Thứ bảy, 20/04/2024 13:44 (GMT+7)
Thứ năm, 13/10/2022 12:10 (GMT+7)

"Cảnh báo sớm, hành động sớm”: Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Ngày 13/10 hằng năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. "Cảnh báo sớm, hành động sớm cho mọi người" cũng là chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2022.

Giảm nhẹ thiên tai - Hợp tác để cùng vượt qua thách thức kép

Những năm gần đây, thiên tai ngày càng gia tăng về số lượng cũng như độ khốc liệt và bất thường, cùng với đại dịch Covid-19, con người đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất và mang tính sống còn từ trước đến nay.

Kể từ năm 2009, ngày 13/10 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ngày này cũng được ASEAN lấy để kỷ niệm Ngày Quản lý thiên tai ASEAN để kêu gọi mọi người và cộng đồng trên toàn thế giới nâng cao nhận thức và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra. 

Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được bắt đầu vào năm 1989 do Đại hội đồng Liên hợp quốc khởi xướng để tôn vinh các nỗ lực và văn hóa toàn cầu trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên tai và thúc đẩy mỗi cá nhân và Chính phủ các quốc gia chung tay xây dựng môi trường an toàn hơn trước thiên tai. Từ năm 2009, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được tổ chức cố định vào ngày 13/10 hằng năm. 

"Cảnh báo sớm, hành động sớm”: Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai - Ảnh 1
Thiên tai ngày càng gia tăng về số lượng cũng như độ khốc liệt và bất thường, cùng với đại dịch Covid-19, con người đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất và mang tính sống còn từ trước đến nay.

Năm 2022, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai diễn ra trong lúc các quốc gia đang tiến hành đánh giá giữa kỳ Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và sẽ được kết luận tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 5/2023 thông qua tuyên bố chung. Đây là dịp để nhìn lại quá trình thực hiện các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thiên tai cũng như các mất mát về người, sinh kế, kinh tế, cơ sở hạ tầng cơ bản phù hợp với các hiệp định quốc tế về giảm nhẹ rủi ro và tổn thất do thiên tai trên toàn thế giới, được Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai thông qua vào tháng 3/2015. "Cảnh báo sớm, hành động sớm cho mọi người" cũng là chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2022.

Theo đó, mục tiêu chính của Khung hành động Sendai là tránh tạo ra các rủi ro mới và giảm thiểu các rủi ro hiện có. Khi điều đó là không thể thì hệ thống cảnh báo sớm lấy con người là trung tâm và các hoạt động phòng ngừa để thực hiện các hành động sớm chính là cách để giảm thiểu thiệt hại về người và của cũng như sinh kế. Trong trường hợp thiên tai khởi phát nhanh, cần phải nhanh chóng sơ tán và tìm nơi trú tránh an toàn. Hành động sớm cũng bao gồm xác định các vật dụng cứu trợ và các biện pháp để giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai.

Theo Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), một cảnh báo sớm trước 24 giờ có thể giúp giảm thiệt hại lên tới 30%, cứu sống nhiều sinh mạng. Nhờ vào thành công của các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như do dự báo thời tiết chính xác hơn và quản lý thiên tai chủ động và phối hợp, số người thiệt mạng do các thảm họa khí hậu đã giảm gần 3 lần trong 50 năm qua.

Diễn biến phức tạp và khó lường

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 trong 22 loại hình thiên tai trên thế giới, trừ sóng thần, khiến cho 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng từ 1-1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Từ đầu năm nay, tình hình thiên tai tại Việt Nam diễn ra phức tạp, cực đoan, trái quy luật như mưa lũ trái mùa kèm theo dông, lốc lớn trên diện rộng, bão gây mưa lớn..

Trong những năm gần đây tác động tiêu cực của thiên tai và dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống. Năm 2020, thiên tai tại nước ta diễn ra không theo quy luật, dị thường và khốc liệt với 16 loại hình bao gồm: 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long… Năm 2020, trên quy mô toàn quốc thiên tai đã làm 291 người chết, 64 người mất tích, 876 người bị thương, ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, nước ta đã xảy ra 17 loại hình thiên tai, làm 61 người chết, mất tích, 72 người bị thương, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 450 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các cơ chế hợp tác về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thực hiện có trách nhiệm các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, năm 2023 là năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, do vậy, cam kết Việt Nam sẽ đóng vai trò là cầu nối hiệu quả, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa khối ASEAN với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về những giải pháp mang tính chiến lược để giải quyết nhiều rủi ro cùng một lúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Liên hợp quốc cần tăng cường hơn nữa hỗ trợ đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để tăng cường khả năng tiếp cận với các quỹ đa phương và toàn cầu. Các nguồn lực được huy động cho các chương trình và dự án cần tập trung vào việc tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước các tác động ngày càng gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Trong việc ứng xử với thiên nhiên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tâm đắc với vấn đề đạo đức của con người. Theo đó, mỗi cá nhân trên toàn thế giới cần thay đổi nhận thức trong đối xử với thiên nhiên. Các cuộc khủng hoảng thiên nhiên, môi trường hiện nay đều do các hoạt động kinh tế không bền vững của con người. Các chính sách môi trường cần phải được kết hợp, lồng ghép trong các chính sách kinh tế.

Đặc biệt, bên cạnh việc kêu gọi sự đoàn kết, chung tay của các quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai thì cần có tiêu chí và tiêu chuẩn đạo đức trong ứng xử với thiên nhiên. Các nước cần thống nhất trong tư duy, nhận thức về những vấn đề liên quan đến khủng hoảng biến đổi khí hậu, sụp đổ hệ sinh thái. Bên cạnh các công cụ chính sách và pháp luật về môi trường, các vấn đề về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cần phải được đưa thành các tiêu chí không thể thiếu, mang tính quyết định trong các chính sách kinh tế...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết "Cảnh báo sớm, hành động sớm”: Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới