Thứ ba, 23/04/2024 16:59 (GMT+7)
Thứ tư, 03/02/2021 08:24 (GMT+7)

Chuyển đổi kinh tế - 'chìa khóa' ngăn chặn tàn phá thế giới tự nhiên

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo của Chính phủ Anh chỉ ra rằng trong khi GDP bình quân đầu người đã tăng gấp đôi từ năm 1992, nguồn dự trữ tự nhiên - lợi ích mà mỗi cá nhân được môi trường ban tặng - giảm tới 40%.

Chuyển đổi kinh tế - 'chìa khóa' ngăn chặn tàn phá thế giới tự nhiên - Ảnh 1
Một khoảng rừng Amazon bị chặt phá. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước cần xem xét lại việc coi tăng trưởng kinh tế là thước đo đánh giá thành công, nếu muốn thực hiện cam kết ngăn chặn tình trạng tàn phá thế giới tự nhiên.

Khuyến cáo này được đưa ra trong báo cáo của Chính phủ Anh, công bố ngày 2/2.

Trong bối cảnh nhiều nước chuẩn bị nhóm họp tại Trung Quốc nhằm hướng đến một hiệp ước mới về đa dạng sinh học toàn cầu, nhiều nghiên cứu đã được triển khai với mục đích nhấn mạnh lợi ích tài chính từ việc bảo vệ rừng, đại dương và các môi trường đa dạng sinh học khác.

Báo cáo dài 602 trang, do giáo sư danh dự Partha Dasgupta tại Đại học Cambridge (Anh) chủ trì, khẳng định "con người hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới tự nhiên" và tất cả sinh kế của con người phụ thuộc vào "tình trạng sức khỏe" của Trái Đất.

Báo cáo chỉ ra rằng trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng gấp đôi kể từ năm 1992, nguồn dự trữ tự nhiên - lợi ích mà mỗi cá nhân được môi trường ban tặng - giảm tới 40%.

Trong khi đó, một số loài động vật đang có tốc độ tuyệt chủng nhanh gấp 1.000 lần so với tốc độ trung bình trong lịch sử. Điều này cho thấy mức độ bền vững và khả năng thích nghi của tự nhiên đang suy giảm.

Báo cáo chỉ rõ các lợi ích kinh tế của đa dạng sinh học trong lịch sử đã bị bỏ qua trong các mô hình tăng trưởng, làm sai lệch giá trị của tích lũy vốn và khiến các chương trình bảo tồn quan trọng thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu vốn.

Mỗi năm, ước tính các nước chi tổng cộng từ 4.000-6.000 tỉ USD cho các hoạt động kinh tế không bền vững, như sử dụng năng lượng hóa thạch và các kỹ thuật chăn nuôi tàn phá môi trường.

Do đó, báo cáo kêu gọi tìm các cách thức mới để chuyển đổi nền kinh tế, tính đến các yếu tố tự nhiên, thay vì mô hình phát triển GDP truyền thống. Bên cạnh đó, báo cáo cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách chấp nhận thực tế là tất cả hoạt động của doanh nghiệp phải gắn liền với môi trường, từ đó nâng cao giá trị của hệ sinh thái.

Nhóm tác giả nghiên cứu, do Bộ Tài chính Anh thành lập hồi tháng 3/2019, hy vọng các phát hiện trên sẽ thúc đẩy các nước coi hệ sinh thái là trọng tâm của chính sách kinh tế.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hoan nghênh kết quả nghiên cứu. Ông nhấn mạnh năm 2021 là năm quan trọng nhằm xác định con người có thể chặn đứng và đảo ngược xu hướng đáng lo ngại về tình trạng suy giảm đa dạng sinh học hay không.

Báo cáo chỉ ra 2 hội nghị quan trọng trong năm 2021, gồm hội nghị thượng đỉnh COP15 về đa dạng sinh học và COP26 về biến đổi khí hậu, là những cơ hội để con người giảm thiểu thiệt hại gây ra cho môi trường tự nhiên.

Minh Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi kinh tế - 'chìa khóa' ngăn chặn tàn phá thế giới tự nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.