'Có thể tháo dỡ toàn bộ hoặc cho tồn tại một phần Mã Pì Lèng Panorama'
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, có thể phải tháo dỡ toàn bộ, hoặc xem xét từng phần. Phần nào ảnh hưởng đến di sản, đến môi trường thì tháo dỡ.
Sau khi những hình ảnh về tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng công trình đang phá vỡ cảnh quan đèo Mã Pì Lèng. Tỉnh Hà Giang đã giao cho các đơn vị chức năng rà soát, lập đoàn kiểm tra công trình trên đèo Mã Pì Lèng thuộc huyện Mèo Vạc.
Chiều 7/10, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng, huyện Mèo Vạc, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch đầu tư và Sở VHTT&DL Hà Giang đã có mặt tại Mã Pì Lèng Panorama. PV VOV.VN phỏng vấn ông Hoàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang.
Ông Hoàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang. |
PV: Theo kết quả khảo sát ban đầu, ông có thể chia sẻ một số thông tin về tình trạng công trình?
Ông Hoàng A Chinh: Công trình Mã Pì Lèng Panorama đến nay chưa có hồ sơ thiết kế và thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ rõ, công trình không nằm trong vùng bảo vệ cấp 1, cấp 2 của Danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Mặc dù vậy, Luật Di sản có những quy định riêng. Những vùng nằm ngoài khu vực 2 mà có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan thì phải có ý kiến tham mưu của ngành Văn hóa.
Luật Xây dựng chủ yếu quy định việc cấp phép cho đô thị và những vùng nông thôn có quy hoạch chi tiết. Khu vực này thuộc nông thôn, việc cấp phép được miễn. Tuy nhiên, để quản lý những công trình mang tính phục vụ công cộng thì phải kiểm soát qua thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản như thẩm tra thiết kế, thẩm định xây dựng có phù hợp hay không. Sự việc này, Sở Xây dựng sẽ chủ trì lấy ý kiến các ngành liên quan và địa phương. Sau khi kiểm tra hiện trạng công trình, chúng tôi sẽ họp tham mưu cho UBND tỉnh để tìm hướng giải quyết cho công trình này một cách thấu tình đạt lý, dựa trên các quy định của pháp luật. Đồng thời xem xét thực tế vị trí, nhu cầu tham quan, nghỉ chân của khách du lịch.
Tổ hợp khách sạn, nhà hàng, quán cà phê 7 tầng Mã Pì Lèng Panorama. |
PV: Trước phản ứng của dư luận, ông nghĩ thế nào về phương án “phạt cho tồn tại”?
Ông Hoàng A Chinh: Chúng tôi chưa khẳng định sẽ cho tồn tại công trình hay không vì còn phải họp với các ngành chức năng, đặc biệt là cơ quan văn hoá là cơ quan quản lý di sản và huyện Mèo Vạc. Trong ngày mai, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định. Theo quy định của Nghị định 39, bây giờ việc phạt cho tồn tại không còn hiệu lực.
Du khách "check in" tại Mã Pì Lèng Panorama. |
PV: Nếu công trình không hoàn thiện được các giấy tờ cần thiết, thì sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng A Chinh: Theo quy định của pháp luật, công trình không hoàn thiện được các giấy tờ cần thiết thì sẽ bị yêu cầu đình chỉ thi công. Còn với công trình đã hoàn thành thì phải xem xét hướng xử lý. Đây là vùng nông thôn, có đồng bào ở trên này, có được sự đầu tư cũng là rất quý, nên phải cân nhắc. Có thể phải tháo dỡ toàn bộ, hoặc xem xét từng phần. Phần nào ảnh hưởng đến di sản, đến môi trường thì tháo dỡ. Còn lại sẽ xem xét chỉnh trang kiến trúc cho phù hợp với cảnh quan. Có thể cho tồn tại một phần diện tích nhất định.
PV: Bằng cảm quan của mình, ông thấy công trình này thế nào?
Ông Hoàng A Chinh: Theo tôi cảm nhận, công trình nhìn không thân thiện với môi trường, phá một phần cảnh quan của điểm dừng chân ở đây. Hơn thế nữa, công trình này chưa có hồ sơ thiết kế, phần đua ra sông Nho Quế, nếu khách tụ tập đông, ăn uống, nhảy múa mà không đảm bảo chất lượng, chẳng may sập thì không thể lường trước hậu quả.
PV: Trách nhiệm để xây dựng công trình thuộc về đơn vị nào, thưa ông?
Ông Hoàng A Chinh: Công trình chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý mà đã xây dựng nên trách nhiệm đầu tiên thuộc về cấp hành chính quản lý địa bàn là huyện Mèo Vạc.
PV: Nhu cầu của địa phương cũng muốn xây dựng một số vị trí để vọng cảnh cho du khách. Thiết kế của những vị trí đó, địa phương dự định làm như thế nào? Có làm đồ sộ như thế này hay không hay chỉ đơn giản là điểm đứng, điểm dừng cho du khách?
Ông Hoàng A Chinh: Căn cứ địa hình, vị trí, nhu cầu của du khách có thể xem xét thiết kế cho phù hợp. Điểm có không gian rộng có thể làm các công trình quy mô lớn hơn, mang kiến trúc ở trên này. Ngoài ra có thể làm lan can bảo vệ cho du khách dừng chân chụp ảnh thôi. Không thể làm nhiều điểm vì ảnh hưởng đến giao thông, cũng như cảnh quan của khu vực.
PV: Dư luận đặt ra lo ngại đặt ra vấn đề bê tông hóa như ở Sapa, Tam Đảo, một nhà làm được thì nhiều nhà cũng sẽ làm. Với vai trò là đơn vị quản lý về xây dựng, Sở sẽ có biện pháp quản lý như thế nào?
Ông Hoàng A Chinh: Bê tông hóa là vấn đề báo động. Vì vậy, kể cả nhà ở hay công trình dịch vụ, chúng tôi có ban hành một số mẫu thiết kế để làm sao giữ được bản sắc, cũng như dùng vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc bê tông hoá.
Xây dựng điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi là cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, xây dựng công trình kèm theo các phòng nghỉ nhiều dịch vụ khác thì không nên.
PV: Xin cảm ơn ông!