Thứ bảy, 23/11/2024 11:19 (GMT+7)
Thứ hai, 27/01/2020 10:12 (GMT+7)

Cảm nghĩ từ Hội chữ Xuân Canh Tý năm nay

Theo dõi KTMT trên

Dạo qua Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chủ đề Thành đức của Triển lãm thư pháp gợi nhiều suy nghĩ. Hòa vào dòng người chảy bất tận quanh hồ Văn, nô nức “xin” chữ, xem chữ với những khuôn mặt rạng rỡ cũng có thể vui mừng vì một phong tục đẹp ngày xuân đã sống lại.

Cảm nghĩ từ Hội chữ Xuân Canh Tý năm nay - Ảnh 1
'Xin' chữ đầu năm ở Hội chữ Xuân.

Đức là gốc, Thành đức để Đạt tài

Những người chọn chủ để triển lãm thư pháp ở hồ Văn năm nay là “Thành đức” đã chia sẻ ý tưởng muốn nhấn mạnh việc tu dưỡng đạo đức, coi đó là tiền để để có thể “Đạt tài”. Trong nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hai bên Đại Trung môn là hai cửa nhỏ “Thành đức” và “Đạt tài” trước khi tới Khuê văn các và Đại Thành môn. Triết lý xây dựng và đặt tên của người xưa khá mạch lạc: Trên đường tiến vào điện Khải thánh (là nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền) phải qua “Trung môn”, với hai bên cửa “Thành đức” và “Đạt tài”, trước khi qua cửa “Đại thành”. “Thành đức”, “Đạt tài” như những điều kiện cần và đủ để “Đại thành”.

Cảm nghĩ từ Hội chữ Xuân Canh Tý năm nay - Ảnh 2
Rất đông các bạn trẻ muốn "xin" chữ.

“Thành đức” và “Đạt tài” cũng như hai mặt biện chứng trong phẩm chất của một con người. Tuy nhiên, Nho giáo coi trọng Đức, luôn đặt Đức đứng trước Tài trong những nấc thang của hệ giá trị. “Đức là gốc, tài là ngọn” (Đức giả bản dã, tài giả mạt dã). Sách Đại học của Nho giáo tuyên bố như thế. Nho giáo cũng yêu cầu các bậc quân tử bề trên phải gương mẫu về đạo đức: “Trước hết phải giữ mình cho ngay thẳng, sau đó thiên hạ mói quy thuận theo mình” (Kỳ thân chính nhi thiên hạ quy chi). “Thành đức” (là tiền để) rồi mới “Đạt tài”. Người tu dưỡng đức và có sự cố gắng học tập, rèn luyện thì sẽ nâng cao được trình độ, năng lực, sẽ dùng được tài năng của mình giúp dân giúp nước (một cách có đạo đức) và như vậy sự nghiệp sẽ “Đại thành”.

Cảm nghĩ từ Hội chữ Xuân Canh Tý năm nay - Ảnh 3
'Bày mực tàu giấy đỏ - Trên phố đông người qua' (Vũ Đình Liên)

Trong buổi loạn lạc cuối Lê đầu Nguyễn, khi những gì người ta đạt được có vẻ như do nhờ có “năng lực giành giật” hơn người khác, Nguyễn Du đã thốt lên “Có tài mà cậy chi tài” trong niềm hoài vọng phục hưng đạo đức. Thời hiện đại, khi đạo đức xã hội đã có nhiều suy vi đáng báo động, một lần nữa nêu cao chủ đề “Thành đức” - chữ “thành” trong chữ “hoàn thành”, “trưởng thành”, để động viên việc rèn đức cùng với luyện tài là điều cần thiết.

Nét đẹp nhiều đời truyền lại

Thời nào cũng vậy, “chữ” và “người có chữ” luôn được trân trọng. Xưa, “sĩ” - “người có chữ”, được xếp đầu trong thang bậc địa vị xã hội Sĩ - Nông - Công – Thương. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt thường có phong tục “xin” chữ và “cho” chữ minh chứng cho một truyền thống hiếu học, khuyến học, trọng tri thức. “Xin” chữ, “xin” câu đối Tết đã là nét đẹp nhiều đời. Đầu năm “xin” một chữ, “xin” một câu đối mang ý tốt lành để “lấy khước” cho gia đình cả năm tấn tới là một phong tục đẹp. Tục lệ “xin” chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Những người được “xin” chữ đều là những bậc túc nho, đức độ, tài năng. Đến tận nhà các bậc đạo cao đức trọng mà “xin” được chữ cũng là một niềm tự hào không nhỏ.

Từ mùng Hai Tết, những gia đình trọng học, khuyến học thường đi “xin” chữ. Những ước vọng đong đầy cho một năm mới tốt đẹp được lồng trong những nét mực tàu nổi bật trên nền giấy đỏ.

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay” (Vũ Đình Liên)

Cảm nghĩ từ Hội chữ Xuân Canh Tý năm nay - Ảnh 4

“Xin” chữ - “cho” chữ có khi lại là một “cuộc chơi” đầy thú vị, để lại những giai thoại hay cho hậu thế về trí tuệ thông minh và khả năng ứng đối. Chỉ xin kể lại một chuyện: Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là người sâu sắc thâm thúy nhưng cũng rất dí dỏm, tinh nghịch, hay trêu đùa người khác bằng câu chữ. Ông tức cảnh khi anh hàng thịt mang biếu bát tiết canh và đôi bầu dục vào một ngày cuối năm rồi nài xin cụ cho một câu đối Tết:

Tứ thời bát tiết canh chung thuỷ

Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang.

Hành văn Hán Nôm vốn không có dấu phẩy và nghệ thuật chơi chữ “siêu đẳng” của cụ Tam nguyên Yên Đổ nằm ở việc “lập lờ” dịch chuyển dấu phẩy trong ngắt câu khi đọc.

Chữ “xin” được viết theo nguyện vọng của người “xin”. Những người giản dị thường hay xin chữ “an”, chữ “phúc” chữ “đức”. Người kinh doanh, buôn bán thì hay xin chữ “hưng”, chữ “thịnh”, chữ “phát”, chữ “lộc”. Sĩ tử muốn theo nghiệp học hành thi cử thường xin chữ “tài”, chữ “đạt”, chữ “đăng khoa”, người cầu sức khỏe, sống lâu xin chữ “thọ”, chữ “khang” v.v. Nhưng đôi khi cũng không phải vậy. Nhiều năm trước, người viết bài này đã lặn lội đến tịnh thất bên bờ sông heo hút của một thư pháp gia nổi tiếng và ngỏ lời “xin” một chữ. Tuy nhiên anh (tôi xưng hô vậy vì “thầy” còn khá trẻ) gạt phắt chữ đó đi và cặm cụi viết cho tôi bốn chữ. Anh vừa đưa tấm chữ còn tươi mực vừa nói: “Chữ anh xin chưa chắc đã hợp với con người anh. Mà có phải cái gì anh cứ xin là được đâu !”. Chữ cũng vận vào người. Đến nay (và chắc cả sau này) ngẫm lại bốn chữ “thầy” cho vẫn thấy tâm đắc. Không chỉ là những nét thư họa, mỗi chữ được được viết lên còn gợi nhiều suy tư thế sự và nhân sinh.

Cảm nghĩ từ Hội chữ Xuân Canh Tý năm nay - Ảnh 5
Những "cô đồ", "ông đồ" thời nay.

Qua nhiều biến cố thăng trầm lịch sử, cũng đã có lúc

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…” (Vũ Đình Liên)

Nhưng mạch ngầm văn hóa vẫn chảy. Xã hội đương đại đã dần “nhớ lại” nếp xưa, chấn chỉnh dần và phục dựng ngày càng tốt hơn những nét đẹp của tục “xin” chữ đầu xuân. Đến nay không chỉ có ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà hầu như tại điểm di tích nào cũng có các “ông đồ” đáp ứng việc viết chữ. Dù cho nghệ thuật thư pháp bác học không nhiều người thời nay am tường nhưng việc trân trọng xin chữ thời xưa trên vuông giấy đỏ vẫn có thể coi là một “hành vi văn hóa sang trọng”.

Trong những ngày đầu tiên của năm mới, mọi người đến hồ Văn, vào Hội chữ Xuân ai cũng mang theo một tấm lòng thành và mong muốn ước nguyện tốt lành. Ý nghĩa trong mỗi tờ tranh chữ mang về trong năm mới luôn được hy vọng sẽ biến thành hiện thực.

Ngữ Thiên

Bạn đang đọc bài viết Cảm nghĩ từ Hội chữ Xuân Canh Tý năm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới