Thứ bảy, 20/04/2024 17:57 (GMT+7)
Thứ tư, 12/10/2022 17:15 (GMT+7)

Thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính hơn 5.000 tỷ đồng trong gần 10 tháng qua

Theo dõi KTMT trên

Tính từ đầu năm tới nay, trên cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất. Ước tính thiên tai gây thiệt hại trên 5.167 tỷ đồng trong gần 10 tháng qua.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, tính từ đầu năm tới nay (11/10) trên cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn ATNĐ; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông; 226 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại.

Thiên tai từ đầu năm 2022 đến nay đã khiến 139 người chết, mất tích, 211 người bị thương; 630 nhà sập, 15.729 nhà hư hỏng, tốc mái; 247.460 ha lúa, hoa màu và 44.795 ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại; 21.258 con gia súc, 468.047 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính trên 5.167 tỷ đồng trong gần 10 tháng qua.

Thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính hơn 5.000 tỷ đồng trong gần 10 tháng qua - Ảnh 1
Thiên tai gây thiệt hại ước tính trên 5.167 tỷ đồng trong gần 10 tháng qua.

Bên cạnh đó, thiên tai cũng làm 335 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 17.561 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 9.007 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 255.903m đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, 130 cầu bị hư hỏng, cuốn trôi; sạt lở, hư hỏng 228,95 km đường giao thông với khối lượng 1.024.304m3 đất, đá. 

Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, mưa, dông lốc và triều cường đã làm 404 nhà bị ngập (tỉnh Vĩnh Long). Về nông nghiệp, 250 ha lúa (tỉnh Vĩnh Long); 206,3ha hoa màu bị ngập (Vĩnh Long 91,4ha; Đồng Tháp 50ha; Trà Vinh 64,9ha),…

Sạt lở 50m bờ sông tại khu vực tổ 4, ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, An Giang. Tại Thừa Thiên Huế bị sạt lở 70m bờ biển ở khu vực giáp múi bờ kè An Dương 1.

Các địa phương khác như: Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ triều cường gây ngập một số tuyến đường, ảnh hưởng đến đi lại, sinh hoạt của người dân. Trong đó, mưa lũ ở miền Trung trong những ngày vừa qua đã làm 2 người chết, 1 người mất tích. Lũ trên các sông dâng cao đã làm hơn 7.700 ngôi nhà bị ngập lụt.

Tại tỉnh Quảng Nam đã có 2 người chết 1 người mất tích. Đặc biệt mưa lớn trong những ngày vừa qua khiến lũ trên sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Vệ, sông Trà Bồng có lũ vượt mức báo động 2, gây ngập lụt trên diện rộng.

Đặc biệt tại Quảng Nam đã có 7.450 nhà dân ngập từ 0,5 - 1,2 m, tập trung ở các H.Điện Bàn và TP.Hội An). TP.Đà Nẵng còn 185 nhà dân đang ngập từ 0,1 - 0,4 m tập trung ở các xã Hoà Khương và xã Hoà Tiến, H.Hòa Vang.

Nước lũ dâng cao làm ngập 4 điểm đường giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại Quảng Bình. Quảng Nam có 15 điểm quốc lộ bị ngập sâu. Trong đó, quốc lộ 14H có 4 điểm bị tắc do nước ngập ở 0,5 - 1 m.

Trước những diễn biến ngày càng bất thường của tình hình thiên tai, mới đây Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020.

Đối với miền Trung - Tây Nguyên, khu vực chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác, theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai khu vực này, cần tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Cùng với đó, nhanh chóng hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã, triển khai thực hiện hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai, kịch bản phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai, đề xuất, kiến nghị trang thiết bị phòng, chống thiên tai…

Các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo các công tác về hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hồ chứa, đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, nhà ở an toàn trước thiên tai, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của cộng đồng, nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính hơn 5.000 tỷ đồng trong gần 10 tháng qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới