Thứ sáu, 22/11/2024 23:41 (GMT+7)
Thứ năm, 10/11/2022 17:55 (GMT+7)

Việt Nam nỗ lực triển khai các cam kết toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Để đạt được cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050, Việt Nam cần phải thúc đẩy hình thành thị trường carbon, tạo ra tín chỉ chất lượng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư, khối tư nhân tham gia hơn.

Nhiều hoạt động tích cực tại COP27

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập có thông điệp xuyên suốt: "Cùng nhau hành động", nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể. Tại COP27, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới diễn ra trong hai ngày 7 - 8/11.

Ngay từ những ngày đầu tiên diễn ra COP27, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có các buổi làm việc về thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam…

Theo ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore, để Việt Nam đạt được cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050 cần phải thúc đẩy hình thành thị trường carbon cho Việt Nam, tạo ra tín chỉ chất lượng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư, khối tư nhân tham gia hơn. Dự báo nhu cầu tín chỉ tại Việt Nam sẽ tăng lên. Trong khi đó, Singapore cũng như các nước trong khu vực đều cần tín chỉ carbon. Đây là cơ hội cho Việt Nam tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao và mở rộng trao đổi tín chỉ.

Việt Nam nỗ lực triển khai các cam kết toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập với thông điệp xuyên suốt: "Cùng nhau hành động".

Còn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam không chỉ hình thành thị trường carbon mà tiến tới xây dựng thị trường tài chính một cách đồng bộ. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ có thể vượt ra khỏi phạm vi ASEAN, tham gia thị trường thế giới đến các châu lục khác. Việt Nam đề nghị phía Singapore hỗ trợ để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách hình thành thị trường, sau đó là thiết chế để quản trị.

Tại Hội nghị lần này, Việt Nam sẽ chia sẻ về thực tế các hoạt động triển khai cam kết, những nỗ lực của Việt Nam trong việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về COP 26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050, cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)…

“Có thể thấy, trong bối ảnh khủng hoảng năng lượng và phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi các nước khác đưa ra cam kết nhưng thực hiện chưa được nhiều, những nỗ lực của Việt Nam là điểm sáng tại Hội nghị lần này”, Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về tiến độ đàm phán về tài chính khí hậu tại COP27, ông Tấn cho biết, đến thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất là các quốc gia đã thống nhất sẽ thảo luận nội dung sử dụng nguồn lực như thế nào để xử lý vấn đề tổn thất và thiệt hại, thích ứng biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.

Từ trước đến nay, 90% nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu được dành cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chưa đến 7% cho thích ứng biến đổi khí hậu. Thực tế tại những nước đang phát triển, nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu để tồn tại và phát triển rất cao, nhưng không có nguồn lực. Nhiều năm nay, các nước đang phát triển đã yêu cầu vấn đề nguồn lực cho thích ứng phải ngang bằng với giảm nhẹ.

Đây là chặng đường đấu tranh khá dài, bởi giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dễ dàng huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, trong khi với thích ứng biến đổi khí hậu, các quốc gia thường sử dụng nguồn lực từ chính phủ hoặc hỗ trợ không hoàn lại.

Hợp tác quốc tế thúc đẩy chuyển đổi phát thải carbon thấp

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, mô hình phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn là xu hướng chủ đạo hiện nay trên toàn cầu. Việt Nam cùng nỗ lực với cộng đồng quốc tế để đạt một mục tiêu khí hậu chung. Hợp tác quốc tế là một trong những định hướng hành động chính của chúng tôi để triển khai chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu và những cam kết của Việt Nam về đạt mức trung hòa carbon. 

Trước đó, trong ngày 8/11, bên lề Hội nghị COP 27 tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Rémy Rioux đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác song phương về triển khai giảm phát thải carbon và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. 

Theo Bản ghi nhớ, trong vòng 5 năm tới, Bộ TN&MT và AFD sẽ cùng phát triển một chương trình nghiên cứu, nhằm đóng góp cho các chính sách công trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Chương trình bao gồm 3 định hướng. Trước tiên, hai bên sẽ triển khai áp dụng mô hình kinh tế vĩ mô được xây dựng bởi dự án GEMMES Vietnam và kết hợp mô hình này với một mô hình năng lượng nhằm phân tích những hệ quả kinh tế - xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở Việt Nam. Chương trình cũng định hướng nâng cao kiến thức và dự báo về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhất là về những hiện tượng khí hậu cực đoan kết hợp với những sức ép từ các hoạt động của con người (ở cấp địa phương cũng như khu vực) lên môi trường. Cuối cùng là nâng cao kiến thức về các khía cạnh xã hội của chuyển đổi năng lượng công bằng.

AFD cũng sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT về điều phối thực hiện các chương trình giảm phát thải, hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050. Hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phát triển một mô hình quản lý tổng hợp lưu vực phù hợp, trong bối cảnh tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Đồng thời, hỗ trợ những hoạt động ưu tiên trong các lĩnh vực: Quản lý tài nguyên đất, quản lý và phát triển bền vững không gian biển và hải đảo, quản lý rác thải nhựa (bao gồm việc xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách). Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên trên, hai Bên có thể xem xét mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác được hai Bên thống nhất và phù hợp với chức năng nhiệm vụ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam nỗ lực triển khai các cam kết toàn cầu, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới