Thứ tư, 11/09/2024 07:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/11/2022 07:55 (GMT+7)

Các dòng sông băng lớn trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2050 do sự nóng lên toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Khủng hoảng khí hậu đang chạm đến gần như mọi khu vực trên thế giới. Nhưng có lẽ một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất về tác động của nó là đối với các sông băng mang tính biểu tượng của Trái Đất, một nguồn cung cấp nước ngọt chính.

Theo báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), một số sông băng nổi tiếng nhất thế giới như các sông băng trên dãy Dolomites (Italy), ở các công viên quốc gia Yosemite và Yellowstone (Mỹ) và trên dãy núi Kilimanjaro (Tanzania) sẽ biến mất vào năm 2050 do tình trạng ấm lên toàn cầu.

UNESCO đã theo dõi khoảng 18.600 sông băng tại 50 địa điểm Di sản Thế giới mà tổ chức này công nhận và dự đoán rằng khoảng 33% trong số sông băng này sẽ biến mất vào năm 2050.

Các dòng sông băng lớn trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2050 do sự nóng lên toàn cầu - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo của UNESCO: Các sông băng tại các Di sản Thế giới tan chảy khoảng 58 tỷ tấn băng mỗi năm, tương đương với tổng lượng nước được sử dụng hàng năm ở Pháp và Tây Ban Nha cộng lại. Và những sông băng này đã đóng góp gần 5% mực nước biển dâng toàn cầu trong 20 năm qua.

Theo Tales Carvalho Resende - cán bộ dự án tại đơn vị di sản thiên nhiên của UNESCO, cho biết: "Báo cáo này mang đến một thông điệp rất mạnh mẽ với ý nghĩa rằng các Di sản Thế giới là những địa điểm mang tính biểu tượng - những địa điểm vô cùng quan trọng đối với nhân loại, đặc biệt với cộng đồng địa phương và người dân bản địa”.

Các nhà khoa học báo cáo rằng chỉ bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, chúng ta mới có thể cứu được các sông băng ở 2/3 số công viên này - một mục tiêu khí hậu mà các báo cáo gần đây cho rằng thế giới còn lâu mới đạt được. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,2 độ C kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

Các sông băng bao phủ khoảng 10% diện tích đất, cung cấp nước ngọt cho các hộ gia đình, nông nghiệp và công nghiệp ở hạ lưu. Trong điều kiện bình thường, chúng mất tới một thiên niên kỷ để hình thành hoàn chỉnh; mỗi năm, chúng tăng khối lượng do tuyết hoặc mưa, và mất khối lượng do tan chảy vào mùa hè.

Sông băng tan chảy có vẻ như là một vấn đề xa vời, nhưng Resende cho biết: Đây là một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng có thể ảnh hưởng nặng nề đến các cộng đồng ở hạ nguồn. Ông nêu bật việc lũ lụt chết người của Pakistan trong năm nay, khiến gần một phần ba diện tích đất nước chìm trong nước.

“Khi tan chảy, nước này sẽ tích tụ lại trong hồ băng; và khi nước đến, những hồ băng này có thể vỡ ra. Và sự bùng phát này có thể tạo ra lũ lụt thảm khốc, đó là điều mà chúng ta có thể thấy rất gần đây ở Pakistan”, ông giải thích.

Báo cáo được đưa ra khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị tập trung tại Ai Cập vào tuần tới cho các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức, trong đó trọng tâm sẽ là yêu cầu các nước cam kết cắt giảm nhiên liệu hóa thạch mạnh mẽ hơn để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. 

Đinh Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Các dòng sông băng lớn trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2050 do sự nóng lên toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới