Thứ sáu, 22/11/2024 19:48 (GMT+7)
Thứ năm, 22/10/2020 17:53 (GMT+7)

Chuyển đổi kinh tế xanh: Xu thế mới hậu Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhiều hạn chế của mô hình phát triển kinh tế truyền thống. Đứng trước thực tế đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi chuyển đổi "kinh tế xanh" là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững.

“Kinh tế xanh” là gì?

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP, 2011) xác định "kinh tế xanh" là nền kinh tế vừa mang đến hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Hiểu một cách đơn giản, kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội.

Kinh tế xanh là một nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển bền vững và kiến thức về kinh tế học sinh thái. Các hoạt động trong nền kinh tế xanh tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa), đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng nhất), 3 yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra câu hỏi về sự hiệu quả của các mô hình quản trị và phát triển kinh tế truyền thống, khi mà các yếu tố về thiên nhiên, môi trường, con người và phát triển bền vững trong tương lai chưa được chú trọng đúng mức. Đồng thời, những tác động sâu rộng mà đại dịch gây ra cần những giải pháp mang tính toàn diện, lâu dài và bền vững hơn trước.

Chuyển đổi kinh tế xanh: Xu thế mới hậu Covid-19 - Ảnh 1
Chuyển đổi xanh được coi là giải pháp có thể giúp xử lý hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm nguy cơ thiên nhiên bị tàn phá. (Ảnh minh họa: Internet)

Việc chuyển sang nền kinh tế xanh được coi là giải pháp có thể giúp xử lý hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm nguy cơ thiên nhiên bị tàn phá, giảm thiểu nguy cơ các loại virus nguy hiểm tấn công xã hội con người. Có nhiều phương thức tăng trưởng đảm bảo cho sự phát triển nhanh nhưng để phát triển bền vững thì những yếu tố về môi trường, con người, tương lai cần phải được đảm bảo.

Tăng trưởng xanh trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, các doanh nghiệp được coi là yếu tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện tăng trưởng xanh tại các quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế nguồn lực và kiến thức, do đó, để phát triển các hoạt động kinh doanh bền vững, họ cần được hỗ trợ trong việc giảm thiểu rủi ro môi trường và khí hậu, tăng hiệu quả tài nguyên và tính toàn diện của các mô hình kinh doanh để tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Kinh nghiệm của châu Âu

Tại châu Âu, nhằm tạo thêm tính bền vững cho nền kinh tế, châu Âu đã thành lập một Liên minh Phục hồi kinh tế xanh sau khủng hoảng do dịch Covid-19.

Theo đó, các Bộ trưởng của 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), 79 nghị sỹ châu Âu thuộc nhiều đảng phái khác nhau của 17 nước thành viên EU, 37 tổng giám đốc, 28 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho 10 lĩnh vực, Liên đoàn các nghiệp đoàn châu Âu, 7 tổ chức phi chính phủ và 6 viện chính sách đã đồng ký tên, cam kết thành lập Liên minh Phục hồi kinh tế xanh hậu Covid-19, ủng hộ và thực hiện các giải pháp nhằm chuẩn bị cho các nền kinh tế tương lai của thế giới.

Liên minh vì sự phục hồi của nền kinh tế xanh mong muốn “xây dựng và chia sẻ tư duy về các kế hoạch đầu tư xanh hậu khủng hoảng Covid-19” và đề xuất “các giải pháp đầu tư cần thiết và gắn với các cam kết về khí hậu”.

Các nhà đồng sáng lập liên minh trên nhấn mạnh sự chuyển đổi sang một nền kinh tế không khí thải carbon, các hệ thống nông nghiệp bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học, có khả năng nhanh chóng tạo ra việc làm, sự thịnh vượng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhờ đó, các nước xây dựng xã hội bền vững hơn.

Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường tại Nghị viện châu Âu, nơi đề xuất sáng kiến thành lập liên minh này cho biết: "Chúng tôi lựa chọn tăng cường sự chuyển đổi sinh thái ngay khi tái đầu tư vào nền kinh tế. Cùng nhau chiến đấu, chúng ta sẽ vượt qua được cả 2 cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng Covid-19 và khủng hoảng khí hậu”.

Còn theo bà Liming Qiao - Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Điện gió toàn cầu nói, tác động lâu dài của Covid-19 và tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào các hành động của tất cả chúng ta. Đây là thời điểm quan trọng để các chính phủ ở châu Á và toàn cầu tận dụng tiềm năng của ngành công nghiệp gió, điện mặt trời để tạo năng lượng sạch, tạo việc làm, mang lại lợi ích cộng đồng. Cơ sở hạ tầng cũng nằm ở mấu chốt của việc cân bằng bền vững kinh tế, xã hội và môi trường, có thể giúp chúng ta xây dựng khả năng phục hồi trước cú sốc hoặc khủng hoảng lớn có thể xảy ra.

Phục hồi xanh từ cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng là lời kêu gọi khẩn thiết của giới y tế toàn cầu vừa gửi lên các nhà lãnh đạo thế giới để đầu tư vào cả chăm sóc sức khỏe và môi trường để tránh tái diễn những đại dịch tương tự.

Chuyển đổi kinh tế xanh tại Việt Nam

Kinh tế Việt Nam thời gian qua cơ bản áp dụng mô hình “kinh tế nâu”, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với hiệu quả sử dụng thấp, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Giống như ở hầu hết các nước thu nhập thấp, Việt Nam đã phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều tài nguyên nông nghiệp và khoáng sản để tăng cường phát triển kinh tế trong hai thập kỷ qua.

Chuyển đổi kinh tế xanh: Xu thế mới hậu Covid-19 - Ảnh 2
Việt Nam đã phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. (Ảnh: Internet)

Nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi gấp đôi năng lượng cho mỗi đơn vị GDP sản xuất được so với mức trung bình của các quốc gia khác tại khu vực Đông Á. Năng lượng được sản xuất từ than chiếm 1/3 nguồn năng lượng chính cho thị trường nội địa, thủy điện (cung cấp 35% năng lượng ở Việt Nam) mặc dù trên lý thuyết được coi là một nguồn năng lượng sạch nhưng do quy hoạch kém và thiếu sự phối hợp thậm chí đã có những tác động tiêu cực. Để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần sớm có các giải pháp chấm dứt tình trạng này.

Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nếu chúng ta không nhanh chóng bắt nhịp với xu thế chuyển đổi xanh, trong tương lai không xa, các tiêu chuẩn về môi trường ra đời từ xu thế này sẽ trở thành các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào nhiều thị trường quan trọng, như EU.

“Hậu Covid-19 sẽ là cơ hội thu hút đầu tư để tái khởi động nền kinh tế. Việt Nam nên tận dụng để theo đuổi các lựa chọn phát triển tối ưu cho cả 3 mục đích: Phục hồi nền kinh tế xanh, thông qua các gói kích cầu do Chính phủ đưa ra; chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững hơn, sản xuất sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng; thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm rủi ro xuất hiện các đại dịch trong tương lai và các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra” - bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị tại sự kiện công bố Chỉ số Khí hậu doanh nghiệp (CBI) mới diễn ra hồi tháng 6 vừa qua.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi kinh tế xanh: Xu thế mới hậu Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới