Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Công tác pháp chế phải là nhiệm vụ của từng đơn vị
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị công tác pháp chế giáo dục năm 2019 được tổ chức sáng 27/8. Cũng tại Hội nghị này, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đều cho rằng, đây là hội nghị rất thiết thực, hiệu quả với sự chỉ đạo quyết liệt và quan tâm tâm sâu sắc của người đứng đầu ngành Giáo dục.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác pháp chế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, công tác pháp chế phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là công tác của tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT chứ không chỉ là nhiệm vụ của Vụ Pháp chế; mỗi cán bộ chuyên viên ngoài công tác chuyên môn phải ý thức và trách nhiệm thực hiện công tác này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: Bộ GD&ĐT |
“Chúng ta đang chỉ đạo một lĩnh vực quá rộng lớn, liên quan đến từng người, từng nhà, các địa phương… Nếu không có hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ, hợp lý, có tính thực tiễn cao để chỉ đạo điều hành sẽ rất khó khăn. Do đó, công việc đầu tiên, vô cùng quan trọng là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” - Bộ trưởng nói.
Muốn xây dựng hệ thống văn bản tốt, theo Bộ trưởng, phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, có đánh giá tác động để đảm bảo tính khả thi của văn bản. Bộ trưởng cho biết, lần đầu tiên Bộ GDĐT có 50 đề tài cấp Nhà nước, nghiên cứu diện rộng các vấn đề giáo dục và đào tạo để làm luận cứ cho việc xây dựng chính sách.
Bước đầu, các đề tài nghiên cứu thể hiện hiệu quả qua 2 luật đã được Quốc hội thông qua là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi). Ngoài ra, các nghị định và nhiều thông tư ban hành cũng đều được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu thực tiễn bài bản, chắc chắn.
Cùng xây dựng văn bản, Bộ trưởng cũng lưu ý tới công tác rà soát các văn bản đã ban hành để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. “Cuộc sống luôn thay đổi, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cùng với đó là nhiều Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và gần đây nhất là 2 văn bản Luật được ban hành, có tác động rất lớn. Vì vậy, việc dành thời gian để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật càng trở nên quan trọng”.
Để văn bản đi vào cuộc sống, Bộ trưởng nhấn mạnh tới công tác tuyên truyền và cho rằng đây còn là khâu yếu. “Có một thực tế là văn bản ban hành xong ít được để ý hướng dẫn, đôn đốc quán triệt để những người chịu tác động, những người thực hiện nắm được. Công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện văn bản để biết văn bản có sát thực tế không, có được thực hiện tốt không dù đã được làm nhưng còn mờ. Văn bản phải đi vào thực tế” - Bộ trưởng chỉ rõ.
Nêu phương hướng trong thời gian tới với công tác pháp chế, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng các văn bản để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục. Theo Bộ trưởng, cùng với các nghị định để triển khai luật thì hàng loạt các thông tư cũng phải thay đổi. “Đây là khối lượng công việc khổng lồ”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai hiệu quả nhiệm vụ pháp chế, trong đó cần quan tâm tới công tác tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ pháp chế, đặc biệt là kỹ năng làm công tác pháp chế. Vụ Pháp chế tiếp tục kiện toàn đội ngũ về số lượng và chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, công tác thanh tra kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật.
Nguyễn Luận