COP25: Italy và Mexico 'mở đường' cho giáo dục khí hậu
Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã đánh giá cao cam kết của Italy và Mexico về việc tăng cường giáo dục khí hậu và môi trường.
Bé gái sáu tuổi ở Beira nhận được gói hỗ trợ từ UNICEF đối với trẻ em và gia đình ở Mozambique bị ảnh hưởng bởi bão Idai vào tháng 4/2019. (Ảnh UNICEF/James Oatway) |
Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) hy vọng nhiều quốc gia sẽ làm theo sáng kiến của hai nước Italy và Mexico mới được công bố trong tuần này tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP25) tại Madrid, Tây Ban Nha.
Bà Espinosa mô tả cam kết của các quốc gia trong việc trang bị một thế hệ mới với kiến thức, nhận thức và kỹ năng về giải quyết vấn đề BĐKH là một đóng góp quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, nhằm mục đích hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Đề cập đến nỗ lực giảm phát thải của các quốc gia, bà Espinosa cho biết: “BĐKH nên được đưa vào tất cả các chương trình giảng dạy của các trường học và đóng vai trò trung tâm trong các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)”.
Bà Espinosa mong muốn nhiều quốc gia hơn quan tâm và định hướng giáo dục khí hậu vào các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia của họ.
Giáo dục khí hậu phải là yếu tố bắt buộc
Italy và Mexico đang khuyến khích các quốc gia khác ưu tiên giáo dục khí hậu.
“Giới trẻ đang đòi hỏi chính phủ các nước phải hành động để giảm thiểu BĐKH. Có rất nhiều lĩnh vực của xã hội mà chúng ta phải hành động và hành động với tham vọng hơn nữa. Giáo dục bắt buộc về các chủ đề này cần phải là một phần quan trọng với quốc gia và quốc tế nhằm ứng phó với các vấn đề lớn của thời đại chúng ta”, Bộ trưởng Giáo dục Italy, ông Lorenzo Fioramonti nhấn mạnh.
Martha Delgado, Thứ trưởng phụ trách vấn đề đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Mexico cho biết Mexico đã đưa giáo dục môi trường bắt buộc vào Hiến pháp như là bước đầu tiên trong một kế hoạch toàn diện mới.
“Sự biến đổi tuyệt vời chỉ có thể đạt được thông qua kiến thức, nhận thức và ý thức hợp tác. Tôi tin rằng giáo dục môi trường là con đường để đáp ứng các Mục tiêu Phát triển bền vững, một công cụ thiết yếu để chống khủng hoảng khí hậu và có thể thúc đẩy sự thay đổi văn hóa sâu sắc để đóng góp cho sự bền vững của hành tinh của chúng ta” – bà Martha Delgado nhấn mạnh.
Ngày trái đất là một “chất xúc tác”
Hai nước Italy và Mexico đề xuất các quốc gia khác có thể sử dụng lễ kỷ niệm Ngày Trái đất vào tháng 4 như một dịp để công bố kế hoạch của các nước về giáo dục khí hậu và môi trường.
Lễ kỷ niệm năm 2020 cũng đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất và sự ra đời của phong trào môi trường.
Bà Kathleen Rogers, Chủ tịch Mạng lưới Ngày Trái đất chỉ rõ kiến thức về môi trường là cốt lõi của Ngày Trái đất kể từ khi thành lập, nhưng các quốc gia đã không đề cập đến nhiều.
“Giới trẻ, thông qua các phong trào như “Thứ Sáu cho Tương lai” đã yêu cầu các quốc gia tuyên bố sự thật về tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt. Cần tuyên bố sự thật trong các trường học và đại học và trong thời điểm hiện tại” - bà Kathleen Rogers khẳng định.