COP27 là cơ hội cuối cùng cho các hành động vì khí hậu trên toàn thế giới
Hội nghị khí hậu toàn cầu năm 2022 (COP27) được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là hy vọng cuối cùng để bắt đầu triển khai hành động khí hậu trên thực tế.
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra với một chương trình nghị sự dày đặc và một loạt nhiệm vụ quan trọng nhưng hết sức khó khăn.
Do đó, Hội nghị khí hậu toàn cầu năm nay được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước nghèo và nâng tham vọng hành động khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.
Tại phiên thảo luận với chủ đề “Tuyên bố Thanh niên Toàn cầu COP27”, nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập đồng thời là Ðặc phái viên của Liên hợp quốc về cung cấp tài chính cho phát triển bền vững 2030, ông Mahmoud Mohieldin cảnh báo rằng Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) có thể là hy vọng cuối cùng để bắt đầu triển khai hành động khí hậu trên thực tế.
Ông Mohieldin cho rằng việc đạt được các mục tiêu khí hậu cần có sự thay đổi hành vi xã hội, nguồn tài chính công bằng và thỏa đáng, cũng như các giải pháp khoa học, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề và giải pháp khí hậu.
Nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc đánh giá cao các mục tiêu mà thanh niên đặt ra cho hành động khí hậu, lưu ý rằng "thanh niên có vai trò then chốt trong thực hiện các hành động khí hậu và thúc đẩy phát triển”.
Ông Mohieldin cho biết Hội nghị COP27 quan tâm đến tính bao trùm và đa dạng, vì vậy điều quan trọng là tất cả các nhóm và các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu phải bày tỏ ý kiến, đề xuất các giải pháp và thực hiện các biện pháp.
Theo ông, tính bao trùm được thể hiện qua Sáng kiến quốc gia về các dự án xanh thông minh do Chính phủ Ai Cập phát động nhằm nội địa hóa các hoạt động xanh phục vụ phát triển và thúc đẩy hành động vì khí hậu, với sự tham gia của sinh viên đại học, các nhà nghiên cứu trẻ và giới doanh nhân.
Trong phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Chương trình nghị sự thích ứng Sharm El-Sheikh: Cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và nâng cao khả năng phục hồi", ông Mohieldin đã nêu bật vai trò quan trọng của khoa học trong việc tìm kiến các giải pháp cho những thách thức lớn, như giảm nợ và hoán đổi nợ để đầu tư cho các dự án môi trường, như cũng như các giải pháp cho những vấn đề thích ứng và khả năng phục hồi.
Để đạt được các mục tiêu giảm thiểu phát thải, vốn là tuyến phòng thủ đầu tiên, ông Mohieldin cho rằng thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời ông đề cập đến báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong đó kêu gọi nâng mức cắt giảm lượng khí thải carbon từ 45% lên 60%. Theo đó, các quốc gia đang đi chệch hướng trong việc đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon.
Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển sẽ phải gánh chịu hậu quả và chi phí lớn nhất để giải quyết hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động khoa học, công nghệ và đầu tư cho các biện pháp thích ứng, lưu ý rằng 80% nguồn tài chính khí hậu là hướng đến giảm nhẹ và chỉ 20% dành cho thích ứng. Từ đó kêu gọi tăng cường đầu tư vào hệ thống dữ liệu để góp phần thực hiện tốt hơn các công việc và xác định nhu cầu tài chính khí hậu toàn cầu.
Ông đánh giá sáng kiến "Race to Zero" của các nhà vận động khí hậu như một phương tiện nhằm hỗ trợ các tuyến phòng thủ để thích ứng với những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Ngày 6/11, trước giờ khai mạc Hội nghị COP27 tại Ai Cập, ông Mohieldin cũng đã kêu gọi sự cần thiết phải thúc đẩy hành động về khí hậu dựa trên Thỏa thuận Paris với cách tiếp cận tổng thể giải quyết 4 khía cạnh bao gồm giảm thiểu, thích ứng, tổn thất-thiệt hại và tài chính khí hậu.
Đề cập đến vấn đề thích ứng, Đặc phái viên LHQ lưu ý có thể làm tốt hơn việc huy động tài trợ khí hậu từ các khu vực công và tư nhân cũng như các nguồn lực trong và ngoài nước. Điều này chỉ có thể đạt được nếu thế giới nhận ra rằng phương pháp tiếp cận giảm thiểu được áp dụng trong quá khứ đã không còn phù hợp nữa.
Về vấn đề tài trợ, ông Mohieldin đề cập đến thành công của COP26 diễn ra năm 2021 ở Glasgow là dự án tài trợ 8,5 tỷ USD cho Nam Phi để giúp quốc gia này loại bỏ dần than đá bằng năng lượng tái tạo.
Theo chương trình làm việc, sau phiên khai mạc ngày 6/11, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới sẽ diễn ra trong hai ngày 7-8/11. Các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Các phiên họp từ ngày 9-17/11 sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm Ngày Tài chính, Ngày Khoa học, Ngày về thanh niên và các thế hệ tương lai, Ngày về khử carbon, Ngày thích ứng và nông nghiệp, Ngày về giới, Ngày về nước, Ngày về xã hội dân sự, Ngày năng lượng, Ngày đa dạng sinh học, Ngày về các giải pháp. Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, hội nghị sẽ thảo luận và xem xét thông qua tuyên bố chung.
Lan Anh