. Lễ hội với quy mô tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, nhằm quảng bá ẩm thực Pháp và Thế vận hội Mùa hè Paris 2024.