Tài chính hiệu quả và công bằng là chìa khóa thực hiện các cam kết khí hậu
Việc cung cấp tài chính hiệu quả và công bằng sẽ là chìa khóa để thực hiện trên thực tế các hành động khí hậu. Ước tính, con số này có thể lên tới 1.300 tỷ USD đến năm 2025 và con số này có thể tăng lên 2.400 tỷ USD vào năm 2030.
Trong thông điệp trước thềm COP27, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, trái đất đang tiến gần điểm giới hạn không thể đảo ngược về khí hậu. Những hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng ảnh hưởng nghiêm trọng việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.
Tại Hội nghị COP27 mới đây, nhà vận động cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập đồng thời là Ðặc phái viên của Liên hợp quốc về cung cấp tài chính cho phát triển bền vững 2030, ông Mahmoud Mohieldin nhấn mạnh rằng, việc cung cấp tài chính hiệu quả và công bằng là chìa khóa để thực hiện trên thực tế các hành động khí hậu.
Phát biểu tại phiên họp "Ngày tài chính" thuộc khuôn khổ COP27 diễn ra cùng ngày, ông Mohieldin cho rằng việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho phát triển và hành động khí hậu ở các nước đang phát triển và mới nổi đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn, ước tính lên tới 1.300 tỷ USD đến năm 2025 và con số này có thể tăng lên 2.400 tỷ USD vào năm 2030.
Theo ông Mohieldin, cam kết tài trợ cho hành động khí hậu đã trở thành yếu tố cần thiết. Ông chỉ ra rằng tại COP15 diễn ra ở Copenhagen năm 2009, các nước phát triển đã cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển, song cho đến nay chỉ một số quốc gia phát triển thực hiện cam kết này.
Cùng với đó, việc thực hiện cam kết đó sẽ mở đường cho nhiều cam kết được thực hiện, cho dù số tiền 100 tỷ USD/năm chỉ đáp ứng hơn 3% nhu cầu cần thiết.
Trên thực tế, ngân sách công của các nước đang phát triển đang gánh 80% nguồn tài chính cho phát triển và hành động khí hậu, với 60% nguồn tài chính khí hậu là thông qua nợ. Do đó, ông Mohieldin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân và các ngân hàng phát triển quốc gia trong việc tài trợ cho hành động khí hậu, cũng như việc áp dụng các tiêu chuẩn IDA về cung cấp tài trợ và các khoản vay mềm dài hạn với lãi suất thấp.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry đã hối thúc các đối tác quốc tế nâng mức đóng góp tài chính để cung cấp hỗ trợ tài chính khí hậu cần thiết nhằm giúp tăng cường thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết "tổn thất và thiệt hại”.
Trước đó, Nghiên cứu mới đây trên tạp chí The Lancet cho thấy, số ca tử vong liên quan nắng nóng trên toàn cầu tăng 68% trong vòng 20 năm kể từ năm 2000. Thời tiết cực đoan cũng gây thiệt hại khoảng 253 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, với các chính sách về khí hậu hiện nay, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tăng cao kỷ lục.
Theo báo cáo Liên hợp quốc vừa công bố, nếu không giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đến năm 2100, nhiệt độ trái đất sẽ tăng trung bình 2,1 đến 2,9 độ C so mức của thời kỳ tiền công nghiệp. Con số này cao hơn nhiều mục tiêu 1,5 độ C đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Các nhà khoa học cảnh báo, với mỗi mức nhiệt tăng lên, hàng chục triệu người trên thế giới sẽ phải hứng chịu các đợt nắng nóng kéo dài, lũ lụt nghiêm trọng, cũng như tình trạng khan hiếm nước và thực phẩm, trong khi hàng triệu động vật, thực vật hoang dã có thể biến mất.
Đứng trước những thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước hành động khẩn cấp, coi COP27 là cơ hội để cùng nhau giúp trái đất chiến thắng trong "cuộc chiến một mất, một còn" hiện nay.
Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng Hội nghị hướng đến là huy động nguồn tài chính giúp các quốc gia dễ bị tổn thương ứng phó biến đổi khí hậu. Khẳng định, trách nhiệm về tài chính của các nước đang phát triển là không thể phủ nhận, ông Guterres nhấn mạnh, các nước giàu cần đưa ra lộ trình đáng tin cậy với các cột mốc rõ ràng để thực hiện trách nhiệm này và tốt nhất là dưới hình thức tài trợ, chứ không phải cho vay.
Vấn đề đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu từng nhiều lần được đề cập trong các hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc. Tại COP15, các nước giàu đã cam kết viện trợ 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước nghèo hơn thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon. Tuy nhiên, những cam kết đó chưa được thực hiện đầy đủ.
Ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho rằng cần thuyết phục các nước phát triển giúp đỡ các quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu hơn.
"Nếu chúng ta không giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ, thì chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa vào việc thích ứng với một hành tinh đang nóng lên. Và khi chúng ta vượt quá giới hạn, mà việc này đang xảy ra rồi, sẽ có nhiều mất mát và thiệt hại hơn. Chi phí đầu tư bổ sung để khắc phục tình hình. Những thiệt hại về nhân mạng. Và yếu tố liên kết tất cả những điều đó là tài chính", ông Simon Stiell nhận định.
Lan Anh