Cộng đồng tham gia bảo tồn di sản đô thị
Với tuổi đời 320 năm, cho đến nay đô thị Sài Gòn vẫn “bảo tồn” được bốn đặc trưng cơ bản: đô thị sông nước, đô thị trung tâm kinh tế, đô thị theo kiểu phương Tây và đô thị đa dạng về văn hóa.
Có thể nhận thấy điểm nổi bật của sự đa dạng văn hóa và đô thị phương Tây ở đây là những loại hình kiến trúc “ngoại nhập” xuất hiện từ giữa thế kỷ 19 đến nửa sau thế kỷ 20, trong đó có kiến trúc công giáo, biệt thự và chung cư. Lịch sử lâu đời, kiến trúc đa dạng của những công trình này cho chúng ta cái nhìn khách quan và sự hiểu biết giá trị nhiều mặt của di sản đô thị Sài Gòn - TP.HCM.
Bảo tồn di sản kiến trúc Công giáo
Các công trình Công giáo ở Sài Gòn xuất hiện từ giữa thế kỷ 19, hiện nay những nhà thờ lâu đời và đẹp nhất tập trung ở quận Một và quận Ba như một số công trình tiêu biểu sau:
Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ Chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn, một tuyệt tác kiến trúc Roma – Gotic nằm ngay trung tâm đô thị Sài Gòn. Mặt chính của nhà thờ quay về hướng Đông Nam (nhìn ra sông Sài Gòn), bên cạnh là Bưu điện Thành phố. Nhà thờ được khánh thành năm 1880, đã có vài lần chỉnh sửa và hoàn chỉnh kiến trúc, từ năm 2017 đang thực hiện đợt trùng tu lớn cả trong và ngoài nhà thờ.
Nhà thờ Chợ Quán gắn liền với họ đạo Chợ Quán cổ xưa nhất nhưng nhà thờ Chợ Quán hiện tại không phải là nhà thờ cổ nhất Sài Gòn tồn tại cho đến ngày nay. Trải qua nhiều gian truân họ đạo Chợ Quán đã nhiều lần xây dựng và trùng tu nhà thờ từ năm 1720 đến 1926. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Gotic cổ kính với mái vòm cong, nhiều cổng vòm cao được chống đỡ bằng các cột trụ lớn nhỏ, hoa văn trên các hàng cột to độc đáo.
Nhà thờ Tân Định xây dựng trên vùng đất của họ đạo Tân Định thành lập từ khoảng 1860. Nhà thờ khánh thành năm 1876 và cũng qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Với màu hồng đặc trưng và nhiều nét trang trí độc đáo, tổng thể khối kiến trúc rất hài hòa cân đối cùng tháp chuông cao vút của nhà thờ Tân Định luôn nổi bật trên nền trời xanh thẳm trông rất đẹp mắt.
Nhà thờ Huyện Sĩ – Chợ Đũi. Giáo xứ Chợ Đũi được thành lập năm 1859. Ông bà Lê Phát Ðạt (tức Huyện Sỹ) đã hiến đất và nhiều tài sản để xây cất nhà thờ từ năm 1902 – 1905. Kiến trúc nhà thờ theo phong cách Gotic, tường có nhiều cửa sổ dạng vòm nhọn và được trang trí bằng kính màu được mua từ Ý. Trên vòm cửa chính có tượng Thánh Philip bổn mạng nhà thờ bằng đá cẩm thạch, đứng cầm cây thánh giá Phục sinh mà nhiều người rất dễ làm tưởng đó là tượng Chúa Giêsu Phục sinh.
Chủng Viện Thánh Giuse (1863) và Dòng tu Saint Paul de Chartres (1860)
Quần thể công trình Công giáo này đã đã trải qua gần 160 năm lịch sử (1860 – 2018). Đặc biệt tu viện là cơ sở Công giáo đầu tiên được xây dựng cách quy mô và to lớn, càng đặc biệt hơn khi người thiết kế và chỉ huy thi công là Nguyễn Trường Tộ. Tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng kế bên sông Sài Gòn, con đường được trồng bốn hàng cây xà cừ cao xanh, rợp mát, cùng với bức tường cao che khuất những công trình đồ sộ nhưng thanh thoát, tạo không yên tĩnh lặng cho cả chủng viện và dòng tu.
Đối với các công trình kiến trúc công giáo, “Giáo hội không coi một loại hình nghệ thuật nào là của riêng mình, đồng thời công nhận các loại hình nghệ thuật của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc… trải qua nhiều thế kỷ, đã góp phần tạo nên một kho tàng nghệ thuật cần phải được duy trì hết sức cẩn thận”. Trên quan điểm đó, nhiệm vụ kế thừa, bảo quản kho tàng di sản ấy được Giáo hội giao cho các giáo xứ địa phương. Các chuyên gia về kiến trúc, nghiên cứu nghệ thuật và người hiểu biết lịch sử giáo phận là những người cộng tác và cố vấn về các vấn đề trùng tu hay xây dựng nhà thờ, tu viện. Đồng thời cần lắng nghe ý kiến của xã hội bao gồm các công ty, tổ chức có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong kiến trúc, văn hóa, tôn trọng “ký ức cộng đồng” và đặc biệt là việc hợp tác với chính quyền địa phương.
Ba tiêu chí phải được xem xét trong việc bảo tồn một công trình kiến trúc nhà thờ Công giáo là tính Lịch sử, tính Thẩm mỹ và tính Xã hội. Nguyên tắc cơ bản là: Những công trình kiến trúc nhà thờ có lịch sử lâu đời, có giá trị văn hóa gắn với cộng đồng, dân tộc, công trình kiến trúc đẹp đẽ thu hút du khách bốn phương… phải được giữ gìn và bảo tồn, khi trùng tu phải giữ đúng nguyên trạng, tránh làm thay đổi cấu trúc ban đầu, họa tiết trang trí...
Trường hợp nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hiện nay đang được trùng tu theo những nguyên tắc trên, bằng một quy trình chặt chẽ do Ban trùng tu cấp giáo phận trực tiếp theo sát để công việc thực hiện đúng tiến độ, “ngăn chặn việc phá hủy kho tàng nghệ thuật thánh khi tu sửa nhà thờ” nhưng không “bao cấp hay áp đặt ý tưởng” về mọi phương diện nhất là khía cạnh kỹ thuật trùng tu. Những tư liệu của công trình trùng tu được phổ biến rộng rãi để mọi người hiểu được tính cấp thiết và giá trị di sản, qua đó còn là phương cách huy động các nguồn lực. Kinh phí trùng tu công trình đa phần kêu gọi từ sự đóng góp của giáo dân và các tổ chức xã hội, đặc biệt luôn được công khai minh bạch các nhu cầu và các khoản chi tiêu.
Box kèm ảnh: Những công trình kiến trúc Công giáo đã mang đến cho đô thị Sài Gòn những tinh hoa của kiến trúc châu Âu trong sự hòa hợp với văn hóa Á Đông, góp phần kiến tạo nên một loại hình biểu tượng văn hóa của đô thị Sài Gòn.
Biệt thự – bảo tồn công trình sở hữu tư nhân
Từ nửa đầu thế kỷ 20 đã hình thành cảnh quan biệt thự ở trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn, xung quanh khu vực công sở hành chính và thương mại “thượng lưu”. Đấy là những đường phố nhỏ nhắn, nhiều cây xanh, có những hẻm nhỏ yên tĩnh, trong đó là những ngôi biệt thự của quan chức, công chức người Pháp và người giàu có, thương gia, điền chủ người Việt, người Hoa... Cũng có những ngôi biệt thự trên khuôn viên hàng ngàn mét vuông ở nơi còn khá hoang vắng.
Biệt thự kiểu Pháp hay kiểu “Đông – Tây kết hợp” là dấu tích kiến trúc điển hình một thủa của Sài Gòn, mỗi công trình đều chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn về lịch sử hình thành và tỏa ra vẻ đẹp sang trọng kín đáo. Biệt thự Phương Nam là một trường hợp như vậy.
Được sang nhượng cách đây vài ba năm, chủ sở hữu hiện nay của biệt thự Phương Nam đã “âm thầm” nghiên cứu, tìm hiểu và cuối cùng quyết định trùng tu, bảo tồn công trình, vì “công trình là một ví dụ độc đáo của kiến trúc Sài Gòn, nhờ ảnh hưởng của các kỹ thuật hiện đại châu Âu, nhưng với tinh thần, ý nghĩa thiết kế và các chi tiết trang trí đặc trưng Việt Nam”. Cảnh quan tự nhiên, bối cảnh xã hội, hoàn cảnh của chủ nhân, nền văn hóa mà chủ nhân thuộc về, lối sống, nhu cầu của chủ nhân và gia đình... là những yếu tố quan trọng để tìm hiểu “triết lý” của công trình. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu trùng tu sẽ tiến hành từng công việc cụ thể để trả lại vẻ đẹp cũng như trả lại công trình “hồn vía” của nó.
Nhóm nghiên cứu trùng tu biệt thự Phương Nam đã có những đánh giá ban đầu như sau: “Kỹ thuật xây dựng sử dụng các yếu tố đương đại (khoảng 1920 – 1930); nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài có chọn lọc và xem xét kỹ lưỡng; nhiều bức tranh trang trí lộng lẫy (trên tường và trần nhà); và các yếu tố bố cục, hình thức trang trí dựa trên phong thủy. Phong cách của ngôi nhà không phải là phong cách điển hình của kiến trúc thuộc địa Pháp. Ngôi nhà là sự kết hợp đầy chọn lọc, rất đặc sắc của kiến trúc Á – Âu”.
Để có thể trùng tu biệt thự theo những nguyên tắc nghiêm ngặt của trùng tu di tích không thể không có nguồn kinh phí lớn (như tìm mua 92 loại gạch lát sàn cổ để thay thế những viên gạch hư hỏng, phục chế toàn bộ tranh tường bị che phủ trong thời gian rất dài…), nhưng quan trọng hơn, đó là chủ sở hữu đã nhận biết “giá trị di sản” của công trình, từ giá trị di sản thì giá trị bất động sản của công trình sẽ được nhân lên, lợi nhuận từ đó sẽ mang tính bền vững. Đây chính là một quy luật của nhiều đô thị tiên tiến trên thế giới.
Bảo tồn chung cư - không gian sống dặc trưng của đô thị
Nếu nhà thờ là công trình tôn giáo có vị trí như những “điểm nhấn” của cảnh quan đô thị, biệt thự là không gian sống “biệt lập” của đô thị thì chung cư là không gian sống của cộng đồng hiện diện tại Sài Gòn từ nửa sau thế kỷ 20.
Theo một thống kê thì TP.HCM có hơn 400 chung cư được xây dựng trước 1975, phân bố trong nội thành có nơi hợp thành từng khu vực lớn, nơi chỉ có một, hai tòa nhà, phần lớn cao 4,5 tầng. Trong khoảng năm mươi năm qua chung cư đã là giải pháp hữu hiệu giải quyết nhà ở cho hàng vạn người trong một thành phố có hàng triệu dân và mức độ nhập cư ngày càng tăng. Những khu chung cư bình dân ở quận Ba, quận Mười như Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Gia Tự, Nguyễn Kim, chung cư rải rác ở quận Một như trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Trần Hưng Đạo... quy mô lớn nhỏ khác nhau, xây dựng trong những thời gian khác nhau. Hầu hết chung cư được xây dựng với chất lượng khá tốt nhưng do thời gian sử dụng lâu và không được bảo quản, chăm sóc nên nhiều chung cư xuống cấp, bề ngoài nhếch nhác, bẩn thỉu vì lối sống “cha chung không ai khóc”.
Tuy cũ kỹ nhưng chung cư cũ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của đô thị: kiến trúc và vật liệu xây dựng phản ánh một giai đoạn lịch sử, lối sống bình dị, gần gũi “tình làng nghĩa xóm” của cộng đồng chung cư còn được “bảo tồn”. Hiện tượng cơi nới về cấu trúc, sang nhượng về quyền sử dụng khá phổ biến song do luôn có nhu cầu cao về nơi ở nên chung cư cũ trong nội thành sẽ còn tồn tại lâu dài, trước khi có thể xây dựng những chung cư cao cấp, hiện đại.
Đấy chính là những yếu tố “lợi thế” của chung cư cũ mà Công ty Kiến trúc Nhất Việt đã nhìn thấy, từ đó ra đời Dự án “Hồi sinh phố cũ” để trùng tu cải tạo một số chung cư còn đảm bảo chất lượng, ưu tiên chung cư ở khu vực trung tâm vì thuận lợi về giao thông và nằm trong vùng cảnh quan lịch sử. Với phương thức bảo tồn kết hợp tôn tạo và chuyển đổi chức năng kéo dài tuổi thọ công trình, đến nay Nhất Việt đã tạo ra không gian sống chung “Onetel panorama” (khách sạn mini, phòng ở đáp ứng nhiều nhu cầu...) hiện đại, đảm bảo môi trường sống vệ sinh, an toàn, thân thiện, giữ được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống ở một số chung cư tại quận Một.
Đặc biệt, cộng đồng sống trong những chung cư cũ – phần lớn là người và hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp – qua dự án “Hồi sinh phố cũ” của Nhất Việt đã thay đổi suy nghĩ và hành vi theo hướng tích cực hơn. Từ suy nghĩ “chung cư chỉ là nơi ở tạm” họ đã gắn bó và quan tâm hơn đến không gian sống “của mình”: trồng hoa và cây cảnh, giữ vệ sinh sạch sẽ hành lang, cầu thang, ứng xử văn minh, thân thiện...
Tính tương tác, tính bền vững và yếu tố xanh là ba mục tiêu của dự án “Hồi sinh phố cũ” đáp ứng nhu cầu của con người, kiến trúc và môi trường. Đây chính là điểm độc đáo thể hiện sự nhân văn đồng thời góp phần bảo tồn một loại hình di sản đô thị và hướng cộng đồng đến lối sống bền vững.
***
Do hoàn cảnh lịch sử - xã hội mà nhiều công trình kiến trúc Công giáo, biệt thự và chung cư có giá trị chưa được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia hay thành phố. Ngoại trừ các công trình Công giáo thuộc quyền sở hữu của Giáo hội, còn lại phần lớn biệt thự thuộc sở hữu tư nhân và các chung cư do nhà nước quản lý. Gần đây một số công trình đã được bảo tồn, tu sửa tốt, từ đó phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và cả giá trị kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nhân tố quan trọng nhất của kết quả này chính là sự tham gia trực tiếp của cộng đồng vào quá trình bảo tồn di sản đô thị, thực hiện “xã hội hóa” như những trường hợp điển hình nêu trên. Vấn đề còn lại là nhà nước cần kịp thời có ngay những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào bảo tồn di sản, khuyến khích tinh thần trách nhiệm của cộng đồng đối với xã hội.
Sài Gòn – TP.HCM cần được nhìn nhận như một “đô thị di sản” vì có một hệ thống công trình kiến trúc nhiều loại có giá trị nhiều mặt. Tính hệ thống và toàn diện là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng chiến lược bảo tồn di sản đô thị chứ không chỉ quan tâm bảo tồn những gì “đã được công nhận di tích” như quan niệm xưa nay.
Sinh năm 1958 tại Hà Nội,sống ở Sài Gòn từ 1975, TSNguyễn Thị Hậu tốt nghiệp ngành Khảo cổ học tại trường Đại học Tổng hợp TP.HCM 1980 (nay là trường ĐHKHXH&NV TP.HCM); sau đó lấy bằng Tiến sĩ Khảo cổ học tại Viện Khoa học xã hội TP.HCM 1997 (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). TS. Nguyễn Thị Hậu từng công tác tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và là giảng viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục giảng dạy và là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV HCM, phụ trách nghiên cứu về khảo cổ học và bảo tồn bảo tàng. Bà cũng là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM.Bà có nhiều công trình nghiên cứu về các nền Văn hóa Óc Eo, Đồng Nai, Sa Huỳnh,Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờvà công trình nghiên cứu Khảo cổ học đô thị và bảo tồn di sản Thành phố.
Được nhiều người biết tới với tên Hậu "khảo cổ”, bà cũng xuất bản nhiều cuốn sách ở các thể loại như ký, truyện ngắn, tản văn như Thế giới mạng và Tôi, Ngắn và rất ngắn (đồng tác giả với Nguyễn Thị Minh Thái),Quay qua quay lại, Đi và tìm trong đất, Vẫn còn nhớ nhau, Sài Gòn bao giờ cũng thế,Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…
TS Nguyễn Thị Hậu