Thứ bảy, 27/04/2024 14:58 (GMT+7)
Chủ nhật, 24/03/2024 06:56 (GMT+7)

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!

Theo dõi KTMT trên

Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Để rồi những ai được may mắn sinh ra và lớn lên bên những dòng sông quê ấy chỉ mong ước “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê” để được trở về dòng sông đầy ắp những kỷ niệm của những trưa hè, của má em hồng, của những buổi ngồi ngóng mẹ với xu bánh đa vừng…

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê! - Ảnh 1
Sông quê kỷ niệm của tuổi thơ với bao nhiêu thế hệ con người Việt.

Nhưng mong ước đó khó trở thành hiện thực khi quá trình đô thị hóa và cuộc sống công nghiệp hiện nay đã khiến cho diện tích mặt nước tự nhiên hầu như đều bị thu hẹp lại.

Từ Bắc đến Nam, không khó để chứng kiến nhiều dòng sông đang “chở nặng ô nhiễm”. Phù sa màu mỡ ngày nào phải nhường chỗ cho muôn nẻo nguồn thải. Sông ngày càng cô độc chống chọi sự hủy diệt của con người.

Nguyên nhân khiến sông phải “sống mòn” chờ “chết” có lẽ ai cũng biết, đó là do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa chóng mặt, cùng với khối lượng những chất thải, rác thải, nước thải khổng lồ đổ vào sông mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

“Trăm dâu” đổ đầu nguồn nước. Các loại nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp… khi vào môi trường không qua xử lý, tàn phá nghiêm trọng môi sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới dòng chảy cũng như tuổi thọ của những dòng sông.

 Một minh chứng cụ thể về vấn đề này khi tỉnh Bắc Ninh trong những năm qua luôn dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nhưng cũng là địa phương có các dòng sông bị ô nhiễm cũng đứng đầu.

Cụ thể là sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Cầu đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân Bắc Ninh, Bắc Giang suốt nhiều năm qua. Đặc biệt nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, nuôi cá lồng…

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê! - Ảnh 2
Sông Cầu không còn nước chảy lơ thơ, trong xanh như trước đây.

Trước tình trạng các kênh nước thải ngày đêm "đầu độc" sông Cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hai địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang đã vào cuộc tìm cách khắc phục trong suốt nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có kết quả. Bởi trên lưu vực sông Cầu có hàng ngàn nguồn thải, nước thải từ nhiều cống tiêu, cửa xả từ Bắc Ninh đổ thẳng ra sông Cầu khiến nhiều nhà máy cấp nước sạch cho người dân phải tạm dừng.

Hẳn ai cũng từng biết đến câu hát: “Dòng sông Đáy quê em. Sông trăng hay sông lụa. Nong kén vàng như lúa. Tròn vành một góc trời”… Trước đây, người dân sống ven sông Đáy thường rủ nhau xuống tắm sông vào mỗi buổi chiều. Nhiều hộ dân sống bám ven sông, sống bằng nghề đánh cá.

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê! - Ảnh 3
Sông Nhuệ đoạn chảy qua huyện Thường Tín lúc nào cũng trong tình trạng ô nhiễm đen kịt.

Nhưng khoảng 15 năm nay, nước sông Đáy dần trở nên ô nhiễm nặng, không thể sử dụng để tưới tiêu cho nông nghiệp. Sông Đáy được gọi với cái tên "dòng sông chết", ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Sông Nhuệ cũng trong tình trạng tương tự, đoạn chảy qua Hà Nội dài 62km cũng bị bồi lắng với hàng trăm cống xả thải thẳng ra lòng sông đen đặc, bốc mùi hôi thối.

Theo kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố năm 2020, sông Nhuệ - Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong năm lưu vực sông ở miền Bắc. Trong 185 điểm quan trắc của năm lưu vực có 15 điểm ô nhiễm, riêng sông Nhuệ - Đáy chiếm 13 điểm.

Xã Bình Yên, huyện Nam Trực (Nam Định) là làng nghề chuyên tái chế, cô đúc nhôm từ các phế thải như vỏ lon bia, đồ uống đóng hộp để sản xuất chậu, mâm, xoong nồi... Cũng nhờ nghề này, ngày càng nhiều hộ gia đình ở đây trở nên khá giả. Nhưng mặt trái của nó là môi trường nơi đây đang ngày càng bị tra tấn bởi hầu hết các sông ngòi, kênh mương, nhiều ha ruộng vườn đã bị bỏ hoang vì ô nhiễm nghiêm trọng.

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê! - Ảnh 4
Những dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Bởi hầu hết tất cả chất thải đều được các hộ đổ xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên mà không qua bất cứ một khâu xử lý nào. Mỗi ngày hàng trăm mét khối nước từ khâu tẩy rửa sản phẩm gồm axit, sút, muối Cr và một số hóa chất khác chưa qua xử lý đã thải trực tiếp ra hệ thống sông ngòi khiến nước nhuốm màu chỗ thì xanh rêu, chỗ thì đen, chỗ bạc trắng, chỗ thì đặc sệt màu vàng, bốc lên mùi hôi thối. Cá, tôm và các loài thủy sản còn không thể sống nổi. Khiến cho hệ thống sông, ngòi của làng nghề Bình Yên ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT, Việt Nam nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, với lượng mưa dồi dào, mạng lưới sông ngòi dày đặc với hơn 2.360 con sông - tạo nên sự đa dạng cảnh sắc, con người và văn hóa độc đáo của Việt Nam. Tài nguyên nước của những dòng sông đó là những mạch sống của con người và hệ sinh thái, tổng lượng nước bình quân mỗi người đạt khoảng hơn 9.400 m3 mỗi năm, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới.

Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, nước vẫn tiếp tục được khẳng định là trung tâm của phát triển bền vững. Tuy vậy, khủng hoảng tài nguyên nước đang lan rộng, đe dọa tới cả những quốc gia vốn có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi về nguồn nước, trong đó có Việt Nam. Nước là sợi dây để kết nối sự sống của các sinh vật trên Trái đất.

Những năm trở lại đây, tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô ở Việt Nam đang trở nên báo động, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất năng lượng và canh tác nông nghiệp. Cùng với đó, nhiều nguồn nước cũng đang rơi vào tình trạng ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, trở thành nguồn phát sinh bệnh tật.

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê! - Ảnh 5
Trạm bơm nước thải từ Bắc Ninh vào sông Cầu.

Chưa kể sự “dễ dãi” đến mức khó tin của các ngành chức năng đã tạo “điều kiện” cho không ít các doanh nghiệp vì “tham bát kinh tế” đã thoải mái xả thải trực tiếp ra những dòng sông, còn hậu họa môi trường thì người dân lãnh chịu. Họ tiết kiệm được vô vàn tiền của. Chỉ có dòng sông “phải chết”.

Chúng ta đồng ý rằng, nhân loại cần kiến thiết những công trình vĩ đại nhưng không có nghĩa xem nhẹ những giá trị gần gũi và thiết yếu là nguồn nước tự nhiên. Lũy tre và ao làng không thể trói buộc con người hay ngăn cản sự đổi mới, nhưng sông nước, làng quê vẫn vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người Việt Nam.

Để rồi chúng ta chợt nhận ra rằng sau bao năm mỗi lần trở về bến sông xưa những kỷ niệm vẫn luôn đong đầy trong tâm trí của những người con xa quê. Nhưng để nhảy thùm xuống sông, vẫy vùng trong làn nước mát, để “úp mặt vào sông quê” thì chẳng còn ai dám nữa…

Theo ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) - cho biết xu hướng của các nước phát triển thường không quy hoạch khu công nghiệp có nước thải độc hại cạnh sông, suối… nhằm mục đích kiểm soát tốt nguồn nước.

Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới