Dệt may và EVFTA: Doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ dễ rủi ro cả ngành
EU là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam. Nhờ hiệp định EVFTA, Việt Nam có thể thoát khỏi việc bị đánh thuế 9,6% lên hàng may mặc và sẽ theo lộ trình 7 năm để giảm về gần như bằng 0. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay đang rất lớn.
"EVFTA đã đánh trúng vào điểm yếu của ngành may mặc Việt Nam. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu may mặc đạt 36 tỉ USD nhưng chúng ta tốn mất 13 tỉ USD tiền nhập khẩu vải" - Ông Nguyễn Trọng Phi nhận định. |
Hai điều khoản làm khó dệt may Việt dễ nhận ra nhất, đó là: Sản phẩm muốn được nằm trong danh sách ưu đãi về thuế thì phải thoả mãn đồng thời hai điều kiện: (1) Phải có vải sản xuất tại Việt Nam hoặc EU và (2) được sản xuất, hoàn thiện tại Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Tập đoàn Giovanni Group.
PV: Thưa ông, với bề dày kinh nghiệm kinh doanh trong ngành dệt may và da giày, ông có nhận xét gì về tác động của EVFTA tới ngành may mặc của Việt Nam?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Tôi cho rằng EVFTA đã đánh trúng vào điểm yếu của ngành may mặc Việt Nam bởi sản xuất nguyên phụ liệu ngành may chưa bao giờ là thế mạnh của chúng ta.
Có một điều khoản về xuất xứ linh hoạt được áp dụng, đó là nếu Việt Nam không có đủ nguồn vải tự sản xuất thì có thể nhập khẩu vải từ một nước thứ ba đã có FTA với EU, mà cụ thể ở đây là Hàn Quốc, và sau đó là Nhật Bản. Tuy nhiên, nó cũng sẽ mất đi tính chủ động trong sản xuất của Việt Nam, và giá vải từ hai nước này không hề rẻ, gây suy giảm sức cạnh tranh của sản phẩm từ Việt Nam.
Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên hiện trạng thì EVFTA sẽ chỉ có lợi cho doanh nghiệp từ EU chứ phía Việt Nam chưa thể tận dụng tối đa được lợi thế từ Hiệp định này.
PV: Theo EVFTA, phía EU cho phép quốc gia xuất khẩu tự chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. Điều này liệu có tạo kẽ hở cho các hiện tượng khai báo không đúng sự thật không thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phi: EVFTA đề cao tính minh bạch và trung thực. Nếu phía EU phát hiện doanh nghiệp Việt Nam có hành vi cố tình gian dối hoặc vô tình gian dối về nguồn gốc hàng hóa, nguyên phụ liệu thì cả ngành may mặc sẽ phải chịu những chế tài trừng phạt từ EU theo đúng thỏa thuận.
Và hành vi sai phạm này không nhất thiết phải xảy ra vào thời điểm hiện tại, EU có thể truy ngược lại những đơn hàng trong quá khứ để xác minh nguồn gốc và họ vẫn có thể trừng phạt như thường.
Nếu các doanh nghiêp dệt may Việt Nam hoạt động đơn lẻ rồi đi theo lợi ích cá nhân, thì không chỉ gặp khó khăn khi tham gia vào thị trường EU mà còn tạo ra rủi ro cho cả ngành may mặc của Việt Nam.
Theo tôi, các hiệp hội cần hỗ trợ hội viên về cách thức tham gia EVFTA sao cho tối đa hóa lợi ích nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch, trung thực, nhằm không để rủi ro "con sâu làm rầu nồi canh", bởi EVFTA không phải câu chuyện của một doanh nghiệp mà phải cả của một ngành.
Chủ tịch Giovanni, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Túi xách và Da giày Việt Nam cho rằng: "Nếu các doanh nghiêp dệt may Việt Nam hoạt động đơn lẻ, đi theo lợi ích cá nhân thì không chỉ gặp khó khăn khi tham gia vào thị trường EU mà còn tạo ra rủi ro cho cả ngành may mặc của Việt Nam". |
PV: Giovanni Group cũng hoạt động trong ngành may mặc, da giày được hơn 13 năm nay, công ty có dự định gì để đón đầu EVFTA không thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Giovanni Group nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu, thành phẩm từ EU mà cụ thể là từ các nước Tây Âu. Chúng tôi nhập vải, da nguyên liệu từ Ý, chỉ khâu, keo dán từ Đức với giá rất cao nhưng chúng tôi xưa nay vẫn chấp nhận quyết tâm muốn sản xuất cho thị trường Việt Nam những sản phẩm cao cấp, xa xỉ ngang ngửa với Châu Âu.
Khi EVFTA có hiệu lực, Giovanni Group sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế, khi chúng tôi nhập khẩu các nguyên phụ liệu, thành phẩm từ EU, mà chủ yếu là từ Ý.
Với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, EVFTA sẽ tạo cơ hội lớn để chúng ta chuyển đổi mô hình kinh doanh từ gia công cho các thương hiệu quốc tế sang tự sản xuất, sản xuất OEM, ODM và đỉnh cao là OBM.
Giovanni Group có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác là ngay từ đầu, chúng tôi xác định làm OBM nên chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội EVFTA này để xuất khẩu ngược lại thị trường EU.
PV: Ông có đề xuất gì với các nhà quản lý vĩ mô nhằm giúp ích cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia EVFTA được không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Phi: Nói riêng về ngành dệt may - da giày, các dự án dệt nhuộm thường vướng phải những quan ngại về vấn đề môi trường bởi định kiến rằng nước thải, chất thải từ khâu dệt, nhuộm rất độc hại.
Việt Nam cần chủ động nhập khẩu công nghệ dệt, nhuộm không phát sinh nước thải công nghiệp và làm chủ được các công nghệ này.
Hơn nữa, các nhà máy dệt, nhuộm vải cần được quy hoạch thành những khu công nghiệp lớn thay vì phát triển nhỏ lẻ, hướng tới Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng các nguyên phụ liệu cao cấp cho thế giới hoặc ít nhất là những nước có FTA với EU.
Việt Nam hiện nay rất hiếm các hội chợ về nguyên phụ liệu cho may mặc, da giày. Chúng ta cần khu triển lãm tầm vóc quốc tế và các khu thương mại mua bán nguyên phụ liệu, để các nhà cung ứng và các nhà sản xuất dễ dàng kết nối nhau, khiến ngành may mặc của Việt Nam liên kết hiệu quả và chặt chẽ...
Nói chung, việc cần làm thì nhiều nhưng gỡ xong dứt điểm từng phần, tôi nghĩ tương lai của ngành có thể lạc quan được.
PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.