COP27: Đầu tư 3,1 tỷ USD thiết lập hệ thống cảnh báo thiên tai sớm toàn cầu
Với kinh phí khoảng 3,1 tỷ USD, kế hoạch 5 năm xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm quy mô toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan đã được Liên hợp quốc công bố.
Mới đây, ngày 7/11, Liên hợp quốc đã công bố kế hoạch 5 năm xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm có quy mô toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa tính mạng con người và gây thiệt hại lớn về tài sản.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết kinh phí xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nêu trên ở mức khoảng 3,1 tỷ USD. Theo ông, với tốn phí chưa tới 50 cent/người, đây là mức chi phí rất thấp cho những phương pháp đã được chứng minh có thể cứu sống hàng triệu sinh mạng.
Tổng Thư ký Guterres nêu rõ ông kêu gọi thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm để trong vòng 5 năm "mỗi người dân trên Trái Đất đều được bảo vệ", trong đó ưu tiên hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất.
Báo cáo khoa học cho thấy ngay cả khi các hình thái thời tiết đang trở nên khó lường và khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu hiện nay, vẫn còn tới 50% số quốc gia trên thế giới thiếu các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến.
Theo Liên hợp quốc, tại các quốc gia thiếu thốn cơ sở hạ tầng, tỷ lệ tử vong do thiên tai cao hơn 8 lần so với các quốc gia được trang bị đầy đủ. Hệ thống cảnh báo sớm được ứng dụng để dự báo lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, lốc xoáy hoặc các thảm họa khác, qua đó các chính phủ có thể lập kế hoạch giảm thiểu những tác động bất lợi của hiện tượng tự nhiên.
Giám đốc Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas khẳng định: “Cảnh báo sớm sẽ cứu mạng người và mang lại những lợi ích kinh tế to lớn. Chỉ cần thông báo trước 24 giờ về một diễn biến thời tiết nguy hiểm sắp xảy ra là có thể giảm 30% thiệt hại sau đó."
Trong khi đó, Ủy ban toàn cầu về thích ứng đánh giá rằng chỉ cần chi 800 triệu USD cho các hệ thống cảnh báo sớm ở các nước đang phát triển là có thể giảm thiểu thiệt hại do thiên tai từ 3-16 tỷ USD mỗi năm.
50% các nước trên thế giới thiếu trang bị hệ thống cảnh báo thiên tai
Trước đó, Báo cáo của Liên hợp quốc về vấn đề thời tiết và giảm thiểu các tác động của thiên tai chỉ ra, các quốc gia với hệ thống cảnh báo sớm thiên tai kém chất lượng có tỷ lệ người dân tử vong do thiên tai cao hơn gấp 8 lần so với các quốc gia có trang bị các hệ thống hiện đại hơn.
Các hệ thống này thường được tích hợp nhằm cảnh báo về các hiện tượng thiên tai cực đoan như lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt, bão hoặc các thảm họa khác, giúp các quốc gia lên kế hoạch để đối phó và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản người dân.
Bản báo cáo của Liên hợp quốc cũng cho rằng các nước cần trang bị những hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh các tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, thế giới đang chứng kiến nhiều thảm họa thiên tai có “tác động kép và mang tính hệ thống".
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ 50% các quốc gia trên thế giới có trang bị các hệ thống cảnh báo sớm thiên tai trong khi các quốc gia nghèo và đang phát triển, vốn ít được trang bị các hệ thống này, lại là các khu vực dễ bị tổn thương và chịu nhiều hậu quả nhất do các tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai tự nhiên.
Trong bối cảnh các thảm họa thời tiết và khí hậu khắc nghiệt ngày càng gia tăng, các quốc gia ít gây ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu lại đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra ở Ai Cập vào tháng 11 tới, Liên hợp quốc sẽ dự kiến trình bày kế hành động chung cho tất cả quốc gia trong việc áp dụng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai trong vòng 5 năm tới.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy, hành động trên của Liên hợp quốc là phù hợp trong thực trạng hiện nay trong bối cảnh hiện chỉ có ít hơn 1/2 các quốc gia kém phát triển trên thế giới và 1/3 các quốc đảo nhỏ đang phát triển có trang bị các hệ thống trên.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về giảm thiểu nguy cơ thiên tai, bà Mami Mizutori cũng lên tiếng cảnh báo về các “lỗ hổng” của tình trạng trên và cho biết đây là thực trạng cần phải được giải quyết ngay nhằm cứu sống tính mạng, sinh kế và tài sản của người dân.
Trong bối cảnh các mối đe dọa về biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai ngày càng gia tăng, các hệ thống cảnh báo sớm sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã tăng gần gấp đôi từ mức trung bình 1.147/100.000 người mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2014, lên mức 2.066/100.000 người trong thời gian từ năm 2012 - 2021.
Tuy nhiên, số người thiệt mạng hoặc mất tích sau các vụ thiên tai hàng năm giảm từ 1,77/100.000 người trong giai đoạn trước xuống 0,84/100.000 trong thời gian gần đây.
Trong trận lũ lụt thảm khốc gần đây ở Pakistan, nhấn chìm 1/3 quốc gia này và khiến gần 1.700 người thiệt mạng. Bà Mami Mizutori nhận định nếu không có các hệ thống cảnh báo sớm thì hậu quả có thể lớn hơn rất nhiều./.
Lan Anh