Thứ ba, 19/03/2024 13:21 (GMT+7)
Thứ năm, 11/08/2022 07:00 (GMT+7)

Tại sao nước Đức vẫn phải duy trì các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch?

Theo dõi KTMT trên

Câu hỏi trên con đường tiến đến phát thải - Net Zero luôn là bao nhiêu công suất năng lượng tái tạo thì đủ điện? Tại sao với công suất đặt NLTT rất lớn (vượt 1,76 lần so với nhu cầu), nước Đức vẫn cần điện hạt nhân, than và đặc biệt là khí đốt của Nga?

Nếu nhìn vào công suất lắp đặt của nước Đức hiện tại, ta thấy tỷ lệ năng lượng tái tạo (NLTT) cao vào loại nhất thế giới. Cộng các nguồn NLTT bao gồm thủy điện (chưa tính thủy điện tích năng), sinh khối, gió, mặt trời, nước Đức đã có 141 GW, trong khi nhu cầu điện tối đa chỉ có 80 GW. Vậy là công suất đặt của NLTT ở Đức vượt 1,76 lần so với nhu cầu, hay gọi là có 76% dự trữ. May là phụ tải đỉnh ở Đức xảy ra vào giữa trưa - tức là khi điện mặt trời phát được tối đa công suất. Hệ thống điện của Đức kết nối rất tốt với toàn bộ châu Âu. Vậy thì còn thiếu gì nữa mà vẫn phải cần đến điện hạt nhân, than, khí và cả dầu?

Bảng công suất đặt các nguồn điện ở Đức:

Tại sao nước Đức vẫn phải duy trì các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch? - Ảnh 1
Nguồn: Energy-charts.info và www-genesis.destatis.de.

Nhưng nếu nhìn vào cơ cấu sản lượng điện năm 2021 của nước Đức ta thấy điện từ NLTT, bao gồm cả thủy điện, chỉ đáp ứng được 45,7% nhu cầu điện. Phần còn lại là sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch (than, khí, dầu), 41,1% và năng lượng hạt nhân, 13,2%.

Tại sao nước Đức vẫn phải duy trì các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch? - Ảnh 2
Cơ cấu sản lượng điện của nước Đức năm 2021. Nguồn: energy-charts.info.

Đó là do bản chất của điện gió và mặt trời. Ta hãy xem một tuần gần đây (từ 11/7 đến 18/7/2022). Trong tuần đó, lúc đỉnh điểm trưa ngày 17/7 điện mặt trời phát được 40,16 GW, bằng 65% công suất đặt. Nhưng chỉ là thời điểm ngắn ngủi, trước đó và sau đó, dù mùa hè nước Đức có ánh sáng đến 10 giờ tối, công suất điện mặt trời cũng tụt giảm nhanh chóng. Ngày kém nhất trong tuần, 11/7, đỉnh công suất điện mặt trời đạt 25,39 GW, bằng 41% công suất đặt. Sau 9 giờ tối tất nhiên là công suất phát bằng 0.

Tại sao nước Đức vẫn phải duy trì các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch? - Ảnh 3
Sản lượng điện gió và mặt trởi ở Đức trong tuần 28 năm 2022. (Nguồn energy-charts.info)

Gió có kiểu thất thường khác, lúc cao nhất là 7 giờ tối ngày 14/7 công suất điện gió đạt đỉnh của tuần, đạt 21,40 GW cả trên bờ và ngoài khơi - tức là thời điểm cao nhất gió cũng chỉ đạt 33% công suất đặt. Thời điểm lặng gió nhất, 8 giờ sáng ngày 12 tháng 7 công suất điện gió chỉ đạt 1,37 GW, tương đương 2% công suất đặt. Chưa hết, trong suốt hai ngày 11 và 12/7, công suất điện gió chỉ đạt trung bình 4 GW, tức là 6% công suất đặt.

Một lý do nữa khiến cho điện gió không bao giờ được phát hết công suất là hệ thống cần duy trì 15-20 GW công suất chạy nền ổn định. Phần chạy nền do điện hạt nhân, sinh khối, thủy điện (chủ yếu loại dòng chảy), một phần nhiệt điện than nâu và than đá đảm nhận. Chỉ còn 40-60 GW cho các nguồn biến thiên, trong khi tổng công suất đặt của điện gió và mặt trời là 126 GW, hơn gấp đôi nhu cầu. Nếu vào thời điểm hiếm hoi nào đó, điện gió và mặt trời phát được hết công suất thì điều độ không cần sử dụng thủy điện tích năng.

Cùng là năng lượng tái tạo, thủy điện và sinh khối cấp điện ổn định hơn nhiều so với gió và mặt trời. Nhưng công suất của chúng ở Đức quá nhỏ để có thể bù lại được cho điện mặt trời vào buổi đêm. Công suất thủy điện tích năng của Đức rất đáng nể, nhưng cũng chỉ bù được một thời gian ngắn trong ngày, không thể gánh việc thiếu hụt điện gió liền trong hai ngày được.

Chính vì sự thất thường của gió và mặt trời nên dù công suất đặt của hai loại này cao hơn nhiều so với nhu cầu, Đức vẫn phải duy trì các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch. Và năng lượng hóa thạch ở Đức cung cấp sản lượng điện không kém so với NLTT. Đặc biệt là điện khí có độ linh hoạt cao nên phải cáng đáng bù cho NLTT. Năm 2021 điện khí đóng góp 10,4% sản lượng điện của nước Đức. Điện than của nước Đức cũng phải vận dụng hết độ linh hoạt công suất để bù cho NLTT.

May là nước Đức còn có điện hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân xây từ những năm 1980 đến nay vẫn phát điện trong khi nhiều nhà máy khác đã bị đóng cửa. Nếu không có điện hạt nhân, nước Đức đã phải dùng nhiều điện từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó có khí đốt, hơn là từ NLTT.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Tại sao nước Đức vẫn phải duy trì các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới

Quảng Nam: Thu hút hơn 20.000 tỉ đồng đầu tư 16 dự án
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thoả thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án.
Xem xét nới thời gian đăng kiểm xe ô tô cá nhân
Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định vào thời điểm phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật cho phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho chủ phương tiện.
Pu Ta Leng - Vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Tây Bắc
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng (Tam Đường, Lai Châu) nổi tiếng trong giới mê leo núi là một trong những đỉnh khó chinh phục bậc nhất với vẻ đẹp hoang sơ, kì vĩ. Quyết tâm chinh phục chúng tôi mới hiểu vì sao ngọn núi này hấp dẫn đến vậy.