Thứ bảy, 23/11/2024 08:19 (GMT+7)
Thứ năm, 24/11/2022 07:10 (GMT+7)

Giá nhiên liệu tác động lên điện: Cập nhật một số thông tin quốc tế và Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Giá điện châu Âu đã tăng vọt lên mức kỷ lục mới vào thời điểm cuối tháng 8/2022, báo trước một mùa đông khắc nghiệt khi cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra thiệt hại kinh tế trên khắp lục địa. Và Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Vào tháng 8/2022, hợp đồng mua điện năm tới ký trước (the year-ahead contract) của Đức đạt tới 995 Euro mỗi MWh (tương đương 0,995 USD/kWh) trong khi hợp đồng tương tự của Pháp vượt qua 1.100 Euro (1,1 USD/kWh) - mức tăng hơn 10 lần ở cả hai nước so với năm ngoái.

Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem cho biết họ đã tăng trần giá điện và khí đốt gần gấp đôi từ ngày 1/10 lên mức trung bình 3.549 bảng Anh (tương đương 4.197 USD) mỗi năm. Ofgem cho rằng: Sự gia tăng này là do giá khí đốt bán buôn toàn cầu tăng đột biến sau khi dỡ bỏ các hạn chế của Covid-19 và việc Nga hạn chế nguồn cung kèm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

Cộng hòa Séc - quốc gia giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu cho biết: Cần triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng năng lượng của EU sớm nhất có thể.

Giá năng lượng đã tăng vọt ở châu Âu khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho lục địa này, với lo ngại về việc cắt giảm mạnh hơn vào mùa đông trong bối cảnh căng thẳng về cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Khoảng 20% sản lượng điện của châu Âu được tạo ra bởi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, do đó, nguồn cung giảm chắc chắn sẽ dẫn đến giá cao hơn. Giá khí đốt châu Âu vào cuối tuần qua đạt 341 Euro mỗi MWh - gần mức cao nhất mọi thời đại là 345 Euro mà nó đã đạt vào tháng 3 năm nay.

Chiến tranh không phải là nguyên nhân duy nhất gây tăng giá đột biến ở Pháp:

Việc một số lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động do vấn đề ăn mòn đã góp phần làm tăng giá điện của Pháp khi sản lượng điện của nước này giảm mạnh. Hiện chỉ có 24 trong số 56 lò phản ứng hạt nhân của Tập đoàn Năng lượng EDF vận hành. Pháp là nước có truyền thống xuất khẩu điện, hiện nay lại trở thành nước nhập khẩu điện.

Ông Giovanni Sgaravatti - trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels phát biểu với AFP: “Mùa đông sẽ là một giai đoạn khó khăn đối với tất cả các quốc gia ở châu Âu. Giá sẽ vẫn ở mức cao, thậm chí có thể tăng cao hơn”.

Suy thoái “có lẽ không thể tránh khỏi”:

Một nghiên cứu của Bruegel cho thấy: Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã phân bổ 236 tỷ euro (từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2022) để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi giá năng lượng tăng cao, vốn đã bắt đầu tăng khi các quốc gia thoát khỏi các hạn chế của Covid-19 và tăng vọt sau cuộc xung đột tại Ukraina.

Trong những ngày gần đây, nhiều quốc gia châu Âu đã công bố các chiến dịch tiết kiệm năng lượng để khuyến khích người dân giảm mức tiêu thụ điện năng trong mùa đông.

Nước Đức đã công bố rằng: Nhiệt độ của các văn phòng hành chính công trong mùa đông này sẽ được giới hạn ở mức 19 độ C trong khi nước nóng sẽ bị tắt. Các biện pháp của Đức cũng bao gồm lệnh cấm sưởi ấm các bể bơi tư nhân từ tháng 9/2022 và trong vòng 6 tháng kể từ khi quy định có hiệu lực.

Phần Lan đang khuyến khích công dân của mình giảm nhiệt độ nước nóng, tắm trong thời gian ngắn hơn và dành ít thời gian hơn trong phòng tắm hơi - một truyền thống quốc gia này.

Còn các hộ gia đình tại Pháp được bảo vệ bởi mức trần giá năng lượng cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Các ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao. Các nhà máy sản xuất amoniac - một thành phần để sản xuất phân bón đã thông báo tạm dừng hoạt động tại Ba Lan, Ý, Hungary và Na Uy trong tuần này.

Ngân hàng HSBC cảnh báo rằng: “Suy thoái kinh tế có lẽ khó tránh khỏi ở khu vực đồng Euro, với nền kinh tế bị thu hẹp trong quý 4 năm nay và quý 1 năm 2023”.

Ảnh hưởng tới Việt Nam:

Giá than nhiệt nhập khẩu cung cấp cho nhà máy điện Việt Nam đã bắt đầu tăng từ cuối năm 2021, trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraina nổ ra. Giá than nhiệt lượng 5.000 kCal đạt 160 USD/tấn vào tháng 9/2021 rồi sau đó vượt 200 USD/tấn và giữ ở mức cao cho đến thời điểm này, tuy nhiên than nhập khẩu vẫn khó khăn cung ứng cho phát điện. Trong khi đó, năm 2022 dù đã tăng sản lượng điện từ thuỷ điện, năng lượng tái tạo (tính đến hết tháng 10, sản lượng điện từ thuỷ điện chiếm tỷ trọng 36,5%, từ NLTT chiếm 13,2%) và giảm sản lượng nhiệt điện than so với 2021, tuy nhiên vẫn khoảng 40% sản lượng điện của Việt Nam là từ nhiệt điện than.

Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo cũng có mức giá cao ngang với giá bán lẻ, nên việc tăng sản lượng NLTT với tỉ lệ 13,2% trong tổng sản lượng điện, chúng cũng đóng góp thêm cho khó khăn tài chính của EVN.

Chính phủ đã điều hành giá than trong nước bán cho các nhà máy điện, nhưng với khoảng gần một nửa lượng than cho điện vẫn cần phải nhập khẩu, điều đó không đủ để giảm giá mua buôn điện thấp hơn mức giá bán lẻ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phải giữ nguyên.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, tuy EVN có doanh thu bán hàng vượt cùng kỳ năm trước (đạt 221.231 tỉ đồng), nhưng vẫn lỗ. Kết quả hoạt động kinh doanh nếu trừ đi chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, EVN ghi nhận lỗ 12.767 tỉ đồng và lỗ sau thuế là 16.586 tỉ đồng.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nguồn: https://www.france24.com/en/economy/20220826-europe-s-electricity-prices-hit-record-high-as-supply-cuts-begin-to-bite

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Giá nhiên liệu tác động lên điện: Cập nhật một số thông tin quốc tế và Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới