Thứ năm, 02/05/2024 05:06 (GMT+7)
Thứ hai, 10/06/2019 06:46 (GMT+7)

Chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ từ bây giờ

Theo dõi KTMT trên

GS Lê Minh Thông cho rằng, sửa luật lần này "quên" bàn chuyện sáp nhập bộ ngành là một thiếu sót, cần phải bổ sung, đặt ra từ bây giờ để sắp tới có căn cứ thực hiện.

GS Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ cần nghiên cứu căn bản, toàn diện hơn để bộ máy tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ sau có địa vị pháp lý rõ ràng hơn.

22 bộ ngành là quá nhiều

- Ông có góp ý gì về tổ chức bộ máy Chính phủ hiện nay?

- Cơ quan Chính phủ hiện nay không thay đổi nhưng cần tiến tới quán triệt sâu sắc hơn nữa bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ từ bây giờ - Ảnh 1
GS Lê Minh Thông.

Tức là tính đến câu chuyện chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ có nhiệm vụ, chức năng tương đồng, tiến tới là bộ quản lý đa ngành và 1 vấn đề chỉ do 1 bộ quản lý.

Phải khắc phục bằng được chồng chéo trong chức năng, thẩm quyền giữa một số bộ, đó là việc phải sửa. Nếu sửa được nguyên tắc nào để xác định, tạo thêm cơ sở làm đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 15 phải tuân thủ, thể hiện rõ hơn bộ quản lý đa ngành. Có như vậy chúng ta mới tinh gọn được bộ máy.

- Tức là phải sáp nhập một số bộ ngành với nhau?

- Tất nhiên rồi, phải tiến tới giảm số lượng bộ và phải chuyển giao một số nhiệm vụ cho xã hội. Tức là bớt việc cho Chính phủ, tạo chủ động cho cộng đồng doanh nghiệp họ làm theo luật.

Hai là phân cấp, phân quyền cho địa phương để họ chịu trách nhiệm về địa bàn của mình, chứ không phải cái gì cũng đẩy lên Chính phủ.

Đó là xu hướng phải làm để cho bộ máy Chính phủ tập trung vào xây dựng thể chế và quản trị vĩ mô. Chính phủ phải làm những việc ở cấp quốc gia.

Giờ có tình trạng một số địa phương cái gì cũng đẩy lên Chính phủ, đợi Chính phủ giải quyết. Nên ách tắc chính là do sự không chủ động của địa phương. Luật cũng chưa định rõ phân quyền, nên những vấn đề xảy ra ở địa phương rất khó quy trách nhiệm cho địa phương.

- Nghị quyết 18 Trung ương 6 nêu rõ việc "nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư…" nhưng dự luật lại không đề cập đến việc này?

- Đấy là một thiếu sót. Phải bổ sung các quy định liên quan đến sáp nhập bộ ngành ngay từ bây giờ để sắp tới có căn cứ mà làm.

Việc sắp xếp lại bộ máy của Chính phủ theo nghị quyết trung ương là gom các chức năng liên quan chặt chẽ với nhau có thể giao cho 1 bộ.

Các nước phát triển phổ biến chỉ có 13-17 bộ, còn ta có 22 bộ ngành là quá nhiều, không khắc phục được sự chồng lấn, trách nhiệm không rõ ràng.

Ví dụ như vấn đề quản lý nợ công hiện nay có đến 3 bộ quản lý, làm chậm trễ trong quá trình quyết định.

Nếu xem sửa đổi luật Tổ chức Chính phủ hiện nay là một giải pháp tình thế để thích ứng một số quy định thì sửa một số điều.

Còn nghị quyết trung ương nêu nhiều nội dung nhưng dự thảo lần này không đề cập hết, không sâu sắc. Tôi nghĩ cần nghiên cứu căn bản, cần thiết phải là "luật sửa đổi" chứ không phải "sửa đổi một số điều".

Tư duy tầm quốc gia chứ không phải tư duy bộ ngành

- Có ý kiến lo ngại nếu sáp nhập một số bộ lại với nhau, bộ máy quá lớn dẫn đến tình trạng "bộ trong bộ" như đã từng xảy ra trước đây?

Chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ từ bây giờ - Ảnh 2

- Phải nghiên cứu chứ không phải ghép vào cơ học như ta từng thấy, bộ máy không giảm được.

Đồng thời phải tinh gọn bộ máy thực sự, cấu trúc bên trong bộ phải được xem lại cho gọn.

Đây là lợi ích quốc gia chứ không phải lợi ích bộ ngành. Chính phủ đại diện quốc gia nên cần có tư duy tầm quốc gia chứ không phải tư duy bộ ngành.

Khi sáp nhập lại, cấp trưởng phải gọn lại. Hiện chúng ta xây dựng Nhà nước điện tử với thời kỳ 4.0, công nghệ thay thế rất nhiều công đoạn. Họp giờ là họp trực tuyến, tất cả các thành phần ngồi họp.

Bộ không phải là người giải quyết dự án này dự án kia

Ở các nước, có thể có ít bộ nhưng cơ quan thuộc Chính phủ nhiều.

Đó là những bộ máy không có vai trò xây dựng, định ra thể chế nhưng rất quan trọng trong tổ chức thực hiện luật pháp và kiểm soát việc thi hành luật pháp.

Ví dụ, cơ quan quản lý cạnh tranh chống độc quyền rất cần là cơ quan thuộc Chính phủ chứ không thuộc Bộ Công Thương. Vì đó là cơ quan thực thi các quyết định về cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền, liên quan tới tất cả các ngành kinh tế. Đối tượng của nó liên quan đến rất nhiều cơ quan của Bộ Công Thương mà lại thuộc Bộ làm sao xử lý câu chuyện "đều là người nhà với nhau cả".

Hay như cơ quan kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý thị trường và chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng cũng tương tự.

Phải tư duy lại các cơ quan thuộc Chính phủ, xây dựng một hệ thống gọn về cấu trúc, rõ về chức năng để triển khai thi hành luật và kiểm soát thi hành luật, có quyền phạt, rút giấy phép, có quyền giải quyết tranh chấp.

Bộ máy của các bộ cần gọn và tinh, chỉ tập trung xây dựng thể chế, chính sách, chứ các bộ kiêm luôn cả việc kiểm soát, thi hành thì rất bất cập. Bộ không phải là người giải quyết những vấn đề thực tiễn về dự án này dự án kia.

Theo VNN

Bạn đang đọc bài viết Chuẩn bị điều kiện để sáp nhập một số bộ từ bây giờ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngày 2/5: QUỐC HỘI HỌP BẤT THƯỜNG XEM XÉT CÔNG TÁC NHÂN SỰ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Kỳ họp sẽ diễn ra trong buổi chiều 2/5/2024 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Ngày vui thống nhất non sông
Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!
Hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng
Những ngày này, cả nước đang hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng. 70 năm qua, dấu ấn chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vẫn còn hiện rõ trên mảnh đất miền Tây Bắc này.

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.